Chia sẻ

XÉT NGHIỆM KHÁNG THỂ CHỐNG SARS CoV2 CÓ THỰC SỰ GIÚP BẠN XÁC ĐỊNH KHẢ NĂNG “MIỄN DỊCH” VỚI COVID-19?

By Victoria Healthcare 11 Tháng 9 2021

XÉT NGHIỆM KHÁNG THỂ CHỐNG SARS CoV2 CÓ THỰC SỰ GIÚP BẠN XÁC ĐỊNH KHẢ NĂNG “MIỄN DỊCH” VỚI COVID-19?
Gần đây, xu hướng thực hiện xét nghiệm tìm kháng thể chống Covid-19 (SARS Cov2 IgG), đặc biệt sau khi nhiều người đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19, hoặc đối với những người đã mắc Covid-19 và khỏi bệnh đang quan tâm và muốn biết mình thực sự đã có đủ khàng thể chống lại Covid-19 hay chưa? Vậy xét nghiệm kháng thể chống Covid-19 có thực sự cho bạn câu trả lời chính xác?
Bài viết này dựa theo thông tin của CDC Hoa Kỳ cập nhật ngày 17/3/2021, có thể sẽ cho bạn lời giải đáp để hiểu rõ hơn về xét nghiệm này.
1. Kháng thể chống SARS CoV 2 là gì?
Khi cơ thể bạn bị nhiễm virus SARS CoV 2, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại các protein đặc biệt của virus này gọi là kháng nguyên, như kháng nguyên nhân (N- Nucleocapsid), kháng nguyên gai (S-Spike), từ đó tạo ra kháng thể kháng protein N và kháng thể kháng protein S. Xét nghiệm kháng thể có thể tìm được sự hiện diện của các kháng thể này trong huyết thanh sau nhiều ngày hoặc tuần khi bị nhiễm bệnh.
Thời gian các kháng thể tồn tại trong máu sau khi bị nhiễm vẫn chưa được biết rõ. Kháng thể IgG thường tồn tại lâu hơn so với các kháng thể IgM và IgA. Người bị nhiễm bệnh nặng có nồng độ kháng thể cao hơn và tồn tại lâu hơn so với người bị nhiễm bệnh nhẹ. Có nhiều phương pháp tìm kháng thể với độ nhạy khác nhau.
Việc tiêm vaccine chủ yếu tạo ra kháng thể ngăn chặn sự kết nối Protein S của virus vào màng tế bào từ đó ngăn virus xâm nhập vào cơ thể. Do đó nồng độ kháng thể ở người chích vaccine chủ yếu là các kháng thể chống lại protein S và điểm kết nối protein S vào tế bào, người tiêm vaccine có thể không có kháng thể chống protein N và các protein khác.
Vì vậy xét nghiệm kháng thể không dùng để đánh giá khả năng bảo vệ của bạn sau khi tiêm vaccine. Tất cả các khuyến cáo của CDC đều không đề nghị xét nghiệm kháng thể để đánh giá mức độ bảo vệ của bạn sau khi tiêm vaccine, trừ trường hợp bạn làm xét nghiệm kháng thể chuyên biệt cho protein S và điểm kết nối protein S vào tế bào và xét nghiệm này rất chuyên biệt chỉ làm được trong các phòng xét nghiệm nghiên cứu.
2. Kết quả xét nghiệm của bạn có ý nghĩa gì?
(*) Nếu bạn có kết quả xét nghiệm dương tính:
• Kết quả xét nghiệm dương tính cho thấy bạn có thể có kháng thể từ lần nhiễm trước hoặc từ việc tiêm chủng chống lại vi-rút gây bệnh COVID-19.
• Bạn có thể xét nghiệm dương tính đối với kháng thể dù không hề có bất kỳ triệu chứng nào của COVID-19 hoặc chưa được tiêm vắc-xin COVID-19. Điều này có thể xảy ra nếu bạn bị lây nhiễm mà không có triệu chứng, còn gọi là lây nhiễm không triệu chứng.
• Đôi khi một người có thể xét nghiệm dương tính với kháng thể SARS-CoV-2 khi họ thực sự không có các kháng thể đó. Trường hợp này gọi là kết quả xét nghiệm dương tính giả.
(*) Nếu bạn có kết quả xét nghiệm âm tính
• Bạn có thể không có các kháng thể COVID-19. Điều này có thể là vì bạn chưa bị nhiễm vi-rút gây bệnh COVID-19 hoặc chưa tiêm vắc-xin COVID-19.
(*) Xét nghiệm kháng thể hiện tại không được khuyên dùng để xác định liệu bạn có miễn nhiễm với COVID-19 sau khi tiêm chủng COVID-19 hay không.
• Một số xét nghiệm kháng thể sẽ chỉ phát hiện được kháng thể do nhiễm vi-rút gây bệnh COVID-19. chứ không phải do tiêm chủng.
• Bạn có thể đang bị lây nhiễm, mới bị nhiễm hoặc mới tiêm chủng gần đây. Thông thường sẽ mất 1 đến 3 tuần sau khi nhiễm bệnh hoặc tiêm chủng để cơ thể bạn tạo ra các kháng thể. Nếu bạn bị nhiễm bệnh, bạn có thể bị bệnh và lây lan vi-rút trước khi có các kháng thể.
(*) Một số người có thể mất nhiều thời gian hơn để có kháng thể và có thể một số ít người bị nhiễm bệnh hoặc đã tiêm chủng nhưng không bao giờ có kháng thể.
• Có một số người xét nghiệm âm tính với các kháng thể SARS-CoV-2 nhưng thực sự họ đã có kháng thể đó. Trường hợp này được gọi là kết quả xét nghiệm âm tính giả.