Chia sẻ

HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH CÓ PHẢI LÀ VIÊM ĐẠI TRÀNG?

By Victoria Healthcare 23 Tháng 8 2024

HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH CÓ PHẢI LÀ VIÊM ĐẠI TRÀNG?

HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH CÓ PHẢI LÀ VIÊM ĐẠI TRÀNG?

Thỉnh thoảng bạn có cảm giác đau bụng, thay đổi thói quen đi tiêu (táo bón hoặc tiêu chảy), bạn lo lắng không biết có phải mình đang mắc hội chứng ruột kích thích, hay thật sự đại tràng đang bị viêm loét?

Để hiểu rõ về hội chứng này, xem ngay bài viết bên dưới nhé!

Thực ra, đây là hai tình trạng rối loạn ở đường tiêu hoá, có bản chất khác nhau nhưng lại có chung vài biểu hiện trên lâm sàng, như: cảm giác khó chịu ở bụng, thay đổi tính chất phân, và có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Việc nhận định và đưa ra chẩn đoán kịp thời, chính xác sẽ giúp gia tăng hiệu quả điều trị cũng như gia tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Hiểu đúng về bản chất của hai tình trạng

Viêm đại tràng (Colitis) là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm ở niêm mạc đại tràng. Nguyên nhân có thể do nhiễm khuẩn, bệnh viêm loét đại tràng vô căn, dị ứng hoặc thiếu máu cục bộ…

Ngược lại, hội chứng ruột kích thích (IBS) chỉ là rối loạn về chức năng của đại tràng, chứ không có bất cứ tổn thương viêm loét nào ở niêm mạc. Đại tràng co thắt không đều, có thể gây ra những cơn đau quặn, đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy, tuỳ vào cơ địa từng người. Và, không giống với viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích không gây ra tổn thương vĩnh viễn nào ở đại tràng cả.

Biểu hiện của chúng khác nhau thế nào?

Cả hai tình trạng đều gây ra khó chịu đáng kể ở bụng, nhưng biểu hiện cụ thể lại tương đối khác nhau.

Viêm đại tràng:

  • Cảm giác tiêu không hết phân, mót rặn
  • Có nhày hoặc máu trong phân
  • Bụng đau quặn từng cơn, nhiều ở phía bụng trái
  • Có thể sốt, đặc biệt trong giai đoạn bùng phát
  • Sụt cân trong những trường hợp nặng

Hội chứng ruột kích thích:

  • Bụng đau quặn, giảm sau khi trung tiện hoặc sau khi đi tiêu
  • Bụng chướng hơi
  • Tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ táo bón
  • Có nhày trong phân (nhưng không có lẫn máu)

Làm thế nào để chẩn đoán được?

Để chẩn đoán viêm đại tràng, bác sĩ cần thực hiện một số xét nghiệm để xác định tình trạng viêm trong đại tràng. Trong khi đó, hội chứng ruột kích thích là chẩn đoán được xác định khi đã loại trừ các tổn thương thực thể trong lòng đại tràng, vì không có một xét nghiệm nào là đặc hiệu cho hội chứng này cả.

Để chẩn đoán, thông thường bác sĩ sẽ:

  • Khám và hỏi về các triệu chứng
  • Xét nghiệm máu, phân: loại trừ vấn đề nghiễm trùng
  • Nội soi đại tràng, có thể lấy mẩu sinh thiết trong quá trình nội soi

Có gì khác nhau trong việc điều trị hai bệnh lý này không?

Đối với viêm đại tràng, điều trị thường bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm
  • Thay đổi chế độ ăn
  • Phẫu thuật trong những trường hợp viêm loét nặng

Đối với hội chứng ruột kích thích:

  • Điều trị chủ yếu là thay đổi chế độ ăn, lối sống, và tránh căng thẳng
  • Sử dụng thuốc để giảm triệu chứng trong một số trường hợp

Có thể phòng ngừa được không?

Đối với hầu hết các bệnh lý tiêu hoá, việc phòng ngừa bao giờ cũng là duy trì một chế độ ăn lành mạnh:

  • Tăng cường chất xơ, rau củ, hạn chế thực phẩm cay, nhiều dầu mỡ, thực phẩm lên men
  • Duy trì chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục đều đặn giúp giảm căng thẳng, từ đó tăng cường sức khoẻ hệ miễn dịch cũng như hệ tiêu hoá.

Riêng đối với bệnh lý viêm đại tràng, việc sử dụng thuốc kháng viêm phải theo đúng thời gian và liều lượng theo toa bác sĩ, tái khám định kỳ là vô cùng cần thiết để phòng ngừa các biến chứng của bệnh (thủng đại tràng, tắc ruột, ung thư…)

Tóm lại:

Viêm đại tràng và hội chứng ruột kích thích mặc dù có những biểu hiện tương tự nhau, nhưng việc chẩn đoán, điều trị và tiên lượng là hoàn toàn khác nhau.

Đôi khi chúng ta có thể nghe một ai đó than phiền các triệu chứng giống mình (đau bụng, đầy hơi, phân không thành khuôn…) thì việc quan trọng là thăm khám với bác sĩ để có chẩn đoán và điều trị chính xác, từ đó mỗi người sẽ có chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp với bản thân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.

Chúc mọi người luôn có một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh! 

Bài viết được tham vấn thông tin từ bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo - Chuyên khoa Nội soi Tiêu hóa - Gan mật.