Chia sẻ
SỐT VÀ XỬ LÝ SỐT Ở TRẺ EM
By Victoria Healthcare 28 Tháng 8 2020
Sốt rất hay gặp ở trẻ em và là triệu chứng gây lo lắng nhiều cho phụ huynh và ngay cả nhân viên y tế. Tuy vậy, không phải phụ huynh nào cũng biết cách đánh giá xem trẻ có sốt hay không và xử lý ban đầu như thế nào cho an toàn.
Theo định nghĩa, sốt nghĩa là thân nhiệt trong cơ thể cao hơn mức bình thường. Con bạn có sốt nếu:
• Nhiệt độ đo ở hậu môn trên 38.0°C (100.4°F).
• Nhiệt độ đo ở miệng trên 37.5°C (99.5°F).
• Nhiệt độ đo ở nách trên 37.2°C (99.0°F).
• Nhiệt độ đo ở tai trên 38°C (100.4°F). (Cặp nhiệt theo cách này không chính xác đối với trẻ dưới 6 tháng)
• Nhiệt kế núm vú giả trên 37.8°C (100°F). (nhiệt kế núm vú giả chỉ dùng cho trẻ trên 3 tháng)
Nhiều trường hợp, cha mẹ chỉ sờ trẻ và kết luận rằng trẻ sốt. Nếu trẻ sốt cao thì xác định sốt theo cách sờ như vậy khá chính xac, nhưng nếu cha mẹ sờ chỉ thấy “ấm ấm” thì nhiều khi không chính xác, và khi đo nhiệt độ thì bé không có sốt.
Thân nhiệt trung bình khi đo ở miệng là 37°C, nhưng nó dao động trong ngày. Thân nhiệt tăng nhẹ (38 đến 38.5°C) có thể do hoạt động, mặc nhiều quần áo, tắm nước nóng, hay thời tiết nóng. Thức ăn hay thức uống nóng cũng có thể làm tăng nhiệt độ ở miệng. Nếu nghi ngờ trong những trường hợp như vậy bạn nên kiểm tra lại nhiệt độ của trẻ sau nửa tiếng.
Sốt là một triệu chứng, không phải là bệnh. Đó là đáp ứng bình thường của cơ thể đối với tình trạng nhiễm trùng. Sốt giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng bằng cách kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể. Sốt (37.8 đến 40°C) thường là không gây hại. Phần lớn trường hợp này là do nhiễm siêu vi (và do đó không cần phải dùng kháng sinh); một vài trường hợp là do nhiễm trùng. Trái với nhiều người thường nghĩ, mọc răng ít khi gây sốt, nếu có thì chỉ sốt nhẹ (thường dưới 38o5C).
Hầu hết sốt do siêu vi thường từ 38.3°C đến 40°C và kéo dài 2-3 ngày. Nhìn chung, mức nhiệt độ không liên quan đến mức độ nặng của bệnh. Sốt không gây ra tổn thương kéo dài. Tổn thương não thường chỉ xảy ra nếu thân trên 42°C trong một thời gian dài.
Một số trẻ có thể bị co giật khi sốt cao. Trong trường hợp này, các phụ huynh nên bình tĩnh xử trí bằng cách đặt trẻ nằm nghiêng để đàm nhớt có thể chảy ra ngoài, tuyệt đối không vắt chanh hay nhét thứ gì vào miệng trẻ vì làm vậy có thể gây sặc vào phổi và tử vong.
Phụ huynh có thể nhét thuốc hạ sốt vào hậu môn và lau mát cho bé. Thường cơn co giật chỉ kéo dài khoảng 1-3 phút. Sau khi trẻ hết co giật, phụ huynh nên mang trẻ đến cơ sở y tế để khám bệnh.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÚP TRẺ BỚT SỐT?
Hãy khuyến khích con bạn uống thêm nhiều nước vì trẻ sẽ dễ mất nước mà không nhận biết được.
Nên cho trẻ mặc quần áo mỏng, tránh ủ quá mức vì có thể làm cho trẻ sốt cao lên.
Nhiều bậc phụ huynh thường hay sợ trẻ bị nhiễm lạnh khi sốt nên lại càng mặc quần áo thật kín, vô hình trung làm trẻ sốt cao thêm.
Bạn có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt cao (thường trên 38o5C). Có hai loại thuốc hạ sốt có thể dùng an toàn ở trẻ em là Acetaminophen và Ibuprofen. Trên thị trường thường có nhiều tên biệt dược khác nhau, do đó bạn nên để ý đến tên gốc của thuốc (generic name). Các thuốc này nên được cho theo đúng cân nặng của trẻ.
Có nhiều trường hợp cha mẹ tự cho bé uống thuốc hạ sốt theo toa của bác sĩ cách đó nhiều tháng, mà không biết rằng bé đã lên cân, do đó liều lượng thuốc không đủ đối với bé và bé vẫn cứ sốt.
Một thái cực khác cũng hay gặp là cha mẹ quá lo âu về sốt của con, sau khi bé uống thuốc hạ sốt mà vẫn còn sốt, cha mẹ lại nhét thêm thuốc hạ sốt vào hậu môn. Việc này lặp lại nhiều lần trong ngày và vô tình đã làm trẻ bị quá liều thuốc và bị ngộ độc nặng nguy hiểm tính mạng. Hai loại thuốc hạ sốt trên đã được chứng minh là an toàn ở trẻ em. Bạn nên chú ý không được dùng Aspirin để hạ sốt ở trẻ em, vì nó có thể gây biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Một biện pháp hay được sử dụng để hạ sốt là lau mát bằng nước ấm. Tuy nhiên, đa số các trường hợp lau mát là không cần thiết nếu thuốc hạ sốt có tác dụng. Không nên chỉ lau mát đơn thuần cho trẻ mà không cho thuốc hạ sốt trước, vì như vậy sẽ làm cho trẻ lạnh run và lại tăng thân nhiệt thêm. Chỉ nên lau mát ngay trong trường hợp cấp cứu như sốc nhiệt, mê sảng, sốt cao co giật, hay khi sốt cao trên 41.1°C (106°F).
Trong những trường hợp khác, chỉ lau mát khi nhiệt độ trên 40°C (104°F), sốt vẫn còn cao sau 30 phút uống acetaminophen hay ibuprofen, và con bạn có vẻ khó chịu. Bạn nên dùng nước ấm (thấp hơn thân nhiệt của trẻ khoảng 2oC) để lau mát cho trẻ. Lại có một thái cực khác khi nhiều phụ huynh (thường là ông bà) không cho bé tắm khi bị sốt vì sợ rằng bé bị nhiễm lạnh. Thật ra, bạn có thể cho bé tắm bằng nước ấm, như thế bé sẽ dễ chịu hơn, mà không lo bé bị nhiễm lạnh.
Tóm lại, sốt không phải là một bệnh mà chỉ là một triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên nó lại làm cho cha mẹ rất lo lắng và thường rất lúng túng khi giúp trẻ hạ sốt. Những biện pháp trên có thể phần nào giúp các bậc cha mẹ có thể tự tin hơn khi chăm sóc trẻ bị sốt. Và điều quan trọng nhất là bạn đừng tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị sốt cho bé mà hãy đưa bé đi khám bệnh để tìm nguyên nhân của sốt và điều trị theo đúng nguyên nhân.
(Nguồn tham khảo: https://www.uptodate.com/contents/fever-in-children-beyond-the-basics)
(Bài viết của sử dụng hình ảnh từ Shutterstock)