Chia sẻ
NHỮNG KHUYẾN CÁO MỚI NHẤT VỀ PHÒNG NGỪA SỎI THẬN
By Victoria Healthcare 28 Tháng 8 2019
Sỏi thận là gì?
Sỏi thận là một khối rắn bao gồm một tập hợp các hạt tinh thể nhỏ. Có thể có một hay nhiều sỏi xuất hiện cùng lúc trong thận, niệu quản hay bàng quang.
Sỏi thận có thể hình thành khi nước tiểu của bạn trở nên quá cô đặc với các chất nhất định nào đó. Những chất này có thể tạo ra các tinh thể nhỏ và trở thành sỏi thận. Sỏi thận có thể không tạo ra các triệu chứng cho tới khi chúng di chuyển xuống niệu quản, gây đau. Cơn đau thường là nặng và thường bắt đầu ở vùng hông lưng, sau đó di chuyển xuống vùng bẹn.
Sỏi thận là một bệnh lý phổ biến, tuy nhiên, bệnh lý này có thể được phòng ngừa.
Khi nhắc đến phòng ngừa sỏi thận, ai trong mỗi chúng ta đều nghĩ ngay trong đầu một số phương pháp nào đó. Nhưng chắc hẳn nhiều người vẫn còn băn khoăn rằng không biết những phương pháp này có đúng hay không, có được nghiên cứu rõ ràng hay chưa?
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những khuyến cáo mới nhất trên thế giới về phòng ngừa sỏi thận cũng như phòng ngừa tái phát trên những người đã và đang mang trong người những “vị khách không mời” này.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội niệu khoa châu Âu (2019), những nguyên tắc chung trong phòng ngừa:
NƯỚC UỐNG
- Tổng lượng nước nhập (nước từ nguồn thực phẩm hoặc nước uống): 2.5-3 lít/ngày (nhưng các bạn không cần phải đo lượng nước này, các bạn chỉ cần nhớ “màu nước tiểu” của mình là đủ: nếu màu nước tiểu trong hay vàng nhạt là tốt, còn nếu màu vàng vừa đến vàng sậm là không tốt).
- Cung cấp nước trải đều trong ngày (không nên uống một lúc quá nhiều rồi không uống trong khoảng thời gian dài).
- Nước có độ PH trung bình (pH =7): nước khoáng. Còn những loại khác thì phải xem thông tin trên nhãn sản phẩm có độ PH xung quanh mức trung bình ( VD: sữa, sữa đậu nành, nước trái cây…).
- Lượng nước tiểu: 2-2.5 lít/ngày.
- Tỷ trọng nước tiểu < 1.010 (qua xét nghiệm nước tiểu).
DINH DƯỠNG
- Chế độ dinh dưỡng “cân bằng” – tránh tiêu thụ quá nhiều Vitamin bổ sung. VD: vitamin C (do
- tăng tạo Oxalate từ quá trình chuyển hóa của Vitamin C).
- Chế độ ăn nhiều rau quả và chất xơ.
- Hạn chế ăn thực phẩm có quá nhiều Oxalate: Rau Spinach hay còn được gọi là rau bina, tiếng Việt gọi là rau bó xôi hay chân vịt, khoai tây. Hạt: Hạnh nhân, đậu phộng, hạt điều.
- Cung cấp lượng Canxi trung bình 1-1.2g/ngày (quá thừa hay quá thiếu Canxi đều có thể gây nên sỏi thận).
- Giới hạn lượng muối tiêu thụ từ 4-5g/ngày (Nếu dùng muối quá nhiều sẽ tăng bài tiết canxi trong nước tiểu, giảm hàm lượng Citrat và dễ gây nên sỏi thận).
- Giới hạn lượng đạm động vật tiêu thụ chỉ từ 0.8-1g/kg cân nặng/ngày (nếu cung cấp quá nhiều đạm sẽ làm giảm lượng “Citrat”, giảm độ pH nước tiểu, tăng acid uric và oxalat trong nước tiểu và đây chính là những yếu tố thúc đẩy việc tạo sỏi).
LỐI SỐNG
- Duy trì trọng lượng cơ thể (BMI) vừa phải (nếu BMI quá dư sẽ làm tăng lượng acid uric và giảm độ pH của nước tiểu dẫn đến dễ hình thành sỏi thận).
- Tập thể dục thường xuyên (ít nhất 150 phút/tuần).
- Tránh để cơ thể bị mất nước quá nhiều (Làm việc trong môi trường quá nóng, quá nặng nhọc…)
Những thông tin cần biết về các loại nước uống và sỏi thận:
- Nước chanh có hiệu quả trong việc phòng ngừa sỏi thận (vì có nhiều thành phần “Citrat” có khả năng ngăn cản sự kết tinh của các tinh thể tạo sỏi).
- Nước cam cũng có hiệu quả nhưng ít hơn so với nước chanh trong vai trò ngăn ngừa sỏi thận và dễ gây tăng cân hơn.
- Cà phê, trà và rượu không phải là yếu tố nguy cơ gây sỏi thận như một vài thông tin trước đây, vì vậy các bạn cũng không nên kiêng cử quá đáng.
- Nước bưởi làm tăng nguy cơ tạo sỏi vì vậy cần hạn chế.
- Giảm uống các loại nước ngọt, nước có chứa hàm lượng calo cao có thể giảm nguy cơ sỏi thận (Uống mỗi ngày 1 hoặc nhiều lon cola nguy cơ bị sỏi thận tăng 23%, non – cola tăng 33%)
- Những loại nước uống có hàm lượng calo thấp và giàu citrate thường gặp ở các sản phẩm nước uống có ga không đường, nước uống có ga dành cho người ăn kiêng không có giá trị trong việc phòng ngừa sỏi thận.
- Nước ép nam việt quất (Cranberry Juice) có khả năng phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu chứ không có khả năng phòng ngừa sỏi thận và uống vừa phải thì không có hại.
Tóm lại, với những thông tin mới nhất và gần gũi nhất với cuộc sống hàng ngày của các bạn; Chúng tôi hy vọng rằng sẽ giúp được các bạn hiểu rõ hơn về các phương pháp dự phòng sỏi thận cho mình và người thân.
(Nguồn: Hướng dẫn của Hiệp hội niệu khoa Châu Âu)
Bác sĩ NGUYỄN TRÍ QUANG
Chuyên khoa Tiết niệu & Nam khoa phòng khám quốc tế Victoria Healthcare