Chia sẻ

UỐNG SỮA CÔNG THỨC CÓ LÀM "HỞ RUỘT" ?

By Victoria Healthcare 29 Tháng 7 2019

UỐNG SỮA CÔNG THỨC CÓ LÀM

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mẹ vì lý do gì đó mà không thể cho con bú sữa mẹ, như bị bệnh đang điều trị thuốc mà thuốc này có thể ảnh hưởng đến trẻ, hoặc trẻ bị bệnh buộc phải tách ra khỏi mẹ mà lúc đó mẹ chưa thể cho trẻ bú, thì trẻ cần được uống sữa mẹ khác hoặc SCT theo chỉ định của bác sĩ và điều kiện của gia đình.

SCT là sữa lấy từ loài vật khác, đa số là từ bò, dê và đậu nành. Các thành phần trong SCT đều được các nhà nghiên cứu cố gắng làm để gần giống với sữa mẹ. Do đó, SCT không gây hại đối với trẻ. Chỉ có một vài protein trong SCT khác với protein trong sữa mẹ vì là loại khác nhau nên đạm khác nhau, nhưng đa phần các trường hợp SCT không gây ra tổn thương đường ruột cho trẻ.

Trong một số trường hợp đặc biệt trẻ có cơ địa dị ứng với protein trong SCT, đường ruột của trẻ sẽ phản ứng lại khi được tiếp xúc với SCT. Điều này là do hệ miễn dịch của trẻ nhận nhầm protein là tác nhân gây hại như là siêu vi hay vi khuẩn, do đó đường ruột sẽ chống lại sự xâm nhập này gây nên phản ứng viêm. Nó giống như phản ứng viêm do lây nhiễm siêu vi nhưng nhẹ hơn, không gây sốt, trẻ có bị tiêu chảy và đôi khi đi phân có máu. Người ta còn gọi là tình trạng dị ứng đạm SCT.

Tuy nhiên, những trường hợp này đều là dị ứng muộn, nghĩa là nó xảy ra sau khi trẻ tiếp xúc với SCT được một thời gian: có khi vài ngày, vài tuần, hoặc một, hai tháng sau mới có biểu hiện dị ứng. Dị ứng đạm SCT không nghiêm trọng, thông thường qua 1 hay 3 tuổi trẻ sẽ quen dần và không còn biểu hiện dị ứng nữa. Do đó, đây chỉ là một phản ứng viêm chứ không phải tình trạng bị tổn thương niêm mạc ruột, nhung mao ruột hay gây ra “hở ruột” ở trẻ. Và không phải trẻ nào uống SCT cũng bị dị ứng.

Việc UNICEF đưa ra tài liệu về việc cho trẻ sơ sinh uống SCT làm “hở ruột” là không chính xác bởi chưa có nghiên cứu nào chứng minh cho vấn đề này. Bên cạnh đó, UNICEF không phải là một tổ chức nghiên cứu về y khoa mà là QUỸ NHI ĐỒNG LIÊN HỢP QUỐC. Do đó, nếu UNICEF muốn đưa ra những khuyến cáo về y khoa thì phải dựa trên những nghiên cứu của các bác sĩ làm nghiên cứu ở các bệnh viện hay cơ sở y tế.

Thực ra, có một nghiên cứu ở Mỹ vào năm 1988 cho thấy bú sữa mẹ (so với SCT) có liên quan đến việc giảm tính thấm thành ruột ở ngày thứ 28 sau sinh ở trẻ sinh non, nhưng điều đó không có nghĩa là sữa công thức làm “hở ruột”.

Tất nhiên, SCT sẽ gây hại cho trẻ trong một số trường hợp đặc biệt trẻ bị dị ứng nặng (hay còn gọi là sốc phản vệ). Biểu hiện của tình trạng này là trẻ vừa uống SCT vào trong một vài phút hay giờ đầu tiên là lập tức bị tím, khó thở, nôn ói… Tuy nhiên những trường hợp này rất hiếm. Trong quá trình làm nghề, tôi chỉ gặp có một, hai trường hợp bị dị ứng nặng với sữa bò như vậy thôi. Và những trẻ này phải được bú sữa mẹ và không được tiếp xúc với sữa bò dưới bất cứ hình thức nào.

Những nghiên cứu cho thấy rằng trẻ bú mẹ sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng tiêu hóa hay hô hấp hay các bệnh dị ứng so với bé bú sữa công thức. Mặt khác, sữa mẹ cũng dễ tiêu hóa hơn và dễ tống xuất từ dạ dày xuống ruột non hơn (tức dễ tiêu hơn) sữa công thức. Thành phần các chất trong sữa mẹ cũng phù hợp với đường ruột của bé hơn sữa công thức, ví dụ tỷ lệ canxi/phospho trong sữa mẹ phù hợp với sự hấp thụ qua ruột của bé hơn sữa bò, nhưng tỷ lệ giữa sắt và canxi của sữa mẹ lại giúp bé dễ hấp thụ sắt hơn so với sữa bò (do đó bé bú mẹ ít có nguy cơ bị thiếu sắt hơn bé bú sữa công thức).

Trích "Để con được ốm" - Nguyễn Trí Đoàn