Chia sẻ
UNG THƯ VÚ - PHÒNG BỆNH HƠN CHỮA BỆNH
By Victoria Healthcare 09 Tháng 10 2023
Ung thư vú xảy ra khi các tế bào trong vú phát triển ngoài tầm kiểm soát và hình thành khối u. Các tế bào ung thư có khả năng xâm lấn và di căn sang các bộ phận xung quanh.
Đây là bệnh có tỉ lệ mắc mới và tử vong hàng đầu thế giới với hơn 2 triệu ca mắc mới và khoảng 685.000 ca tử vong được ghi nhận bởi GLOBOCAN vào năm 2020. Tại Việt Nam, ung thư vú cũng là căn bệnh có tỷ lệ ca mắc mới cao nhất ở nữ giới, chiếm 25.8% tổng số ca ung thư.
Đến đây hẳn nhiều người nghĩ ung thư vú là căn bệnh rất nguy hiểm. Nhưng để xác định mức độ nguy hiểm còn dựa vào nhiều yếu tố như giai đoạn phát hiện bệnh, tình trạng sức khỏe bệnh nhân, quá trình tiến triển bệnh,...
Ung thư vú là bệnh có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm.
Nghiên cứu ở các nước châu Á đã chỉ ra tỷ lệ sống thêm 5 năm trong khoảng từ 56,5% đến 86,7%.
Ở một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, những bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm (I, II) có tỷ lệ sống thêm 5 năm có thể từ 80,7% - 94,4%, trong khi nếu chẩn đoán ở giai đoạn muộn (III, IV) chỉ là 23,3% đến 59,7%.
Ở Việt Nam, bệnh nhân ung thư vú nếu được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống thêm 5 năm có thể lên đến hơn 90%.
Qua đó cho thấy căn bệnh có nguy hiểm hay không phụ thuộc rất lớn vào việc bệnh được phát hiện ở giai đoạn nào. Việc nắm rõ được các biểu hiện cũng như các yếu tố nguy cơ sẽ giúp chị em chủ động trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh về sau.
Dấu hiệu nhận biết ung thư vú - hãy nói ra khi bạn thấy sự bất thường trên cơ thể
Như các bệnh ung thư khác, triệu chứng của ung thư vú giai đoạn đầu cũng không quá rõ ràng, mỗi người sẽ có những biểu hiện khác nhau và không ít trường hợp bệnh nhân không gặp bất kỳ dấu hiệu nào.
Nhưng có một số những cảnh báo rõ rệt cho thấy có thể bạn đang mắc bệnh cần được lưu ý như:
- Sưng hoặc có khối u, hạch ở vùng gần vú, kéo dài xuống nách
- Sự thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc đường cong của vú: Ung thư vú khiến núm vú thay đổi, trở nên dẹt hơn, thụt vào trong. Da ở núm vú có thể trở nên sần sùi, có vảy, hay viêm.
- Có dịch tiết ra từ núm vú, dịch có máu hoặc trong suốt
- Đau vú
Tuy nhiên, bạn có thể gặp các triệu chứng trên nhưng với một bệnh lý khác không phải là ung thư. Vì vậy, khi cảm thấy cơ thể có điều bất thường hãy đến gặp bác sĩ để có những chẩn đoán chính xác nhất nhé.
"Tất cả phụ nữ đều cần biết sự thật. Và sự thật là khi nói đến ung thư vú, mọi phụ nữ đều có nguy cơ mắc bệnh."
Đúng vậy, giới tính nữ là yếu tố nguy cơ mạnh nhất của ung thư vú. Bệnh xảy ra ở nam giới chỉ chiếm khoảng 0,5–1%.
Một số phụ nữ vẫn mắc ung thư vú ngay cả khi họ không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào. Theo thống kê cứ 8 phụ nữ thì sẽ có 1 người mắc ung thư vú. Và một sự thật đáng buồn là 75% số người mắc bệnh không biết đến các yếu tố nguy cơ để khi phát hiện thì bệnh đã đi đến giai đoạn nghiêm trọng.
Do vậy, các chị em ngoài việc để ý các triệu chứng thường gặp của bệnh thì nên đặc biệt lưu tâm đến các nhóm nguy cơ cao dưới đây để kịp thời phòng tránh:
- Nhóm nguy cơ không thể thay đổi
- Tuổi tác: đây luôn là một chủ đề nhạy cảm mà phái nữ không muốn nhắc đến nhưng tuổi càng cao đồng nghĩa nguy cơ mắc bệnh càng tăng.
- Tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh: gen di truyền là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu gia đình có người từng mắc căn bệnh này, bạn nên chủ động đi tầm soát bệnh càng sớm càng tốt.
