Chia sẻ

NHỮNG ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH UNG THƯ VÚ CAO

By Victoria Healthcare 14 Tháng 10 2022

NHỮNG ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH UNG THƯ VÚ CAO

Ung thư vú là một trong những căn bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với chị em phụ nữ, nhưng chúng ta vẫn có thể chữa được nếu phát hiện sớm. Rất nhiều bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. 

Nhiều nghiên cứu cho rằng, nếu phụ nữ có một trong những yếu tố nguy cơ sau đây thì có khả năng mắc bệnh ung thư vú cao. Tuy nhiên, nhiều người có một hoặc thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư vú không có nghĩa là chắc chắn mắc bệnh này. Hiện tại, vẫn có một tỷ lệ phụ nữ bị ung thư vú mà không có yếu tố nguy cơ nào. Quan trọng nhất là chúng ta cần quan sát và theo dõi những sự thay đổi bất thường của cơ thể, cần đi thăm khám và tầm soát định kỳ. 

Các yếu tố liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú: 

- Là phụ nữ: Phụ nữ có khả năng bị ung thư vú cao hơn nam giới. Do đó, chị em phụ nữ trên 35 tuổi cần đi thăm khám tầm soát ung thư vú định kỳ. 

- Tuổi tác: Dù hiện tại ung thư vú ngày càng trẻ hóa, thế nhưng tuổi ngày càng cao thì nguy cơ ung thư vú của bạn càng tăng lên. 

- Tiền sử bệnh:

  • Thứ nhất là tiền sử cá nhân của bạn có những bệnh liên quan đến vú. Nếu bạn đã từng sinh thiết vú phát hiện bị ung thư biểu mô dạng thùy tại chỗ (gọi là LCIS) hoặc tăng sản tiểu thùy không điển hình của vú (gọi là ALH), thì bạn có khả năng tăng nguy cơ bị ung thư vú. 
  • Thứ hai là tiền sử cá nhân đã mắc bệnh ung thư vú. Nếu bạn bị ung thư vú ở một bên vú, bạn sẽ có nguy cơ cao phát triển ung thư ở vú còn lại. 
  • Thứ ba là tiền sử gia đình bị ung thư vú. Nếu mẹ, chị em gái hoặc con gái của bạn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú thì nguy cơ mắc bệnh của bạn khá cao. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú không có tiền sử gia đình về căn bệnh này. 

- Di truyền gen làm tăng nguy cơ ung thư: Một số đột biến gen làm tăng nguy cơ ung thư vú có thể được truyền từ ba mẹ sang cho con cái. Các đột biến gen được biết đến nhiều nhất là BRCA1 và BRCA2. 

- Tiếp xúc với phóng xạ: Nếu khi bạn còn nhỏ hoặc đang độ tuổi thanh niên mà có bệnh phải điều trị với các tia phóng xạ thì nguy cơ bị ung thư vú của bạn cũng tăng cao.

- Béo phì: Béo phì, thừa cân cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư vú. Do đó, cần để ý và kiểm soát cân nặng của bản thân, vận động và tập thể dục thể thao để duy trì sức khỏe. 

- Độ tuổi có kinh nguyệt: Nếu bạn có kinh nguyệt sớm, trước 12 tuổi hoặc mãn kinh tuổi càng lớn thì nguy cơ ung thư vú khá cao. Phụ nữ dùng thuốc điều trị hormon kết hợp estrogen và progesterone để điều trị các rối loạn tiền mãn kinh có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nguy cơ ung thư vú sẽ giảm khi phụ nữ ngừng dùng các loại thuốc này. 

- Độ tuổi sinh sản: Phụ nữ sinh con đầu lòng sau 30 tuổi thường có khả năng tăng nguy cơ ung thư. Phụ nữ chưa từng mang thai cũng có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những phụ nữ đã từng mang thai một hoặc nhiều lần. 

- Rượu: Nam giới hay nữ giới thường xuyên uống rượu cũng có khả năng làm tăng ung thư vú.

(Bác sĩ Teng Quang Tín - Chuyên Sản Phụ khoa, hệ thống phòng khám đa khoa Victoria Healthcare)

---------

Các tổ chức y tế uy tín trên thế giới và các khảo sát y học mới nhất khuyến cáo các phụ nữ trưởng thành có bệnh sử gia đình mắc ung thư vú hoặc ở độ tuổi từ 35 trở đi nên thực hiện tầm soát ung thư vú định kỳ để phòng ngừa và chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.

Tham khảo Gói tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú TẠI ĐÂY