Chia sẻ

SERIES TRUYỀN THUYẾT BỆNH CẢM Ở TRẺ (P.2)

By Victoria Healthcare 10 Tháng 6 2021

SERIES TRUYỀN THUYẾT BỆNH CẢM Ở TRẺ (P.2)
Truyền thuyết số 4: ĐỜM XANH, MŨI VÀNG LÀ DO BỘI NHIỄM
Có những ngộ nhận khiến cha mẹ lo lắng đó là trẻ ho hoặc sổ mũi ra nhầy xanh hoặc vàng là bị bội nhiễm vi trùng và phải điều trị bằng kháng sinh. Điều này không đúng. Đờm hay nhầy mũi có màu xanh hay màu vàng là do men hoạt động của bạch cầu để tiêu diệt tác nhân gây bệnh, chứ không phải là do trẻ bị bội nhiễm lên.
Ngày xưa, khi chưa có những nghiên cứu cần thiết, người ta cho rằng chảy mũi dịch vàng hay dịch xanh là do bội nhiễm vi trùng nên cho trẻ uống kháng sinh. Nhưng các nghiên cứu y khoa sau này cho thấy, nước mũi xanh hay vàng không phải là trẻ bị bội nhiễm lên, mà là do bạch cầu tiết ra những chất khác nhau để tiêu diệt tác nhân gây bệnh và đó là biểu hiện bình thường của cảm siêu vi. Khi có biểu hiện dịch mũi xanh hay vàng, cũng là trẻ sắp hết chảy mũi rồi và cha mẹ hãy yên tâm.
Nhiều người nhầm tưởng chảy mũi nhầy xanh, nhầy vàng thì bị bội nhiễm nên cho uống kháng sinh và thấy sau vài ngày là trẻ hết chảy mũi nên cho rằng kháng sinh giúp trẻ khỏi bệnh. Nhưng thực ra, trẻ hết chảy mũi là do đến giai đoạn tự lành bệnh chứ không phải do hiệu quả của kháng sinh. Nên nếu thấy có triệu chứng này, cha mẹ chỉ cần chờ vài ngày là trẻ tự khỏi mà không cần đến kháng sinh.
Dr. Nguyễn Trí Đoàn – Trích “Để con được ốm”
Truyền thuyết số 5: CẢM KHÔNG ĐIỀU TRỊ KHÁNG SINH GÂY VIÊM TAI GIỮA (VTG)
VHC. cam ko dieu tri khang sinh gay vuem tai giua
Nhiều cha mẹ hiểu lầm cảm để lâu không điều trị kháng sinh thì sẽ biến chứng viêm tai giữa (VTG). Điều này không đúng. Bị cảm không điều trị kháng sinh không nhất thiết dẫn đến VTG. VTG là do tắc ông nối từ tai giữa xuống họng. Có những trẻ bị cảm chừng 1-2 ngày ống thông đã tắc rồi và bị VTG. Có những trẻ bị sổ mũi, ho triền miên nhưng ống thông không có tắc lại nên không bị VTG. Do đó, VTG không phải biến chứng của cảm không được điều trị kháng sinh, mà trẻ có thể biến chứng ngay lúc đó hoặc 1-2 ngày sau khi bị cảm.
Ví dụ: hôm nay, trẻ bị cảm được đưa đi khám, bác sĩ kiểm tra không thấy bị VTG, nên bác sĩ có thể kết luận trẻ không bị VTG. Đến hôm sau, ống thông tại giữa xuống họng mới tắc lại, lúc này trẻ mới bắt đầu đau tai và bị biến chứng VTG. Khi đi khám, bác sĩ soi tai thấy bị VTG thì mới có thể kết luận là trẻ bị VTG.
Tuy nhiên, hầu hết trẻ bị VTG không cần phải điều trị kháng sinh, mà chỉ cần chờ từ 2-3 ngày là trẻ sẽ tự khỏi. Để hiểu rõ hơn về VTG và cách xử lý, bạn nên đọc bài đã đăng “HIỂU VỀ VIÊM TAI GIỮA VÀ PHƯƠNG PHÁP “CHỜ” TRONG CHỮA TRỊ VIÊM TAI GIỮA Ở TRẺ”