Chia sẻ

NỘI SOI TIÊU HÓA: NỘI SOI DẠ DÀY TÁ TRÀNG & NỘI SOI ĐẠI TRÀNG

By Victoria Healthcare 15 Tháng 8 2019

NỘI SOI TIÊU HÓA: NỘI SOI DẠ DÀY TÁ TRÀNG & NỘI SOI ĐẠI TRÀNG

 Nội soi tiêu hóa là phương pháp chẩn đoán và điều trị tốt nhất các bệnh lý lòng ống tiêu hóa. Về nguyên tắc chung, nội soi là phương pháp đưa một ống soi có gắn đèn, đầu ghi hình và các thiết bị y khoa vào trong lòng ruột để chụp hình, lấy mẫu bệnh phẩm và cắt bỏ các khối u trong dạ dày hoặc ruột.

  1. NỘI SOI DẠ DÀY TÁ TRÀNG

Nội soi dạ dày dùng để khảo sát các bệnh lý của thực quản, dạ dày và đoạn đầu ruột non (tá tràng). Nội soi dạ dày đươc chỉ định khi bệnh nhân có các dấu hiệu sau:

  1. Nuốt khó, nuốt đau, nuốt vướng
  2. Trào ngược dạ dày thực quản
  3. Các rối loạn tiêu hóa trên chưa rõ nguyên nhân: đầy bụng, đau bụng, ăn không tiêu, nôn ói sau khi ăn…
  4. Khảo sát tìm nguyên nhân của thiếu máu, sụt cân, đi tiêu ra máu…. chưa rõ nguyên nhân
  5. Bệnh lý gan mãn tính: xơ gan
  6. Nuốt dị vật đường tiêu hóa trên

Bệnh nhân khi có chỉ định nội soi cần được giải thích nguyên nhân phải nội soi, lợi ích của việc nội soi trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Bệnh nhân phải nhịn đói ít nhất 6 giờ để dạ dày trống khi nội soi. Thông thường nội soi dạ dày thực hiện vào buổi sáng, bệnh nhân chỉ nhịn ăn sáng, có thể uống nước lọc, không uống những nước có màu.

Cảm giác khó chịu nhất của nội soi là nôn ói khi ống soi đi vào thực quản xuống dạ dày. Nội soi dạ dày nếu làm đúng kỹ thuật sẽ không gây đau. Đôi khi vì cảm giác nôn ói khó chịu làm bệnh nhân không hợp tác trong quá trình soi, ống soi sẽ va chạm nhiều vào thành tiêu hóa hoặc vùng hầu họng làm bệnh nhân bị đau, việc nôn ói nhiều sẽ làm bệnh nhân rất mệt sau khi soi. Để việc nội soi được nhẹ nhàng, Bác sĩ có thể dùng thuốc ngủ nhẹ chích tĩnh mạch, bệnh nhân sẽ ngủ trong khi soi, không phải gây mê. Sau khi soi bệnh nhân sẽ thấy dễ chịu hơn và không còn cảm giác nôn ói khi soi. Sau khi dùng thuốc ngủ, bệnh nhân sẽ cảm giác buồn ngủ, hơi chóng mặt, dễ quên, tất cả các cảm giác này sẽ hết khi thuốc ngủ hết tác dụng, thường từ 1-2 giờ. Ngay sau khi soi bệnh nhân có thể ăn uống bình thường nếu BS không có dặn dò gì khác.

Kết quả nội soi sẽ có ngay sau khi soi dạ dày. Khi soi dạ dày, bác sĩ sẽ sinh thiết mô dạ dày để thử vi trùng H. Pylori. Kết quả thử vi trùng thường được trả ngay sau khi soi, tuy nhiên mẫu thử sẽ được BS giữ lại sau 4 giờ đối với những trường hợp vi trùng âm tính. BS sẽ gọi điện thoại báo kết quả vi trùng đối với các trường hợp dương tính muộn (kết quả vi trùng lúc đầu là âm tính nhưng theo dõi 4 giờ có phản ứng dương tính). Khi bệnh nhân có những sang thương nghi ngờ trong lúc soi, BS sẽ sinh thiết các sang thương này để gởi giải phẫu bệnh. Bệnh nhân thường được hẹn đọc kết quả sinh thiết sau 5-7 ngày.

