Chia sẻ

PHÒNG NGỪA ĐỘT QUỴ BẰNG CÁCH KIỂM SOÁT CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

By Victoria Healthcare 12 Tháng 5 2022

PHÒNG NGỪA ĐỘT QUỴ BẰNG CÁCH KIỂM SOÁT CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

Đột quỵ là một bệnh lý tổn thương não xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Não bị thiếu oxy và dinh dưỡng, dẫn đến các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút.

Cơn đột quỵ có thể xảy ra ngay hôm nay hoặc bất kỳ lúc nào. Bất kỳ ai cũng có thể bị đột quỵ ở mọi lứa tuổi. 

Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người thân yêu của bạn khỏi đột quỵ là hiểu các yếu tố nguy cơ và phương pháp kiểm soát chúng. Mặc dù bạn không thể kiểm soát tuổi tác hoặc tiền sử gia đình của mình, nhưng bạn có thể thực hiện một số phương pháp kiểm soát sau để giảm nguy cơ bị đột quỵ:

KIỂM SOÁT THÓI QUEN, LỐI SỐNG HÀNG NGÀY

Bạn hãy tránh xa khói thuốc lá, kể cả hút trực tiếp hay hút thụ động. 

Thuốc lá gây hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Tránh xa thuốc lá giúp giảm nguy cơ đột quỵ đáng kể. Nếu bỏ thuốc lá trong vòng từ 2 - 5 năm, nguy cơ bị đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc bỏ thói quen hút thuốc lá, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn. 

Có chế độ ăn uống hợp lý và không lạm dụng thức uống có cồn

Bạn không nên lạm dụng rượu bia và các đồ uống có cồn khác, vì như vậy sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ. 

Thói quen ăn uống lành mạnh sẽ cải thiện khả năng miễn dịch và giữ cho bạn khỏe mạnh. Ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý là cách phòng tránh đột quỵ hiệu quả.  Ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc, thịt trắng, trứng, hải sản, cá để bổ sung protein cho cơ thể. Hạn chế ăn các loại thịt đỏ, các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, nên uống nhiều nước lọc, nước trái cây… 

Kiểm soát cân nặng

Duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) lý tưởng là 25 hoặc thấp hơn sẽ giúp phòng ngừa đột quỵ não hiệu quả. Bạn không nên tiêu thụ quá 1.500 – 2.000 calorie mỗi ngày (tùy thuộc vào mức độ hoạt động và chỉ số BMI của bạn), đồng thời cần tăng cường vận động, chế độ dinh dưỡng hợp lý để không gặp tình trạng béo phì.

KIỂM TRA SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ, TẦM SOÁT CÁC VẤN ĐỀ BỆNH LÝ TIỀM ẨN

Các chuyên gia sức khỏe và tổ chức Y tế trên thế giới thường xuyên khuyến cáo người dân nâng cao tầm quan trọng của việc “kiểm tra sức khỏe định kỳ”. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện các dấu hiệu bất thường của cơ thể nói chung, các yếu tố gây đột quỵ nói riêng. Điều này giúp chúng ta có thể chủ động can thiệp phòng tránh đột quỵ hiệu quả, nhất là đối với những bệnh nhân có tiền sử bị đột quỵ

Những người mắc các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu càng cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây ra đột quỵ.

Bạn nên quan sát những thay đổi bất thường của cơ thể để kịp thời thăm khám, giúp phòng ngừa đột quỵ, nhất là các cơn đau nửa đầu, hoặc tim đập nhanh đột ngột. Những cơn đau nửa đầu này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhất là ở phụ nữ. 

Ngoài ra, nếu tim đập không đều kèm chứng khó thở, đau đầu nhẹ và đau ngực – đây là những dấu hiệu của tim đập bất thường và có khả năng tăng nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, bạn cần theo dõi và tầm soát để có hướng phòng ngừa, điều trị bệnh tốt hơn. 

KIỂM SOÁT BỆNH NỀN MẠN TÍNH HỢP LÝ THEO HƯỚNG DẪN CỦA BÁC SĨ

Nếu bạn có các bệnh nền mạn tính như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường… thì nên chú ý theo dõi tình trạng bệnh và kiểm soát theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu trong tình trạng huyết áp cao thì hãy kiểm soát huyết áp bằng cách hạn chế muối, giảm tiêu thụ lượng đường, tinh bột, tăng cường ăn trái cây, đặc biệt là trái cây rau xanh giàu Kali như: chuối, khoai tây, khoai lang, các loại đậu, cà chua…, bổ sung thực phẩm giàu Omega-3 như cá hồi, cá thu…

Rung nhĩ là bệnh rối loạn nhịp tim, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Cần điều trị và kiểm soát rung nhĩ tốt nhất có thể.

