Chia sẻ
VIẾT CHO NHỮNG BÀ MẸ CÓ CON BIẾNG ĂN (Phần 2)
By Victoria Healthcare 12 Tháng 4 2021
KHI NÀO CHA MẸ CẦN CAN THIỆP VÀO CHUYỆN BIẾNG ĂN CỦA TRẺ?
Thông thường, hiếm có trẻ nào tự bỏ đói mình đến mức phải cấp cứu, trừ những trẻ có vấn đề về não. Não trẻ không nhận biết được tình trạng đói, khiến trẻ đói đến mức cơ thể không còn cơ chế bù trừ nữa, khiến trẻ bị hạ đường huyết. Còn lại, đa số trẻ bình thường khi cảm thấy đói, não sẽ nhận được tín hiệu là “đói ”, trẻ sẽ đi tìm thức ăn hoặc thức uống để nạp năng lượng nhằm thỏa mãn cơn đói. Cũng chẳng có bé nào ham chơi đến mức để đói tụt đường huyết, ngoại trừ một số trường hợp trẻ lớn ham chơi game trong một thời gian kéo dài (khoảng chừng mười mấy tiếng), não quá chú ý đến game nên quên phát tín hiệu đói, khiến trẻ quên ăn, ngất xỉu.
Do đó, khi bố mẹ nhận thấy trẻ có tình trạng biếng ăn kéo dài lâu, chậm tăng cân, chậm tăng chiều cao thì nên đưa trẻ đi kiểm tra với các chuyên viên y tế chuyên khoa. Ngoài ra, khi trẻ có một chế độ ăn không khỏe mạnh, như không thích ăn một số thực phẩm có chất sắt, hay một số gia đình chỉ ăn chay thì sẽ thiếu một số vitamin. .. thì trẻ nên gặp bác sĩ để thảo luận xem thực đơn có phù hợp với sự phát triển của trẻ hay không. Nếu trẻ ăn uống đa dạng đầy đủ theo nhu câu thì không cần phải bổ sung thêm bất cứ loại vitamin nào cả. Tuy nhiên, nếu cha mẹ vì quá lo lắng, cảm thấy không thể yên tâm với tình trạng biếng ăn của con thì có thể cho trẻ uống các loại vitamin tổng hợp cũng được. Điều này không cần thiết cũng chẳng có hại, chỉ là giúp trấn an về mặt tinh thần cho cha mẹ mà thôi.
CỐM VI SINH VÀ KẼM CÓ CHỮA ĐƯỢC BIẾNG ĂN?
Vì ăn là nhu cầu riêng của mỗi trẻ nên không thể lấy tiêu chuẩn của người lớn hay tiêu chuẩn của con hàng xóm để gán cho nhu cầu của con bạn được. Khi trẻ đủ đói, nó sẽ ăn. Nếu món ăn ngon (đối với nó) thì nó sẽ ăn hào hứng hơn. Cốm vi sinh chỉ là những lợi khuẩn đường ruột, mà bất kỳ người nào cũng có trong ruột của mình. Cha mẹ bé có bổ sung thêm cốm vi sinh đó cũng không giúp bé ăn ngon hơn (những lợi khuẩn đường ruột đâu có tạo ra cảm giác thèm ăn đâu).
Ngay cả việc bổ sung kẽm ở những trẻ ăn uống đa dạng cũng không cần thiết và không hẳn giúp trẻ ăn nhiều hơn. Nếu trẻ ăn được những thức ăn thông thường như hải sản, thịt, cá, ngũ cốc thì nó đã có đủ kẽm rồi và không cần bổ sung thêm. Đương nhiên, một trong những triệu chứng của thiếu kẽm là giảm ngon miệng. Nhưng tình trạng thiếu kẽm thường chỉ có ở một số đối tượng nguy cơ như những bệnh lý đường ruột gây kém hấp thụ, người ăn chay hay trẻ bú mẹ hoàn toàn quá lâu (mà không cho ăn dặm) trên 6 tháng tuổi. Khi đó, bác sĩ mới nghi ngờ trẻ bị thiếu kẽm và có thể bổ sung kẽm cho trẻ.
(Theo dõi tiếp phần sau)
Bs. Nguyễn Trí Đoàn – Trích “Để con được ốm”
(Bài viết của sử dụng hình ảnh từ Shutterstock)