Chia sẻ
NGOÁY TAI, LẤY RÁY TAI - CÓ NÊN KHÔNG?
By Victoria Healthcare 31 Tháng 8 2020
Các bác sĩ Tai Mũi Họng luôn khuyên bệnh nhân không nên dùng tăm bông hay bất cứ dụng cụ gì để ngoáy tai và lấy ráy tai, có 3 lý do chính như sau:
1. LÁY RÁY TAI LÀ KHÔNG CẦN THIẾT
Tai có cơ chế tự làm sạch, nên việc làm vệ sinh tai thường xuyên là không cần thiết. Ráy tai được hình thành ở bên trong ống tai và theo tự nhiên sẽ chảy từ trong ra ngoài để làm sạch. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp ngoại lệ như một số người có lượng ráy tai tiết ra nhiều hơn bình thường, hay một số người khác (đặc biệt là người lớn tuổi) có ráy tai khô hơn, cứng hơn so với ráy tai thông thường. Kể cả như vậy thì cũng không cần thiết dùng dụng cụ gì để vệ sinh tai.
2. LẤY RÁY TAI CÓ THỂ NGUY HIỂM
Khi dùng dụng cụ để vệ sinh tai, có thể gây ra các vấn đề như sau:
- Dụng cụ vô tình đẩy ráy tai vào sâu bên trong ống tai, gây khó khăn cho quá trình làm sạch tự nhiên của tai. Lâu dần hình thành nút ráy tai, làm giảm nghe, ù tai.
- Dụng cụ gây trầy xước da ống tai, làm tổn thương hàng rào bảo vệ vốn có của da trong ống tai, tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng, vi nấm phát triển gây viêm ống tai. Việc dùng tăm bông lâu ngày cũng làm thay đổi độ pH trong ống tai (vốn là acid nhẹ), làm giảm khả năng bảo vệ chống tác nhân gây bệnh.
- Nguy hiểm hơn, dụng cụ ráy tai được đưa vào quá sâu gây chấn thương, chảy máu và tệ nhất là thủng màng nhĩ.
3. CÓ NHIỀU RÁY TAI KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ BẠN VỆ SINH KÉM
Nhiều quan điểm cho rằng có nhiều ráy tai nghĩa là bản thân người đó kém vệ sinh, khiến họ thiếu tự tin và luôn tìm cách ngoáy tai cho khô, cho sạch. Thực ra đây là sự hiểu lầm lớn.
Ráy tai bản chất là cơ chế tiết dịch tự nhiên của cơ thể, như là nước bọt ở miệng, hay dịch nhầy ở mũi.
Nên hiểu đúng về ráy tai như sau:
- Ráy tai là chất dưỡng ẩm tự nhiên, giúp ngăn ngừa da ở bên trong ống tai không bị quá khô.
- Ráy giúp bắt dính bụi bẩn tránh đi sâu vào bên trong ống tai.
- Ráy tai giúp hấp thu da chết và các mảng biểu bì trong tai.
- Ngăn ngừa sự phát triển quá mức của vi trùng, vi nấm trong ống tai nhờ pH acid.
Vậy nên, có người có nhiều ráy tai, có người có ít. Nhiều người ráy tai ướt hơn, một số khác có ráy tai khô hơn. Khác biệt về ráy tai có thể do giới tính, tuổi tác, môi trường, hay do ăn uống..
Ráy tai là biểu hiện của tai bình thường, khỏe mạnh.
KHI NÀO NÊN LẤY RÁY TAI?
Khi ráy tai gây ra những vấn đề như giảm sức nghe, ù tai, gây đau thì cần được lấy ra khỏi ống tai. Một số trường hợp cần quan sát rõ màng nhĩ trong điều trị viêm tai giữa, ráy tai cũng nên được làm sạch.
LẤY RÁY TAI THẾ NÀO CHO AN TOÀN?
Bác sĩ tai mũi họng nên là người lấy ráy tai vì bác sĩ hiểu rõ bản chất và lý do để lấy ráy tai. Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa cũng nắm rõ giải phẫu, cấu trúc của tai nên sẽ hạn chế được nguy cơ gây tổn thương tai trong quá trình lấy ráy tai.
Bs. Lê Hồ Xuân Duy - CK Tai Mũi Họng
(Bài viết của sử dụng hình ảnh từ Shutterstock)