- Người dậy thì sớm hoặc mãn kinh muộn: Bắt đầu có kinh trước 12 tuổi và bắt đầu mãn kinh sau 55 tuổi làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
- Người có mô ngực dày: không phải kích thước bộ ngực, mô dày đặc được nhắc đến là mô liên kết trong ngực. Theo các bác sĩ, khi chụp X - quang mô liên kết dày đặc ở ngực sẽ gây cản trở trong việc phát hiện khối u từ đó khiến việc chẩn đoán bệnh bị chậm trễ.
2. Nhóm nguy cơ có thể thay đổi được
Đây có lẽ là nhóm yếu tố rất đặc biệt bởi cụm từ “có thể thay đổi được”. Có thể thay đổi nhưng muốn thay đổi hay không thì nguyên nhân lại ở mỗi người, ở cách chị em quan tâm tới cơ thể này. Những yếu tố này rất quen thuộc nhưng chúng đang bị xem nhẹ và bỏ qua, để rồi một ngày chợt phát hiện ra bản thân không ổn thì cũng là lúc bệnh đã tiến tới giai đoạn nguy hiểm:
- Lười vận động: Công việc bận rộn hay lối sống công nghiệp khiến mọi người sinh ra tâm lý lười vận động. Và đây là con đường ngắn nhất dẫn đến nhiều căn bệnh khác bên cạnh ung thư vú như: béo phì, bệnh tim mạch,...
- Thừa cân béo phì: bên cạnh tuổi tác thì cân nặng cũng là một điều khiến chị em phụ nữ luôn để tâm đến. Việc tăng cân béo phì không chỉ là câu chuyện của xấu - đẹp mà còn là thủ phạm âm thầm khiến chị em dễ mắc ung thư vú hơn.
- Tiền căn sản khoa: làm mẹ là một thiên chức cao quý và thiêng liêng của phụ nữ. Dù chủ động có kế hoạch sinh con muộn hay vì bất kỳ lý do nào khác thì hiện nay có rất nhiều chị em lựa chọn việc có con sau 30 tuổi. Việc không thể sinh con hay sinh con sau 30 tuổi làm tăng 40% nguy có mắc bệnh ở phái nữ. Vậy nên các bác sĩ thường có lời khuyên nên sinh con trước 30 tuổi và hạn chế sinh sau 40 tuổi để tránh những ảnh hưởng đến sức khỏe về sau.
- Rượu bia: sử dụng rượu bia có lẽ không còn xa lạ ở thời nay, khi câu chuyện có thể uống rượu và uống nhiều rượu không còn là đặc trưng của phái mạnh. Thế nhưng việc chị em uống rượu thường xuyên, đặc biệt là uống nhiều hơn một ly mỗi ngày, sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú.
- Sử dụng thuốc tránh thai hoặc các liệu trình thay thế hormone: Một số hình thức trị liệu thay thế hormone (bao gồm cả estrogen và progesterone) được sử dụng trong thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú khi nếu dùng hơn 5 năm. Một số loại thuốc tránh thai dùng thời gian dài cũng có nguy cơ tương tự.
Nếu chị em đang mang trong mình những yếu tố nguy cơ trên hãy nghiêm túc quan tâm tới bản thân và đi tầm soát bệnh sớm nhất có thể.
Phòng ngừa ung thư vú - hành động hôm nay vì một ngày mai không sợ hãi
“Phòng ngừa ung thư” nghe có vẻ khó khăn nhưng chị em hoàn toàn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh của bản thân xuống thấp nhất bằng cách:
- Vận động thường xuyên và giữ mức cân nặng ổn định
- Không sử dụng rượu hoặc uống rượu có chừng mực
- Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn dùng thuốc tránh thai hoặc các liệu pháp thay thế hormone
- Kiểm tra sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ
Bộ ngực được xem như một trong những phần thể hiện tính nữ cao nhất ở người phụ nữ. Một căn bệnh ngoài ý muốn xảy đến dù chưa biết kết quả cũng đều khiến chị em cảm thấy lo sợ bất an.
Tuy không thể lựa chọn việc có thể mắc bệnh hay không nhưng bạn có thể quyết định việc chủ động phát hiện ra bệnh và chọn cách bạn sẽ đối xử với bản thân trong tương lai.
Hãy đi tầm soát bệnh, dù bạn trong nhóm nguy cơ cao hay chỉ là tầm soát định kỳ hoặc bất cứ khi nào cảm thấy có dấu hiệu bất thường. Đó là lời nhắc nhở để bạn chăm sóc bản thân tốt hơn thông qua chế độ ăn uống, tập luyện, kiểm soát căng thẳng cũng như nỗ lực để hướng tới một lối sống lành mạnh hơn.
(Hiệu chỉnh nội dung: BS. Teng Quang Tín)