Chia sẻ
VIÊM TUYẾN GIÁP HASHIMOTO
By Victoria Healthcare 01 Tháng 11 2019

Viêm tuyến giáp Hashimoto còn được gọi là bệnh Hashimoto. Đây là bệnh tự miễn dịch, một loại rối loạn khiến hệ thống miễn dịch phản ứng với mô trong chính cơ thể. Riêng với tình trạng Hashimoto, nó khiến hệ miễn dịch nhầm lẫn, tấn công vào tuyến giáp. Điều này dẫn đến suy giáp khiến tuyến giáp không tạo ra đủ lượng nội tiết tố cơ thể cần.
Tuyến giáp nằm ở trước cổ và có nhiệm vụ tạo ra nội tiết tố để kiểm soát sự trao đổi chất. Việc này bao gồm kiểm soát nhịp tim và điều hòa chuyển hóa năng lượng.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto
Hiện nay chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, nhưng có nhiều yếu tố được cho là tác nhân gây bệnh bao gồm:
Genes: Những người mắc bệnh thường có người thân trong gia đình mắc bệnh về tuyến giáp hoặc chứng rối loạn miễn dịch. Tính di truyền được xem là thủ phạm gây ra bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto.
Giới tính: Bệnh Hashimoto ảnh hưởng đến phụ nữ gấp 7 lần nam giới. Một số phụ nữ thường mắc các vấn đề về tuyến giáp trong 1 năm đầu sau sinh. Dù các vấn đề này thường tự khỏi, nhưng có khoảng 20% trong số nhóm này tiến triển thành bệnh Hashimoto trong những năm sau đó.
Nhiễm phòng xạ: Đã có những báo cáo về số lượng người bị bệnh tuyến giáp gia tăng từ những người bị nhiễm phóng xạ và các bệnh nhân xạ trị vì mắc bệnh ung thư máu Hodgkin.
Triệu chứng của bệnh Hashimoto
Bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ ở giai đoạn đầu. Dấu hiệu đầu tiên là phình tuyến giáp, hay còn gọi là bướu. Bướu có thể làm phần trước cổ trông như sưng lên. Bướu to gây khó khăn khi nuốt. Khi bệnh tiến triển đến suy giáp thì có triệu chứng rõ ràng hơn:
- Tăng cân
- Mệt mỏi
- Mặt phù nề
- Đau cơ và khớp
- Táo bón
- Sợ lạnh
- Khó có thai
- Rụng tóc hoặc dễ gãy
- Rối loạn kinh nguyệt
- Trầm cảm
- Nhịp tim chậm
Do các triệu chứng bệnh Hashimoto tương tự với những bệnh khác, bạn nên thăm khám bác sĩ nếu thấy có các triệu chứng trên.
Phương pháp điều trị bệnh Hashimoto
Chưa có cách điều trị bệnh Hashimoto, nhưng liệu pháp thay thế nội tiết tố bằng thuốc có thể giúp điều hòa lượng hóc-môn và hồi phục sự trao đổi chất về trạng thái bình thường.
Thuốc có nhiều trên thị trường và có nhiều công dụng khác nhau. Liều lượng chính xác sẽ do bác sĩ kê toa tùy theo các tác nhân được liệt kê bên dưới:
- Độ tuổi
- Cân nặng
- Mức độ nghiêm trọng của bệnh
- Các vấn đề về sức khỏe khác
- Các loại thuốc kèm theo có thể tác động đến hóc-môn tuyến giáp tổng hợp
Khi bắt đầu quá trình trị liệu, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm xét nghiệm hóc-môn kích thích tuyến giáp được gọi là TSH để theo dõi chức năng tuyến giáp và bảo đảm dùng đúng liều lượng thuốc. Do hóc-môn tuyến giáp tác động vào cơ thể rất chậm, cần vài tháng để làm mất triệu chứng và bướu nhỏ lại. Tuy nhiên, nếu bướu to không thay đổi kích thước, việc loại bỏ tuyến giáp có thể là điều cần nên làm.