Người mắc bệnh lý tim mạch khác hoặc Cholesterol trong máu cao cũng cần thực hiện thói quen dinh dưỡng phù hợp kết hợp với điều trị kiểm soát bệnh.

Bệnh tiểu đường làm hủy hoại mạch máu, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Vì thế bệnh nhân cần theo dõi và kiểm soát đường huyết ở mức phù hợp. Bạn hãy theo dõi đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời áp dụng chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc theo toa để giữ đường huyết trong phạm vi cho phép.

VẬN ĐỘNG THỂ CHẤT

Nhiều bằng chứng cho thấy, vận động thể chất, tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. 

Tập thể dục ở đây không có nghĩa là phải có một chế độ tập luyện cao với cường độ mạnh. Những hoạt động đơn giản như đi bộ quanh nhà mỗi sáng, chạy bộ, đạp xe cùng bạn bè người thân, đi thang bộ thay vì đi thang máy - cũng là cách giúp bạn duy trì sức khỏe. Nếu bạn không có thời gian để tập 30 phút liên tục, có thể chia nhỏ tập 10 - 15 phút vài lần / ngày.

Ngoài ra, bạn có thể tham gia bơi lội, chơi cầu lông, bóng bàn, hay các lớp học Yoga, khiêu vũ…. Điều quan trọng là phải duy trì thói quen tập thể dục đều đặn với mục tiêu tăng cường sức khỏe, lưu thông máu và ngăn ngừa đột quỵ.

CÓ KẾ HOẠCH CÂN BẰNG CUỘC SỐNG VÀ CÔNG VIỆC

Trong xã hội mà hơn phân nửa thời gian một ngày chúng ta đều dành cho công việc, bất kỳ ai cũng cần sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý để tái tạo năng lượng, có sức khỏe để làm việc tốt hơn. 

Nên có kế hoạch cân bằng cuộc sống và công việc, giảm tải sự căng thẳng, lo lắng quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Bởi những căng thẳng sẽ làm tăng huyết áp, từ đó gián tiếp đưa bạn đến gần các cơn nhồi máu não. Để giảm căng thẳng, bạn có thể tập hít thở sâu, Yoga, thiền, đọc sách, bố trí thời gian ngủ nghỉ hợp lý. Nên chia sẻ nỗi băn khoăn lo lắng của bạn với người thân, bạn bè, bác sĩ. Càng chia sẻ nhiều, bạn càng dễ giải tỏa được tâm lý của mình.

Nên kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Theo nhiều chia sẻ của các chuyên gia tâm lý thì những người nóng tính, dễ nổi giận, huyết áp tăng nhanh, và có nguy cơ đột quỵ cao hơn. 

Ngủ đủ giấc, duy trì giấc ngủ khoảng 7h mỗi ngày. Nên ngủ sớm, dậy sớm.

Cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, nhất là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa. Nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ.

—------

Ths. Bs. Trần Thị Hồng An
Chuyên khoa Nội tổng quát Hệ thống Victoria Healthcare

(Nguồn tham khảo: Hiệp hội đột quỵ Hoa Kỳ, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, website bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Harvard Health Publishing)

—------

Việc tầm soát nguy cơ đột quỵ là rất cần thiết để có thể phát hiện sớm các yếu tố, nguy cơ giúp bạn có thể kịp thời điều chỉnh lối sống phù hợp và bác sĩ sẽ có những lời khuyên cũng như phác đồ điều trị bệnh kịp thời nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, tránh các biến chứng nguy hiểm do đột quỵ gây ra.

👉 Hệ thống phòng khám Victoria Healthcare cung cấp gói khám “TẦM SOÁT NGUY CƠ ĐỘT QUỴ - TIM MẠCH”

🎁 Với Ưu đãi đặc biệt:

Nhập mã PHONGNGUADOTQUY300K bạn sẽ được giảm thêm 300,000 VNĐ trên giá đã giảm. Áp dụng từ 11/05 - 09/06/2022

🎁 Tham khảo gói khám và đặt lịch TẠI ĐÂY