Chia sẻ

NAM GIỚI CẦN TẦM SOÁT CÁC BỆNH LÝ NÀO?

By Victoria Healthcare 30 Tháng 6 2022

NAM GIỚI CẦN TẦM SOÁT CÁC BỆNH LÝ NÀO?

Kiểm tra và tầm soát sức khỏe định kỳ là bước quan trọng mà mọi người nói chung và nam giới nói riêng cần thực hiện để nhận biết và phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Các xét nghiệm tầm soát cần dựa trên tuổi tác và nhiều yếu tố khác.

Dưới đây là danh sách một số bệnh lý có thể xuất hiện ở nam giới, được các chuyên gia sức khỏe khuyến nghị tầm soát ở độ tuổi cần thiết.

Ung thư phổi  

Theo nghiên cứu tại Hoa Kỳ, nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất là do bệnh ung thư phổi. Nam giới thường xuyên hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi khá cao. Hút thuốc lá nhiều không chỉ có tác hại đến cơ thể mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh khi phải chịu “hút thuốc lá thụ động”. Không hút thuốc và tránh khói thuốc là một trong các phương pháp phòng ngừa tốt nhất để giảm nguy cơ mắc ung thư phổi.

Tầm soát ung thư phổi bằng cách chụp CT phổi liều thấp. Nam giới trong độ tuổi từ 55 - 74, có hút thuốc ít nhất một gói/ngày trong 30 năm hoặc từ 2 gói trở lên/ngày trong 15 năm thì nên tầm soát 1 năm/ lần. Điều này áp dụng nếu họ đã bỏ hút thuốc cách đây chưa đầy 15 năm. 

Ung thư tuyến tiền liệt

Tại Hoa Kỳ, ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến nhất được phát hiện ở nam giới sau ung thư da. Bệnh lý này có xu hướng phát triển chậm, tuy nhiên vẫn có những trường hợp chuyển biến nhanh và nguy hiểm. Các xét nghiệm tầm soát có thể giúp tìm ra bệnh sớm.

Tầm soát bằng cách khám sàng lọc cho nam giới khỏe mạnh bao gồm thăm trực tràng kỹ thuật số (DRE), có thể là xét nghiệm máu kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). 

Các hướng dẫn của chính phủ khuyến cáo không nên xét nghiệm PSA định kỳ, vì vậy bạn cần hỏi bác sĩ về những rủi ro và lợi ích khi thực hiện xét nghiệm này. Khi thăm khám tầm soát, bạn nên trao đổi cụ thể với bác sĩ về các vấn đề sức khỏe liên quan như các yếu tố nguy cơ, tiền sử gia đình có người mắc bệnh về ung thư tuyến tiền liệt. 

Capture

 

Ung thư tinh hoàn

Bệnh lý ung thư tinh hoàn không phổ biến, thường gặp ở nam giới trong độ tuổi 20-54. Bệnh có thể được điều trị tốt trong trường hợp được phát hiện sớm. Các bác sĩ khuyên nam giới nên thường xuyên kiểm tra tinh hoàn của mình, đây cũng là một trong các yêu cầu kiểm tra sức khỏe định kỳ ở đàn ông trưởng thành. Nam giới có thể tự kiểm tra các cục u, khối u, hoặc những thay đổi về kích thước / hình dạng của tinh hoàn.

Ung thư đại tràng

Hầu hết bệnh ung thư đại tràng phát triển từ các khối u, được gọi là polyp trên bề mặt bên trong của ruột kết. Tìm và loại bỏ các polyp đại tràng trước khi chúng chuyển thành ung thư là chìa khóa quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư đại tràng. 

Đối với hầu hết mọi người, không chỉ riêng nam giới, cần sàng lọc bắt đầu ở tuổi 50 (thời gian có thể sớm hơn nếu bạn có các yếu tố nguy cơ cao). Các xét nghiệm bao gồm nội soi đại tràng, trong đó bác sĩ sử dụng một ống mỏng và máy ảnh nhỏ để sàng lọc toàn bộ đại tràng và loại bỏ các polyp, hoặc nội soi đại tràng sigma linh hoạt, chỉ kiểm tra phần dưới của đại tràng.

Một số người chọn các phương pháp sàng lọc khác, tuy nhiên nếu phát hiện thấy polyp trong đại tràng, bạn cần đi nội soi để loại bỏ chúng. Bệnh ung thư đại tràng có thể điều trị khỏi nếu kịp thời phát hiện sớm. 

