Chia sẻ

NHỮNG THÔNG TIN VỀ SỮA CHA MẸ CẦN BIẾT

By Victoria Healthcare 05 Tháng 4 2021

NHỮNG THÔNG TIN VỀ SỮA CHA MẸ CẦN BIẾT
Rất nhiều phụ huynh lo lắng và thắc mắc nên cho con uống sữa gì, khi nào uống được sữa tươi và uống bao nhiêu là đủ, khi mà thông tin về sữa ở Việt Nam thì quá nhiều và… nhiễu bởi sự tiếp thị của các hãng sữa. Sau đây là một số thông tin chia sẻ để các phụ huynh lựa chọn (xin nói trước là tôi không hề quảng cáo hay bài xích bất kỳ loại sữa nào).

UỐNG SỮA BÒ TƯƠI TRƯỚC 1 TUỔI GÂY HẠI CHO TRẺ

Chúng ta cần biết rằng, hệ tiêu hóa của trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi) chưa đủ trưởng thành để tiêu hóa sữa bò tươi toàn phần. Vì thế, trẻ cần được cho bú sữa mẹ, đây là lựa chọn tốt nhất nếu như mẹ có điều kiện cho bú, hay uống sữa mẹ khác nếu gia đình có điều kiện xin được, hoặc bé có thể bú sữa công thức có nguồn gốc từ sữa bò hoặc đậu nành.
Nếu trẻ nhũ nhi uống sữa bò tươi sớm quá thì có thể trẻ sẽ nhận quá nhiều chất đạm và khoáng chất trong khi thận của trẻ vẫn chưa đủ trưởng thành để lọc hết, gây hại thận.
Trẻ uống sữa tươi sớm hơn 1 tuổi còn có thể bị thiếu máu do thiếu sắt, hay bị dị ứng đạm sữa bò, ruột bé sẽ bị tổn thương và bé sẽ đi phân có nhầy máu. Ngoài ra sữa bò tươi không cung cấp đủ những chất béo cần thiết để bé phát triển.

TRẺ KHÔNG NÊN UỐNG SỮA CÔNG THỨC SAU 1 TUỔI

Sau 1 tuổi, bé không nên uống sữa công thức nữa vì sẽ có nguy cơ bị béo phì và cha mẹ phải trả tiền mắc hơn là cần thiết trong việc mua sữa cho bé. Thay vào đó, bé đã có thể uống được sữa bò tươi và ăn uống như người lớn, nghĩa là người lớn ăn gì thì bé ăn được thức ăn đó với lượng thức ăn ít hơn. Mỗi ngày bé chỉ cần uống tối đa khoảng 2 ly sữa tươi là đủ nhu cầu của cơ thể (khoảng 400-500 ml).
Không nên cho bé uống nhiều hơn 500 ml sữa mỗi ngày (hay các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, váng sữa) thì bé có thể không có cơ hội đói để ăn những thức ăn đủ dưỡng chất khác. Điều này khiến bé có nguy cơ bị thiếu sắt và bị táo bón. Do đó, nếu cho bé ăn thêm sữa chua hay phô mai trong khẩu phần hằng ngày thì mẹ nên giảm bớt lượng sữa uống của bé.
Sau 2 tuổi, bé có thể uống được sữa ít béo hoặc không béo (low-fat hay non-fat) đề phòng ngừa béo phì về sau. Tuy nhiên, nếu gia đình có tiền sử bị béo phìm tiểu đường hay một số bệnh lý do chuyển hóa tương tự thì bác sĩ có thể đề nghị cho bé uống sữa tách béo ngay từ khi bé được 1 tuổi.

DẬY THÌ SỚM CÓ LIÊN QUAN ĐẾN SỮA BÒ KHÔNG?

