Chia sẻ

RỐI LOẠN LO ÂU Ở TRẺ EM

By Victoria Healthcare 15 Tháng 11 2019

RỐI LOẠN LO ÂU Ở TRẺ EM

Rối loạn lo âu là sự lo sợ quá mức trước một tình huống xảy ra, có tính chất mơ hồ, vô lý, lặp lại và kéo dài, ảnh hưởng tới sự thích nghi cuộc sống.

Rối loạn lo âu có thể cản trở con bạn kết bạn, phát biểu trong lớp, tham gia các hoạt động xã hội và ở trường. Trẻ thường có cảm giác xấu hổ, sợ hãi, cô đơn. Nếu không được điều trị, trẻ rối loạn lo âu có nguy cơ cao gặp khó khăn ở trường, bỏ lỡ những trải nghiệm xã hội quan trọng, dễ nghiện.

Các triệu chứng thường gặp như dễ kích thích, mất ngủ, bồn chồn, đau đầu, đau dạ dày. Rối loạn lo âu thường xuất hiện cùng các rối loạn khác như trầm cảm, rối loạn ăn uống, tăng động giảm chú ý.

Lo âu có nhiều mức độ, trong đó sợ hãi là cảm xúc thông thường ở con người, là tín hiệu báo động của cơ chế tự vệ của cơ thể đáp ứng với sự nguy hiểm rõ rệt được biết từ bên ngoài hay sự nguy hiểm không rõ do tưởng tượng ra và thường mất đi khi sự nguy hiểm đã hết. Lo âu bình thường là phản ứng lo lắng, sợ hãi trước một tình huống, sự vật đe doạ đến sự an toàn, con người, có tính chất nhất thời và không để lại hậu quả ảnh hưởng học tập, công việc. Lo âu bệnh lý là các tình huống gây lo lắng, sợ hãi kéo dài, lặp đi lặp lại nhiều lần, nếu không thể đối phó được sẽ phát động hệ thần kinh thực vật hoạt động mạnh mẽ như thở gấp, hồi hộp, mạch nhanh, chóng mặt, khô miệng, vã mồ hôi, run rẩy, bất an.

Mặc dù các tình huống không còn đe doạ nhưng lo âu vẫn tồn tại nặng nề, kéo dài làm rối loạn chức năng nhận thức, ứng xử. Lo âu trở nên rất mơ hồ, không rõ đối tượng.

  • Về mặt nhận thức, các giác quan của chủ thể sẽ có cảm giác không thật, tri giác sai thực tại, hay có cảm giác mơ hồ, vô căn cứ, luôn lo lắng, sợ hãi một điều gì đó bất lợi như sợ chết, bệnh tật, tai nạn, ốm đau, người thân chết…
  • Về mặt tâm lý, chủ thể sẽ có cảm giác căng thẳng, bồn chồn, bất an, bứt rứt, khó chịu dai dẳng, kém tập trung, đầu óc trống rỗng.  
  • Về mặt cơ thể, chủ thể hay kích thích, nóng nảy, bồn chồn, run rẩy tay chân, rối loạn giấc ngủ, vã mồ hôi ngay cả khi trời lạnh, hồi hộp, đánh trống ngực, đi tiểu nhiều lần, căng cơ bắp, rất dễ mệt, cáu bẳn, dễ kích thích, hoa mắt, chóng mặt, nhìn mờ hoặc cảm giác không thật, hụt hơi khi thở.

VHC roi loan lo au

Cảm xúc lo sợ bình thường ở trẻ em xuất hiện rất sớm trong quá trình phát triển của trẻ. Ở một mức độ nào đó thì trạng thái cảm xúc này là có lợi, giúp trẻ trải nghiệm và thích nghi trong cuộc sống.  Ở những độ tuổi khác nhau, trẻ em có những lo sợ khác nhau nhưng điều quan trọng là trẻ vượt qua và thích nghi được. Từ 8 tháng tuổi trẻ đã biết lạ quen, sợ người lạ hay khi phải xa bố mẹ. Trong những năm đầu trẻ thường sợ những tình huống như đồ vật lạ, âm thanh hay tiếng động, những người lạ, nơi xa lạ… Lớn hơn, trẻ sợ những tình huống có tính chất trừu tượng hơn như sợ ma, sợ tối, sợ ở một mình… Tuổi thiếu niên, trẻ sợ những tình huống có liên quan đến sự an toàn như bệnh tật, hoặc các vấn đề ở trường học như bài vở, thi cử… Cuối tuổi vị thành niên trẻ lo sợ những mối quan hệ xã hội, những sự thay đổi của cơ thể, về tương lai của mình…