Ung thư da

Có một số loại bệnh lý ung thư da, trong đó nguy hiểm nhất là u ác tính. Các dạng phổ biến nhất là ung thư tế bào hắc tố và ung thư da tế bào vảy. Các yếu tố rủi ro của bệnh do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sạm da và cháy nắng.

Bạn nên kiểm tra thường xuyên để nhận ra sự thay đổi của da, bao gồm hình dạng, màu sắc và kích thước của bất kỳ vết nào trên da. Phương pháp điều trị sẽ hiệu quả hơn khi ung thư da được phát hiện sớm.

Tăng huyết áp 

Bệnh cao huyết áp thường liên quan đến tuổi tác, cân nặng và lối sống. Nhiều người bị cao huyết áp mà không biết. Bệnh cao huyết áp có thể điều trị được như thay đổi chế độ ăn uống, thường xuyên tập thể dục. Những thói quen tốt có thể giúp bạn tránh bệnh tim, đột quỵ và suy thận.

Kiểm tra mức cholesterol trong máu 

Nên thực hiện các xét nghiệm mỡ máu cơ bản, bao gồm LDL Cholesterol (low-density lipoprotein: cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp). 

Nam giới từ 20 tuổi có thể đi kiểm tra, hoặc sớm hơn độ tuổi này khi có hồ sơ bệnh án rủi ro cao về tim mạch, nên thực hiện kiểm tra 5 năm/lần.

gssg

Bệnh tiểu đường type 2 

Theo nghiên cứu tại Hoa Kỳ, ⅓ dân số Hoa Kỳ mắc bệnh tiểu đường cho biết bản thân không biết mình mắc bệnh. Bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến bệnh tim và đột quỵ, bệnh thận, mù mắt do tổn thương các mạch máu của võng mạc, tổn thương thần kinh và liệt dương. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, bạn có thể kiểm soát bệnh tiểu đường và tránh các biến chứng bằng chế độ ăn kiêng, tập thể dục, giảm cân và dùng thuốc đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Xét nghiệm đường huyết lúc đói thường được sử dụng để tầm soát bệnh tiểu đường. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng xét nghiệm A1C để kiểm tra mức độ cơ thể của bạn kiểm soát lượng đường trong máu theo thời gian như thế nào. Người lớn khỏe mạnh từ 45 tuổi nên làm xét nghiệm 3 năm/lần. Nếu bạn có cholesterol cao hoặc huyết áp cao nên bắt đầu xét nghiệm sớm hơn và thường xuyên hơn.

Kiểm tra HIV

HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh sản và cho con bú. 

Các phương pháp điều trị hiện nay có thể giữ cho nhiễm HIV không phát triển trở thành AIDS, mặc dù những loại thuốc này có thể có những tác dụng phụ nghiêm trọng.

Nhiều người không biết mình bị nhiễm HIV. Một loạt các xét nghiệm máu có thể kiểm tra ra HIV. Nếu bạn nghi ngờ mình có thể đã bị phơi nhiễm với HIV, hãy đến gặp bác sĩ để hỏi về các xét nghiệm và cho kết quả chính xác nhất. 

Bệnh tăng nhãn áp

Bệnh tăng nhãn áp là bệnh về mắt, làm tổn thương dần dây thần kinh thị giác và có thể dẫn đến mù lòa. Đo nhãn áp nghĩa là kiểm tra áp lực nội nhãn, cần được thực hiện thường xuyên, nhằm chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp và đưa ra phác đồ điều trị khi phát hiện ra bệnh lý.

Các xét nghiệm mắt để chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp dựa trên độ tuổi và nguy cơ cá nhân:

  • Dưới 40 tuổi: 2-4 năm một lần
  • 40-54: 1-3 năm một lần
  • 55-64: 1-2 năm một lần
  • 65 tuổi trở lên: 6-12 tháng một lần

Bác sĩ của bạn có thể kiểm tra xem bạn có cần phải tầm soát sớm hơn hoặc kiểm tra thường xuyên hơn dựa trên các yếu tố nguy cơ cụ thể của bạn.

---------

Bác sĩ Hồ Sĩ Nhật Quang - Chuyên Khoa Ngoại, Tiết niệu - Nam khoa.

Nguồn tư liệu tham khảo: www.webmd.com

Hệ thống phòng khám đa khoa VICTORIA HEALTHCARE cung cấp các gói khám tiêu chuẩn và chuyên sâu dành cho nam giới với các ưu đãi hấp dẫn.

Tham khảo gói khám và đặt lịch TẠI ĐÂY