VHC NOI SOI

  1. NỘI SOI ĐẠI TRÀNG

Nội soi đại tràng dùng khảo sát các bệnh lý của ruột già hay đại tràng. Nội soi đại tràng được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Tầm soát ung thư ruột già (xem thêm bài Ung thư ruột già)
  • Chảy máu tiêu hóa (đi tiêu phân đen, phân có máu)
  • Theo dõi điều trị viêm đại tràng
  • Tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa kéo dài không rõ nguyên nhân
  • Sụt ký, thiếu máu không rõ nguyên nhân.

Truớc khi nôi soi đại tràng, bệnh nhân cần được chuẩn bị ruột để việc nội soi được chính xác và dễ dàng. Nếu không có chỉ định cấp cứu thì phương pháp chuẩn bị ruột tốt nhất là uống thuốc xổ để đi tiêu hết phân trong lòng đại tràng. Phương pháp chuẩn bị ruột bằng thụt tháo chỉ sử dụng trong trường hợp cấp cứu, hoặc các chỉ định soi đại tràng khẩn cấp khác, phương pháp này thường gây khó chịu, đau và không sạch ruột.

Để chuẩn bị tốt cho nội soi đại tràng, bệnh nhân cần được ăn nhẹ 1 ngày trước ngày nội soi (không ăn thịt, không ăn rau). Buổi chiều truớc ngày nội soi (khoảng 4-5 giờ chiều) bệnh nhân có thể ăn nhẹ (súp, cháo), sau khi ăn 2 giờ (khoảng 6-7h tối) bệnh nhân bắt đầu uống thuốc xổ. Thuốc xổ có thể sử dụng là Fortrans.

  • Cách dùng FORTRANS: Pha 3 gói Fortran strong 3 lít nước (1g/lít), uống trong 3 giờ. Sau khi uống nếu bệnh nhân khát nước có thể uống thêm nước. Sáng hôm sau lúc 5-6am, bạn uống thêm 1g FORTRANS với 1 L nước. Không ăn sáng.

Mỗi bệnh nhân đáp ứng với thuốc xổ ruột khác nhau, thông thường bệnh nhân sẽ đi tiêu từ 10-15 lần sau khi uống thuốc cho đến khi đi phân toàn nước trong là ruột sạch có thể nội soi. Nên báo cho BS biết nếu bệnh nhân có các bệnh lý kèm theo như: tiểu đường, cao huyết áp, suy thận. Bệnh nhân vẫn có thể sử dụng thuốc cao huyết áp và các thuốc khác trong ngày nội soi. Tuy nhiên không được sử dụng thuốc tiểu đường khi bắt đầu nhịn đói nội soi. Các viên thuốc có chứa chất sắt phải được ngưng ít nhất 1 tuần trước khi nội soi.

Nội soi đại tràng có thể gây đau do đại tràng bị xoắn, BS phải luồn ống soi hết khung đại tràng tới đoạn cuối của đại tràng là van hồi manh tràng. Để giảm bớt khó chịu cho bệnh nhân, BS sẽ sử dụng thuốc gây ngủ và thuốc giảm đau tiêm tĩnh mạch. Bệnh nhân sẽ ngủ trong quá trình nội soi và không biết cảm giác đau. Đây không phải phương pháp gây mê, trong chuyên môn gọi là tiền mê. Sau khi dùng thuốc ngủ, bệnh nhân sẽ cảm giác buồn ngủ, hơi chóng mặt, dễ quên, tất cả các cảm giác này sẽ hết khi thuốc ngủ hết tác dụng, thường từ 1-2 giờ. Ngay sau khi soi bệnh nhân có thể ăn uống bình thường nếu BS không có dặn dò gì khác.

Bệnh nhân sẽ được biết kết quả soi ngay sau khi soi. BS sẽ tư vấn cho bệnh nhân kết quả soi và hướng điều trị. Trong khi soi nếu có polyp hoặc các sang thương nghi ngờ, BS sẽ cắt bỏ Polyp hoặc sinh thiết các sang thương. Việc cắt hoàn toàn polyp sẽ ngăn ngừa được ung thư đại tràng trong tương lai. BS sẽ gởi các mô cắt được cho giải phẩu bệnh và bệnh nhân sẽ được hẹn tái khám 5-7 ngày sau để đọc kết quả giải phẫu bệnh.

Bác sĩ Trần Hiền Trung: Chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật phòng khám Victoria Healthcare