Chia sẻ

RƯỢU BIA

By Victoria Healthcare 08 Tháng 1 2020

RƯỢU BIA

Rượu bia – người bạn đường nguy hiểm

Trong đời mỗi người, hình như ai cũng đã một lần từng say. Trong giao tiếp xã hội, các thức uống có cồn hình như không thể thiếu trong các buổi liên hoan, tiệc tùng… Ở một góc độ nào đó, người ta còn dùng tửu lượng để đánh giá con người, đánh giá mức độ thân thiện và độ lâu dài của quan hệ. Từ người làm ăn buôn bán nhỏ đến anh giám đốc công ty lớn đều ít nhất đã từng một lần dùng rượu trong các quan hệ kinh doanh.

Ông bà ta đã dạy “ đa tửu bại tâm” bởi lẽ não là nơi hút rượu nhiều nhất. Kế đó mới là gan, thận, cơ bắp. Các nhà khoa học nhận thấy, khi trong 100 gam máu có 0,52 ml rượu nguyên chất, thì trong não có 0,41 ml; thận có 0,39 ml; cơ bắp có 0,33 ml. Và cũng chính vì vậy, người uống rượu thường rơi vào trạng thái phấn khích tinh thần, khó kiểm soát hành vi và suy nghĩ của mình. Ở hệ thần kinh, ngay khi chỉ uống một lượng vừa phải  (tương đương với 0,3 lít bia hoặc 100 ml rượu vang), tùy theo cân nặng và cấu tạo của cơ thể, cồn đã có tác động đến hệ thống thần kinh và đặc biệt là lên não: góc nhìn bị thu hẹp lại và thời gian phản ứng chậm đi. Các nhà nghiên cứu đã thấy rằng uống 50g cồn hằng ngày sẽ để lại tác hại vĩnh viễn với hệ thần kinh. Ước lượng vào khoảng 100.000 tế bào não sẽ bị giết chết khi uống một ly bia. Trong một cơn say rượu con số tế bào não chết đi có thể lên đến 10.000.000.

Rượu bia cũng ảnh hưởng đến tình dục và khả năng có con. Rượu làm giảm tính tự kiềm chế và vì thế tăng hưng phấn tình dục. Cồn thuộc vào các chất có tác dụng độc hại đến tinh hoàn và tinh trùng. Nam giới uống rượu trước khi sinh hoạt tình dục chẳng những làm tăng khả năng sẩy thai mà còn có thể ảnh hưởng đến việc phát triển của đứa con sinh ra. Người mẹ uống rượu trong thời gian mang thai dễ sinh ra các đứa trẻ có khuyết tật về trí tuệ.

Về diện mạo bên ngoài, có người phản ứng mạnh thiên về giãn nở mạch máu ngoại vi, co mạch nội tạng . Nhưng cũng có những người thần kinh lại phản ứng bằng cách giãn nở hệ mạch máu trong các cơ quan nội tạng như tim, gan, dạ dày, ruột, lá lách; còn mạch máu ở da (ngoại vi) thì co lại. Khi bị rượu tác động mạnh tới não, các mạch máu bên trong (các phủ, tạng) co nhưng mạch máu bên ngoài (dưới da) lại giãn mạnh nên mặt đỏ bừng bừng.

Ở nhóm kia, thần kinh phản ứng bằng cách ra lệnh giãn các mạch máu nội tạng, co mạch máu ở ngoại vi nên da mặt bị tái. Khi quá chén, mạch máu các cơ quan nội tạng thường bị giãn nở nhiều, có thể gây các hậu quả chảy máu dạ dày, ruột, thận, lá lách và xơ cứng động mạch vành (động mạch nuôi dưỡng tim).. người uống rượu mặt đỏ do diện rộng của da tiếp xúc với bên ngoài, mạch máu ngoại vi giãn nở mạnh nên cơ thể mất nhiều nhiệt. Nếu đang từ nơi ấm đi ra ngoài mà gặp lạnh, rất dễ bị trúng gió hoặc cảm lạnh. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy có người uống rượu vào thì đỏ mặt, nhưng người khác mặt lại tái xanh nhưng không phải tửu lượng của ai hơn ai, khác nhau chẳng qua là ở nguy cơ biến chứng với rượu mà thôi.

Tại các cơ quan tiêu hóa, rượu được hấp thụ trên toàn tuyến, bắt đầu ngay từ màng niêm mạc trong miệng. Ở đấy, rượu đi thẳng vào máu và phân tán ra trên toàn cơ thể, hấp thụ ở ruột đi cùng với máu đến gan và được phân hủy một phần ở đó. Trong gan rượu được phân hóa thành “ sản phẩm “ trung gian êtanal, và đây chính là thủ phạm của các cơn đau đầu, hậu quả của việc uống nhiều rượu. Theo khảo sát, khoảng 1/3 số người uống rượu sẽ bị viêm gan do rượu; 9-25% tiến triển sang xơ gan rượu. Uống rượu suốt nhiều năm khiến các tế bào gan bị tổn thương thường xuyên. Sự tác động và mức độ trầm trọng của bệnh gan do rượu  chỉ có thể được xác định cùng với liều lượng và  tần suất sử dụng hàng ngày. Đa số người uống rượu nhiều sẽ bị gan nhiễm mỡ, đây là giai đoạn sớm của bệnh gan do uống rượu, nếu bệnh nhân ngừng uống rượu ở giai đoạn này bệnh có thể tự khỏi. Viêm gan do uống rượu thường xảy ra ở người nghiện rượu, nhưng nó cũng xảy ra ở những người thỉnh thoảng uống rượu. Phản ứng của gan với rượu khác nhau ở mỗi cơ thể con người. Bên cạnh đó, khi uống rượu cũng đồng nghĩa với việc Axit Ulric trong máu bạn tăng cao, dẫn đến nguy cơ cao về bệnh Gút ( một bệnh về khớp).


Hầu như chúng ta đều biết tác hại của rượu bia và các thức uống có cồn, nhưng cũng thật khó nói lời từ chối với rượu bia vì những quan hệ và ứng xử trong giao tiếp hàng ngày.

Vẫn biết là thế, nhưng cũng rất khó nói lời từ chối khi được mời. Và rượu/ bia đã trở thành một cái không thiếu được trong văn hóa giao tiếp. Nó đồng hành với ta trong hầu hết các quan hệ, trong cuộc sống thường nhật. Đôi lúc, cũng chính nhờ nó mà ta lại “ sáng tạo” hơn trong ý tưởng, cảm thấy vui hơn, yêu đời hơn. Cuộc sống có nhiều nỗi lo, nhưng cũng có nhiều niềm vui, và rượu/bia cũng nên chỉ là những niềm vui nho nhỏ, nên điều tiết và hạn chế tối đa rượu bia trong đời sống của mình. Chỉ nên cho phép rượu bia là người bạn đường vui tính khi cần thiết.

Bác sỹ Nguyễn Vĩnh Tường

Hội viên hội tiêu hóa – gan mật Hoa kỳ

Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare.