Chia sẻ

ĂN THÔ SỚM CÓ GÂY HẠI CHO DẠ DÀY CỦA TRẺ KHÔNG

By Victoria Healthcare 18 Tháng 1 2024

ĂN THÔ SỚM CÓ GÂY HẠI CHO DẠ DÀY CỦA TRẺ KHÔNG

Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn đã chia sẻ trong cuốn sách "Để con được ốm":
🥗🍲 ĂN THÔ SỚM KHÔNG GÂY HẠI CHO DẠ DÀY CỦA TRẺ
Đây là một vấn đề vẫn đang được lưu truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Từ thời ông bà, cho đến hiện nay, nhiều bác sĩ theo thuyết cơ học vẫn cho rằng, dạ dày của trẻ chưa đủ sức để nghiền và tiêu hóa thức ăn thô, do đó, ăn thức ăn thô có thể gây hại dạ dày của trẻ. Thực ra, quan niệm này đã có từ thời xa xưa. Ông René Descartes (1596 - 1650) đã cho rằng, dạ dày là bộ phận tiêu hóa bằng cơ học, có nghĩa thức ăn đi vào dạ dày thì dạ dày sẽ nghiền nát thức ăn.
Thế nhưng, sau đó không lâu, Franciscus Sylvius (1614 - 1672), một bác sĩ người Đức cho rằng thức ăn tiêu hóa bằng cơ chế hóa học chứ không phải cơ học, tức là tiêu hóa bằng các loại men, enzyme, ngay từ miệng. Vào năm 1752, René Réaumur (1683 - 1757) đã kiểm chứng cả hai giả thuyết trên bằng một thực nghiệm trên loài chim ưng. Loài chim ưng thường nuốt trọn con mồi, tiêu hóa hết thịt con mồi rồi ọe ra những thứ nó không tiêu hóa như lông và xương. Réaumur cho thức ăn là thịt vào trong một ống kim loại đủ cứng để dạ dày không nghiền được nhưng lại đủ để cho dịch vị (dịch dạ dày) đi vào, sau đó cho chim ăn. Chim ưng nuốt trọn ống kim loại đó vào bao tử, rồi sau đó ọe ngược ra. Ông lấy thức ăn ra để kiểm tra và thấy thức ăn (thịt) đã được tan rã ra một phần, còn ống kim loại không cho thấy sự sây sát do nghiền. Ngay sau thí nghiệm đó, ông lại cho con chim ưng nuốt một miếng bọt biển và lấy dịch vị của con chim ưng. Khi chim ưng ọe ra miếng bọt biển, Réaumur bèn vắt chỗ dịch vị từ bọt biển vào mẫu thịt kia thì ông nhận thấy thịt lại tiếp tục tan rã từ từ. Từ đó, người ta mới suy ra là dạ dày tiêu hóa không bằng cơ chế cơ học mà bằng cơ chế hóa học. Từ nghiên cứu đó, người ta suy ra rằng, cơ chế tiêu hóa của con người cũng bằng hóa học. Do đó, thức ăn thô không ảnh hưởng đến bao tử của trẻ hay có khả năng gây hại cho hệ tiêu hóa.
🛑 Một quan điểm khác thường gây hiểu nhầm cho cha mẹ hiện nay là ăn đồ nghiền thì giúp trẻ tiêu hóa và hấp thụ tốt hơn. Điều này thực ra không đúng. Thức ăn nghiền chỉ giúp trẻ dễ nuốt hơn. Do đó, thức ăn thô hay ăn nghiền chỉ giúp trẻ dễ nuốt hơn.
👉 Do đó, thức ăn thô hay ăn nghiền không phải là vấn đề, điều quan trọng là trẻ cần nuốt được thức ăn qua khỏi cổ họng, khi thức ăn xuống đến bao tử thì một loạt dịch vị trong bao tử sẽ tiêu hóa thức ăn đó. Rồi khi thức ăn đi xuống ruột non thì một loạt dịch ở ruột non nhờ gan và tụy tiết ra giúp tiêu hóa hết. Tuy nhiên, trẻ mới tập ăn chưa tiêu hóa được chất xơ. Do đó, khi mới tập ăn dặm, trẻ ăn rau thì sẽ đi ra nguyên rau, đó là điều hoàn toàn bình thường. Còn các nhóm chất đạm thịt, tinh bột như cơm, ngũ cốc đều sẽ được tiêu hóa hết.
💥💥 Vì vậy, cho trẻ ăn thô không gây hại cho dạ dày của trẻ, ngược lại, còn giúp trẻ phát triển kỹ năng nhai và giúp trẻ tự ăn tốt hơn. Trong khi đó, thức ăn nghiền khiến trẻ chỉ có phản xạ nuốt chứ không có phản xạ nhai và sẽ tạo thành thói quen. Và nếu kéo dài, trẻ sẽ gặp vấn đề với việc ăn thức ăn thô về sau.