Uống sữa bò tươi có chứa dư lượng hormone tăng trưởng có gây ra dậy thì sớm hay không? Đây là một trong những vấn đề được rất nhiều bậc cha mẹ quan tâm, thậm chí còn có những bài viết phân tích việc hormone tăng trưởng ở bò có ảnh hưởng tới việc dậy thì sớm ở con người. Tuy nhiên, trẻ uống sữa bò mà trong sữa có dư lượng hormone tăng trưởng của bò không gây ra dậy thì sớm ở trẻ. Những dữ liệu hiện nay cho thấy, hormone tăng trưởng của bò thì gây ra tác hại về sức khỏe cho bò, nhưng không tác động cụ thể đến hormone tăng trưởng của người, cũng như không gây ra tác hại đến sức khỏe của người. Do đó, trẻ vẫn có thể uống sữa bò được vắt từ những con bò có dùng hormone tăng trưởng.
Vậy đâu mới là nguyên nhân gây ra DẬY THÌ SỚM? Cho đến hiện tại thì đa số các ca dậy thì sớm không có nguyên nhân, hay còn gọi là dậy thì sớm vô căn. Theo nghiên cứu, người ta nhận thấy dậy thì sớm thường có liên quan đến:
• Chủng tộc, nguồn gene: một vài chủng tộc có trẻ có độ tuổi dậy thì sớm hơn một số chủng tộc khác.
• Một số bất thường trong não, ví dụ như u ở vùng tiết ra hormone sinh dục.
• Một số bất thường về gene, do có sự đột biến nào đó.
• Hoặc là do những hormone sinh dục đưa vào cơ thể thông qua tiếp xúc. Ví dụ như một số loại kem có chứa estrogen nữ đưa vào cơ thể của bé trai do sử dụng một cách vô ý, trẻ ăn phải chẳng hạn, sẽ làm ngực bé trai to nhưng không gây ra dậy thì sớm.
Tuổi dậy thì sớm ở bé gái được xem là trước 8 tuổi, ở bé trai là trước 9 tuổi. Nhưng bởi vì đa số không có nguyên nhân hoặc một số có liên quan đến yếu tố chủng tộc, di truyền, gia đình, nguồn gene… nên không có cách thức hữu hiệu để phòng ngừa dậy thì sớm.
Tác hại lớn nhất của dậy thì sớm là nguy cơ xương hóa cốt sớm khiến cho chiều cao không tăng lên được nữa. Nên trẻ cần được điều trị bằng cách sử dụng thuốc để kiềm hãm sự dậy thì, kiềm hãm sự phát triển bằng cách ngăn sự tăng trưởng quá mức của xương, giữ cho tốc độ phát triển chậm để trẻ lớn dần dần mới đạt được chiều cao quy định của gene. Ngoài ra, dậy thì sớm còn có ảnh hưởng về mặt tâm lý của trẻ. Vì tâm lý chưa đủ trưởng thành, nên trẻ sẽ rất khó để nhận biết hoặc thích nghi được với sự thay đổi của cơ thể. Dễ dẫn đến các hoạt động tình dục và có thai ngoài ý muốn, gây ra những hệ lụy về mặt xã hội sau này.

NÊN CHO TRẺ ĂN UỐNG ĐA DẠNG HƠN LÀ CHỈ QUAN TÂM ĐẾN SỮA

Trong thực tế, một số mẹ vẫn tiếp tục cho bé bú sữa mẹ khi bé trên 1 tuổi, thậm chí cho đến khi trẻ trên 2 tuổi. Điều này tốt cho sức khỏe của trẻ vì sữa mẹ có thể cung cấp thêm cho bé một số kháng thể để bé chống lại một số bệnh nhiễm khuẩn sau này. Và nếu mẹ cung cấp đủ nhu cầu sữa hàng ngày của trẻ (khoảng 300-400 ml) thì bé không cần phải uống thêm sữa tươi. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý rằng, một số nghiên cứu gần đây cho thấy nếu bú mẹ lâu quá sau 1 tuổi thì bé cũng có thể có nguy cơ thiếu sắt. Nên mẹ cần cân nhắc xin tư vấn từ bác sĩ để bổ sung thêm sắt cho trẻ.
Khi trẻ càng lớn (trên 1 tuổi) thì phụ huynh càng nên khuyến khích cho trẻ ăn uống đa dạng thực phẩm hơn là chỉ chăm chăm nhồi cho trẻ uống sữa hay ăn nhiều sản phẩm từ sữa. Nếu trẻ khát thì nên cho trẻ uống nước thay vì cho trẻ uống sữa. Khi đó, trẻ sẽ có cơ hội đói để ăn những thức ăn cần thiết cho sức khỏe của trẻ, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện hơn, khỏe mạnh hơn.
Bs. Nguyễn Trí Đoàn - Trích "Để con được ốm"