Chia sẻ
"TRUYỀN THUYẾT" VỀ BÀ MẸ SAU SINH
By Victoria Healthcare 07 Tháng 9 2020
Ở Việt Nam lưu truyền rất nhiều "truyền thuyết" liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Nhiều "truyền thuyết" trong số đó khiến cho bà mẹ sau sinh phải chịu việc kiêng khem quá mức về mặt vệ sinh thân thể lẫn các vấn đề về ăn uống dinh dưỡng. Điều này không chỉ trực tiếp gây ản hưởng đến mặt tâm lý - sức khỏe của bà mẹ, mà đồng thời còn ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc trẻ.
-----
Phần 1: TRUYỀN THUYẾT KIÊNG, TẮM, GỘI, NẰM QUẠT (RA GIÓ)
Những "Truyền thuyết" cho rằng bà mẹ sau sinh mà tắm rửa, gội đầu hay nằm ở nơi gió lùa sẽ khiến bị run tay, yếu người, dễ bị lạnh về già là phản khoa học. Bởi trong quá trình sinh nở, mẹ ra mồ hôi, dính bụi bặm, cộng thêm sản dịch sau sinh sẽ khiến cho cơ thể mẹ rất bẩn và ngứa. Nếu mẹ không t8a1m mà chỉ lau người, thì rất dễ bị những bệnh ngoài da, có thể lây bệnh cho em bé mới sinh. Còn theo quy luật lão hóa, khi người ta già đi, não sẽ bị thoái hóa khiến tay chân bị run, người yếu hơn. Và bất cứ ai cũng sẽ bị như thế! Còn những bệnh như cảm lạnh, sốt hay thương hàn... đều là do lây nhiễm vi khuẩn.
Mẹ cũng không nên xông hơi thay cho tắm rửa bình thường bởi xông hơi khiến cơ thể bị nóng, đổ mồ hôi, rất ngừa ngáy, khó chịu, mẹ dễ bị nổi rôm sảy.. Rồi lại quay về cái vòng lẩn quẩn người mẹ bẩn thì dễ lây bệnh cho trẻ. Do đó, mẹ cần được tắm rửa càng sớm càng tốt ngay sau sinh để cơ thể sạch sẽ, thoải mái tinh thần. Như thế, sữa cũng dễ "về" hơn. Mẹ cũng nên tiếp xúc và cho trẻ bú càng sớm càng tốt ngay sau sinh vì điều này sẽ giúp cơ thể mẹ tạo sữa.
Phần 2: TRUYỀN THUYẾT VỀ NẰM THAN
----
Hiện nay, các bà mẹ ở thành thị đã không còn duy trì thói quen này, nhưng ở quê, do có sự can thiệp từ bà nội/ngoại nên nhiều người vẫn còn sử dụng việc "nằm than”. Tuy nhiên, điều này rất nguy hiểm đối với sức khỏe của mẹ và bé.
Thông thường người thân sợ gió lùa khiến mẹ sau sinh dệ bệnh nên hay cho ở trong phòng kín. Nằm than trong một căn phòng kín sẽ khiến không khí lưu thông. Than cháy sinh ra CO2 nhưng khi cháy không đủ sẽ sản sinh ra khí CO - đây là loại khí rất độc. Khí này có liên kết cực kỳ mạnh với chất hemoglobin (huyết sắc tố), gấp 200 lần so với liên kết của hemoglobin với ôxy và CO2. Do đó, khi cơ thể hít vào khí CO, thì CO sẽ gắn chặt vào hemoglobin và chiếm chỗ của oxy lẫn CO2, khiến cho việc vận chuyển ôxy đi nuôi cơ thể bị ảnh hưởng (giảm). Do đó, dù có đủ máu thì người hít phải khí CO này dễ bị thiếu ôxy máu do không đủ lượng hemoglobin.
Mẹ có lượng máu nhiều hơn nên có thể bị ngộ độc nhẹ hơn (biểu hiện qua cảm giác mệt mỏi), nhưng bé sơ sinh có lượng máu ít nên sẽ bị rất nặng, bé có thể bị lơ mơ, hôn mê hay co giật. Nghĩa là vấn nạn nằm than sẽ gây ra ngộ độc khí CO cho trẻ sơ sinh và có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Phần 3: TRUYỀN THUYẾT VỀ NÚT LỖ TAI VÀ Ủ ẤM
-----
Việc “nút lỗ tai” để chống bị ù tai hay mang tất, mặc đồ kín để ủ ấm cho mẹ sau sinh là không cần thiết. Việc sinh nở không gây ảnh hưởng đến vấn đề nghe của người mẹ. Cũng như tay chân lạnh là chuyện bình thường, nó không gây ra bệnh ở mẹ, đối với trẻ cũng thế. Tuy nhiên, ở trong tiết trời lạnh mùa đông xứ Bắc thì nên giữ ấm (đối với bất cứ ai), còn ở những vùng miền khác có nhiệt độ bình thường hay nóng như Sài Gòn thì không nên ủ ấm.