Chia sẻ
THỰC PHẨM NÀO GIÚP MẸ BẦU CÂN BẰNG DINH DƯỠNG TRONG THAI KỲ
By Victoria Healthcare 24 Tháng 3 2023
THỰC PHẨM NÀO GIÚP MẸ BẦU CÂN BẰNG DINH DƯỠNG TRONG THAI KỲ?
Một chế độ dinh dưỡng cân bằng là yếu tố quan trọng quyết định đến sức khỏe của người mẹ và sự phát triển toàn diện của thai nhi. Vậy những thực phẩm nào sẽ giúp ích cho sự cân bằng dinh dưỡng cho mẹ bầu? Hãy lưu ngay những thông tin dưới đây nhé!
Mẹ bầu tránh dung nạp thừa vitamin A
Cân bằng dinh dưỡng trong thai kỳ là điều rất quan trọng. Trong buổi tọa đàm Sức khỏe mẹ bầu, Bác sĩ Teng Quang Tín - chuyên Sản khoa & Sức khỏe phụ nữ tại hệ thống phòng khàm đa khoa Victoria Healthcare, nhấn mạnh việc nên cẩn thận khi dung nạp để tránh thừa vitamin A, đặc biệt là trong 60 ngày đầu sau khi thụ thai. Với mẹ bầu vitamin A giúp sáng mắt, giảm nguy cơ nhiễm trùng và tăng sức đề kháng còn với thai nhi sẽ giúp phát triển hệ xương và thị giác.
Tuy nhiên, nếu mẹ bầu sử dụng vitamin A với hàm lượng lớn trên 10.000 mcg/ ngày có nguy cơ gây dị tật như hở hàm ếch, hở vòm miệng và các dị tật xung quanh miệng. Điều này ảnh hưởng đến thẩm mỹ, ảnh hưởng khả năng nói của trẻ. Ngoài ra còn các dị tật khác như hở van tim, thiếu vách ngăn; trẻ bị giảm hoặc mất khả năng sinh sản khi chào đời như dị tật tinh trùng, không có tử cung, dễ gặp các rối loạn thị giác khiến trrẻ bị quáng gà, mắt kém, mù mắt bẩm sinh.
Bác sĩ Teng Quang Tín cho biết nên kiểm tra thường xuyên việc có sử dụng thừa vitamin A hay không khi mẹ bầu gặp các triệu chứng rụng tóc, nứt môi, khô da, giảm thị lực - cần phải đến thăm khám bác sĩ điều trị ngay. Tốt nhất là nên phòng tránh việc thừa vitamin A. Mẹ bầu chỉ nên bổ sung tối đa 800 mcg vitamin A/ ngày và bổ sung thực phẩm tồn tại dưới dạng tiền chất caroten. Các thực phẩm giàu vitamin A như: Gan bò, khoai lang, cải xoăn, cà rốt, cam vàng sẫm, cà rốt, khoai lang, cải bó xôi, dưa đỏ và cải xoăn. Mẹ bầu có thể tham khảo thêm tháp thức ăn dinh dưỡng để hiểu rõ hơn việc sử dụng thực phẩm như thế nào để dung nạp vitamin A phù hợp.
Đái tháo đường trong thai kỳ
Cũng trong buổi tọa đàm này, bác sĩ Ngô Hà Anh - chuyên Sản khoa & Sức khỏe phụ nữ tại hệ thống phòng khàm đa khoa Victoria Healthcare, hướng dẫn việc ngăn ngừa đái tháo đường trong thai kỳ, một vấn đề mang đến nhiều lo lắng cho các mẹ bầu hiện nay. Bác sĩ Ngô Hà Anh cho biết cần có một chế độ ăn đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên mẹ bầu cần lưu ý luôn kiểm soát việc tăng cân trong thai kỳ, tập thể dục nhẹ nhàng, hạn chế ăn mặn để huyết áp ổn định, và tuyệt đối không dùng các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá.
Việc đái tháo đường thai kỳ sẽ khiến mẹ bầu tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai. Vì thế mẹ bầu luôn cần được kiểm soát lượng đường trong máu của mình và duy trì ở mức an toàn để bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi.
Cân bằng dinh dưỡng cho mẹ bầu như thế nào?
Trong chế độ dinh dưỡng, mẹ bầu cần bổ sung calo vừa đủ từ 2.200 – 2.500/ngày nếu có cân nặng trung bình, nếu thừa cân thì mẹ bầu chỉ cần khoảng 1.800 calo/ngày.
Để cân bằng lượng calo cho cơ thể mẹ bầu, cần lưu ý tỷ lệ các loại thực phẩm như sau:
- 10 – 20% lượng calo đến từ các nguồn protein (động vật và thực vật).
- Ít hơn 30% lượng calo đến từ chất béo chưa bão hòa.
- Ít hơn 10% lượng calo đến từ chất béo bão hòa.
- 40% lượng calo của cơ thể nên đến từ các thực phẩm chứa carbohydrate.
Mẹ bầu nên dùng các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, khoai lang, các loại đậu (đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu nành), các loại hạt không ướp muối, các loại rau giàu tinh bột, trái cây ít đường. Thực phẩm giàu chất béo lành mạnh bao gồm các loại cá béo (cá ngừ, có hồi, cá trích…) nhưng lưu ý sử dụng vừa đủ vì cá biển có hàm lượng kim loại nặng như thuỷ ngân.
Các thai phụ cũng cần bổ sung 2-3 ly sữa (400-600ml) mỗi ngày. Tuy nhiên, với các mẹ bầu đang bị đái tháo đường thì nên chọn loại sữa không đường để tránh tăng đường huyết.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cần có tâm lý thoải mái, và xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp ngay từ ban đầu, kết hợp thăm khám thường xuyên với bác sĩ sản khoa để kiểm soát các chỉ số. Mẹ bầu cũng không nên sợ bị đái tháo đường mà kiêng khem quá nhiều dẫn đến thai nhi suy dinh dưỡng thì vô cùng nguy hiểm.
(Bác sĩ Teng Quang Tín và Bác sĩ Ngô Hà Anh - chuyên khoa Sản và Sức khỏe Phụ nữ tại hệ thống phòng khám đa khoa Victoria Healthcare)