Nguyên nhân của các rối loạn này thường là do yếu tố sinh học kết hợp với yếu tố môi trường , những sự kiện gây căng thẳng như bắt đầu đi học, chuyển nhà, mất ba mẹ hay ông bà có thể kích hoạt khởi phát rối loạn lo âu.  Bản thân sự căng thẳng không phải là nguyên nhân của rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu có khuynh hướng lan vào gia đình nhưng không ai đổ lỗi nó cho con của họ. Không phải lỗi do bạn hay con bạn và chẩn đoán rối loạn lo âu không phải là dấu hiệu cha mẹ kém cỏi hay yếu đuối.

Các rối loạn lo âu thường gặp ở trẻ em như rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn hoảng loạn, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn lo âu chia ly, rối loạn lo âu xã hội, câm chọn lọc, ám ảnh sợ chuyên biệt.

Vậy chúng ta sẽ điều trị rối loạn lo âu ở trẻ em như thế nào?

Một công trình nghiên cứu lớn đã kết luận rằng việc kết hợp Trị liệu nhận thức – hành vi (CBT) và thuốc chống trầm cảm cho trẻ 7-17 tuổi thì hiệu quả hơn là điều trị đơn độc. CBT dạy những kỹ năng và kỹ thuật cho con bạn để trẻ có thể sử dụng để giảm sự lo âu.

Con bạn sẽ học cách nhận biết và thay thế những suy nghĩ và hành vi tiêu cực bằng những cái tích cực. Trẻ cũng sẽ học được cách phân biệt hiện thực từ những ý nghĩ phi hiện thực và nhận bài tập về nhà để thực tập những gì đã học trong buổi trị liệu. Bé có thể sử dụng những kỹ thuật này ngay tức thì và cho nhiều năm sau nữa. Sự hỗ trợ của bạn là quan trọng đối với sự thành công của việc điều trị cho con bạn. Nhà trị liệu có thể làm việc với bạn để đảm bảo tiến trình được thực hiện tại nhà và tại trường, và nhà trị liệu có thể đưa ra lời khuyên làm thế nào toàn bộ gia đình có thể xoay sở tốt nhất với những triệu chứng của con bạn. CBT nói chung là những phiên trị liệu ngắn hạn kéo dài khoảng 12 tuần nhưng lợi ích thì dài hạn.

VHC giai phap phong ngua lo au o tre

Câu hỏi đặt ra là cha mẹ có thể làm gì cho trẻ ở nhà?

Quá trình hồi phục có thể gây căng thẳng cho mọi người và việc xây dựng một mạng lưới hỗ trợ từ bạn bè và người thân là rất hữu ích. Hãy ghi nhớ những điều sau: lắng nghe cảm xúc của con bạn, giữ bình tĩnh khi trẻ lo lắng về một tình huống hay một sự kiện nào đó, nhận ra và khen ngợi những thành tích nhỏ của trẻ, không trừng phạt những sai phạm nhỏ hay sự thiếu tiến bộ của trẻ, mềm mỏng và cố gắng duy trì những sinh hoạt bình thường, giảm nhẹ sự mong chờ trong suốt giai đoạn căng thẳng, lên kế hoạch cho việc thay đổi (Ví dụ: cho thêm thời gian vào buổi sáng nếu việc đi học khó khăn đối với trẻ).

Rối loạn lo âu ở trẻ em là căn bệnh khá phổ biến hiện nay, có thể điều trị được bởi bác sĩ tâm thần và các chuyên viên tâm lý. Vì vậy, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám ở các cơ sở chuyên khoa nếu trẻ có các triệu chứng của rối loạn lo âu. Ngoài ra, việc điều trị cần sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường và nỗ lực của bản thân trẻ.

BS. Đỗ Khánh Linh

Chuyên khoa Tâm thần, phòng khám quốc tế Victoria Healthcare