Chia sẻ

NGUYÊN NHÂN GÂY VIÊM TAI GIỮA VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

By Victoria Healthcare 25 Tháng 3 2021

NGUYÊN NHÂN GÂY VIÊM TAI GIỮA VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA
Có một số mẹ phàn nàn với tôi là con cứ bị Viêm Tai Giữa (VTG) tái đi tái lại hoài. Điều này không có gì bất thường ở trẻ bởi có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh VTG, trong đó, có những nguyên nhân thường gặp là:
• Bị cảm, cảm do siêu vi, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, làm cho hệ thống niêm mạc, mũi họng và cả ống thông từ tai giữa xuống họng bị phù nề lên, khiến dịch tiết ra từ tai giữa bị tắc vào bên trong khiến tai giữa bị nhiễm trùng.
• Trẻ nhỏ tuổi (dưới 1 tuổi) đi nhà trẻ sớm dễ bị VTG hơn so với các trẻ lớn bởi ống thông xuống họng nhỏ hơn và dễ bị tắc lại hơn.
• Trong gia đình có người hút thuốc, trẻ sẽ bị hút thuốc thụ động (hút thuốc “second hand”), nghĩa là nghĩa là người hút thuốc phà khói ra khiến trẻ hít phải, khiến cho hệ thống đường hô hấp bị phù nề lên, làm tắc ống thông.
• Hiện nay, y khoa có thêm thuật ngữ mới là “hút thuốc third hand”, nghĩa là bố (hoặc mẹ) không hút thuốc, nhưng quần áo bị bám khói thuốc từ người khác và bế trẻ, chất độc thuốc lá bám trên người khiến trẻ bị hít phải nên gọi là “third hand”. Điều này rất hại, khiến cho trẻ bị VTG hoài.
• Nằm bú bình, một số trẻ bú nằm ngửa và dốc bình ngược lên, sữa sẽ đi ra đằng sau cổ họng, theo ống thông đi vào tai giữa, gây ra khả năng gây nhiễm trùng tại.
• Ngoài ra, một số trường hợp như trẻ bị dị ứng đường hô hấp thì ống thông cũng sẽ bị tắc lại và gây ra VTG.
Trong thời gian hành nghề của tôi, nguyên nhân trẻ bị VTG thường gặp rất là bị cảm vì trẻ tiếp xúc liên tục với các siêu vi, nên hầu hết VTG là do biến chứng của cảm siêu vi. Theo thống kê, trong 100 trẻ thì có khoảng 25 trẻ có thẻ bị VTG tái đi tái lại. Do đó, nếu trẻ bị VTG hoài thì nên tìm hiểu nguyên nhân tại sao rồi phòng ngừa cho trẻ.
CÁCH PHÒNG NGỪA
Khi bệnh nhi đến khám, tôi thường hỏi bệnh rất kỹ. Trong các nguyên nhân nêu trên, khói thuốc lá là “kẻ thù số 1” của bệnh VTG. Do đó, trong môi trường có người nhà hút thuốc lá cần phải cai thuốc. Nếu người nhà đi từ những nơi có người hút thuốc là thì cẩn phải thay đồ, rửa ráy sạch sẽ rồi mới ôm trẻ hay tiếp xúc với trẻ.
Không nên cho trẻ nằm bú bình, tích cực cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt. Trẻ bú mẹ trực tiếp vẫn có thể cho bú nằm mà không sợ bị VTG bởi cấu tạo của bầu ngực không khiến cho tia sữa đi thẳng trực tiếp ra phía sau tai giữa của trẻ được. Thêm vào đó, trẻ bú sữa mẹ có những kháng thể giúp làm giảm nguy cơ bị cảm, bị bệnh nhiễm trùng  giảm nguy cơ bị VTG.
Một trong những lý do khiến trẻ bị VTG là do bị cúm. Do đó, nên cho trẻ chích ngừa cúm nhằm giảm tấn suất bị cúm, nhờ đó giảm được biến chứng VTG.
Tương tự như thế, nhiễm phế cầu cũng khiến trẻ bị VTG, nên cha mẹ nên cho trẻ đi chích ngừa phế cầu càng sớm càng tốt (từ 6 tuần tuổi ) nhằm giảm nguy cơ bị VTG.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên phòng ngừa cảm cho trẻ bằng cách rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn nhanh (nước rửa tay nhanh) trước khi chăm sóc hay tiếp xúc với trẻ, không hôn vào mặt trẻ.
Khi trẻ được cha mẹ đưa đến khám bởi bất cứ lý do gì, bác sĩ cũng đều phải khám tai. Tuy nhiên, hầu như các bác sĩ Nhi Việt Nam đều bỏ qua điều này. Do đó, cha mẹ cũng nên “nhắc” bác sĩ về việc khám tai cho trẻ.
--
Bs. Nguyễn Trí Đoàn - Trích "Để con được ốm"
(Bài viết của sử dụng hình ảnh từ Shutterstock)