Chia sẻ

RĂNG KHÔN - RĂNG "DẠI"

By Victoria Healthcare 10 Tháng 4 2019

RĂNG KHÔN - RĂNG

NHỔ RĂNG KHÔN. LÀ KHÔN HAY DẠI?

Răng khôn hay răng cối lớn thứ 3 là  những chiếc răng mọc lên sau cùng vào độ tuổi từ 17 dến 25 của mỗi người. Có thể vì là loạt răng mọc cuối, tránh được các “ đau khổ “ đầu đời của việc thay răng sữa mà chúng được gọi là răng khôn? Mỗi người có 4 răng khôn nhưng không phải ai cũng có, theo thống kê khoảng 35% không mọc răng khôn trong đời.

Thời điểm trưởng thành toàn diện của con người cũng cũng là thời điểm mà xương hàm ít phát triển về kích thước, không đủ chỗ cho răng mọc bình thường, chất lượng xương lại cứng hơn, niêm mạc và mô mềm phủ bên trên dày hơn, cùng với một số yếu tố khác góp phần làm răng dễ bị mọc lệch hoặc mọc ngầm gây ra viêm nhiễm hoặc khó chịu cho thân chủ.

Việc có hay không có răng khôn? Răng khôn có lợi hay có hại? vai trò của 4 cái răng này làm gì và vì sao nó thường gây ra phiền toái trong cuộc sống của chúng ta? Để rồi hầu như các răng khôn đều bị nhổ bỏ, kết thúc “ vòng đời” sớm hơn các răng trưởng thành khác. Vậy hẳn là răng  dại chứ chẳng phải răng khôn.

VÌ SAO NÊN NHỔ RĂNG KHÔN?

Trong hầu hết các trường hợp răng khôn mọc gây đau khi chọc xuyên qua nướu răng, tuy nhiên cảm giác này chỉ hơi gây khó chịu. Những trường hợp nặng hơn có thể gây đau răng, đau tai, sưng tấy thậm chí nhiễm trùng, tạo nang và áp xe dưới nướu. Khi gặp biến chứng này, răng khôn cần được nhỏ bỏ.

Hơn thế nữa răng khôn nằm ở vị trí quá sâu bên trong hàm sẽ khó vệ sinh và  là môi trường  cho vi khuẩn sinh sôi, làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm lợi…cũng như những rắc rối khác  cho sức khoẻ. 

AI DẠI THÌ CỨ ĐỂ KHÔN

RĂNG KHÔN RĂNG DẠI2 

Nhổ răng khôn trước hay sau khi thân chủ bị “hành hạ” là câu hỏi của nhiều người. Thông thường người ta cứ để đến khi bị đau răng mới nhổ đi một cách thụ động. Thực ra thủ thuật nhổ răng khôn khá đơn giản, được tiến hành kết hợp với gây tê khu vực và bạn vẫn nhận thức được các thao tác trong điều trị của bác sỹ nha khoa. Trước khi thực hiện thủ thuật, bác sỹ nha khoa sẽ trao đổi với bạn những điều cần chuẩn bị và xem xét thực trạng răng khôn của bạn. Nếu răng mọc ngầm nhưng không gây khó chịu hay đau nhức, có thể không cần phải mổ, trừ trường hợp bạn có những chuyến đi xa dài ngày, du học hoặc định cư… cần phòng ngừa trước. Những trường hợp răng mọc ngầm nhiều cần thiết phải tạo đường rạch nhỏ trên nướu để lộ răng khôn thời gian tiểu phẫu có thể kéo dài từ 20-30 phút.

Thời gian lành vết thương cũng khá nhanh chỉ cần vài ba ngày là khỏi hẳn.Có thể trong quá trình mổ răng bạn thấy mình bị chảy máu nhưng thật sự không đáng ngại, việc rỉ máu sẽ giảm dần trong vài giờ từ khi bạn nhổ răng.

Sau khi nhổ, chắc chắn một điều bạn sẽ bị sưng tấy tại nơi nhổ răng khôn. Đây là điều tất yếu và bạn phải chấp nhận sự thật. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn có thể hạn chế được nếu bạn chọn phòng khám có trang thiết bị hiện đại, đặc biệt với một bác sỹ nha khoa “khéo tay” thì ám ảnh sưng đau khi nhổ răng khôn không còn là vấn đề lớn.  Bạn có thể sinh hoạt bình thường sau 1-2 giờ. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ kê cho bạn các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm và giảm đau cũng như sẽ hướng dẫn bạn cách chườm lạnh bên ngoài để giảm sưng. Trong thời gian này, bạn nên ưu tiên những món ăn mềm, dễ nuốt vì với những món ăn cứng, dai sẽ gây cho bạn cảm giác đau tại nơi mổ. Không ăn nóng và tránh nhai ở bên răng nhổ, khi đánh răng cố gắng tránh va chạm với vùng răng vừa nhổ vài ngày.

Hãy thông báo với bác sĩ ngay nếu bạn thấy lượng máu chảy ra nhiều hoặc có các biến chứng khác. ( đau nhiều, sốt cao…)

Nhìn chung, răng khôn là vấn đề tất yếu mà đa số người đều gặp. Việc vệ sinh răng miệng đúng cách, có kiến thức cơ bản cùng phương pháp điều trị đúng khi răng khôn có vấn đề là những điều kiện tiên quyết cho bạn một sức khoẻ răng miệng trong cuộc sống. Với cuộc sống hiện đại, những người “ dại” thường không để đến khi răng  khôn “ trở chứng” mà thường chủ động với việc nhổ bỏ răng khôn.

Bác sỹ Răng Hàm Mặt- Nguyễn Quốc Huy

Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare

Chi nhánh 20 Đinh Tiên Hoàng-  Quận 1