Chia sẻ

NỘI SOI BÀNG QUANG  – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

By Victoria Healthcare 04 Tháng 9 2019

NỘI SOI BÀNG QUANG  – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Nội soi là phương pháp rất phổ biến hiện nay và được sử dụng cho nhiều bộ phận trong cơ thể như: dạ dày, đại tràng, tai mũi họng...Trong những năm gần đây chúng ta thường nghe đến thuật ngữ nội soi bàng quang. Kỹ thuật này áp dụng cả trong chẩn đoán lẫn điều trị bệnh đường tiết niệu. Đây là phương pháp dùng để xem bên trong bàng quang (nơi chứa nước tiểu) và niệu đạo (ống dẫn tiểu), giúp bác sĩ kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và tình trạng của các bệnh lý tại các bộ phận này. 

1. Các bệnh lý cần nội soi bàng quang:

TIỂU MÁU

  • Chẩn đoán nguyên nhân gây tiểu máu, trong trường hợp tiểu máu đại thể, tiểu máu tái phát nhiều lần.

KHỐI U ÁC TÍNH

  • Tầm soát, kiểm tra bướu bàng quang, bướu niệu mạc đường tiểu trên, bướu niệu đạo, xét nghiệm tế bào học nước tiểu.
  • Trong các trường hợp có các khối u ở vùng chậu nhằm khảo sát sự xấm lấn, chèn ép của khối u với bàng quang và niệu quản.
  • Theo dõi sau khi điều trị bướu bàng quang thể nông (giai đoạn sớm).

HỘI CHỨNG RỐI LOẠN ĐƯỜNG TIỂU DƯỚI

  • Rối loạn tiểu tiện: tiểu khó, kích thích đi tiểu…
  • Nhiễm trùng tiểu tái phát nhiều lần
  • Bàng quang tăng hoạt, bàng quang hỗn loạn thần kinh.
  • Các trường hợp tiểu không kiểm soát.
  • Chẩn đoán và điều trị viêm bàng quang kẽ.
  • Đau mạn tính vùng chậu
  • Hẹp cổ bàng quang, hẹp niệu đạo

CÁC CHỈ ĐỊNH KHÁC

  • Chấn thương bàng quang
  • Xuất tinh ra máu
  • Vô tinh do tắc nghẽn
  • Gắp dị vật, sỏi nhỏ trong lòng bàng quang
  • Nghi ngờ bị lao niệu – sinh dục.
  • Trào ngược bàng quang – niệu quản, nang niệu quản
  • Rò bàng quang  – âm đạo hoặc rò bàng quang – ruột.
  • Các trường hợp bất thường về giải phẫu và cấu trúc của đường tiểu dưới: túi thừa bàng quang, túi thừa niệu đạo, sỏi niệu đạo, sỏi bàng quang, dị vật trong lòng bàng quang…

Không dừng lại ở đó, nội soi bàng quang có thể tham gia điều trị trong các bệnh lý phức tạp hơn như: cắt đốt nội soi tuyến tiền liệt; cắt đốt nội soi và hóa trị tại chỗ đối với bướu bàng quang nông, chụp niệu quản – bể thận ngược dòng.

Tuy nhiên, các trường hợp sau không được chỉ định nội soi bàng quang: viêm niệu đạo cấp, viêm tuyến tiền liệt cấp tính, viêm tinh hoàn – mào tinh hoàn cấp, sốt do nhiễm trùng đường tiết niệu, rối loạn đông máu.

BU1-2.jpg

2. Các yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang

 

- Nguy cơ mắc ung thư bàng quang tăng lên khi người ta già đi. Những người dưới 40 tuổi hiếm khi mắc căn bệnh này.

 

- Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn người không hút thuốc 2-3 lần. Người hút thuốc lá tẩu hoặc xì gà còn có nguy cơ cao hơn.

 

- Một số công nhân có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn do tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư ở nơi làm việc. Công nhân trong ngành cao su, hóa chất và thuộc da có nguy cơ cao. Nhân viên làm đầu, thợ máy, công nhân kim khí, thợ in, họa sĩ, công nhân ngành dệt may và tài xế lái xe tải cũng có nguy cơ cao.

- Người bị nhiễm một số loại kí sinh trùng nhất định có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư bàng quang. Những loại kí sinh trùng này thường phổ biến ở những vùng nhiệt đới.

- Chế độ điều trị có sử dụng cyclophosphamid hoặc arsenic: Những loại thuốc này được sử dụng để điều trị ung thư và một số tình trạng bệnh khác. Chúng làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.

 

- Những người có thành viên trong gia đình bị ung thư bàng quang có vẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu những thay đổi trong một số gene nhất định có thể gây tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.

Nam giới có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn ở nữ giới 2-3 lần. Người da trắng có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao gấp 2 lần người Mỹ gốc Phi và người Tây Ban Nha. Tỉ lệ mắc thấp nhất là ở người châu Á.

3. Từ sự đa dạng thủ thuật đến sự đơn giản trong thực hiện

Tùy theo từng hiện trạng bệnh lý, bác sĩ niệu khoa sẽ có những chỉ định về những thủ thuật cần áp dụng trong nội soi bàng quang. Ví dụ:

  • Sinh thiết bàng quang: chẩn đoán xác định bướu ác bàng quang, viêm bàng quang kẽ, lao bàng quang. Không áp dụng trong trường hợp viêm bàng quang cấp tính do lao.
  • Đặt thông niệu quản: chỉ định trong trường hợp cần xác định để đánh giá tình trạng thông suốt của niệu quản (hẹp niệu quản).
  • Lấy dị vật và sỏi bàng quang qua ngã niệu đạo.
  • Lấy thông niệu quản hay thông Double J đặt lưu trong bàng quang.

Thời gian thực hiện các thủ thuật này tùy thuộc vào độ phức tạp của bệnh lý, đối với các trường hợp bệnh lý nhẹ, đơn giản sẽ mất khoảng 10 – 15 phút cho cả quy trình. Ưu điểm của nội soi bàng quang đó là không dùng biện pháp gây mê mà thay vào đó sẽ dùng gel thoa gây tê tại chỗ, do đó bệnh nhân có thể về ngay sau khi hoàn tất quy trình nội soi.

4. Nội soi bàng quang ở trẻ em

Các trường hợp ở trẻ em sẽ được chỉ định thực hiện nội soi nhằm chẩn đoán các bệnh lý như:

  • Bất thường bẩm sinh: túi thừa bàng quang, tồn tại ống niệu rốn, nang niệu quản, van niệu đạo sau, hẹp niệu đạo, niệu đạo đôi…
  • Nghi ngờ tắc nghẽn đường tiểu dưới
  • Tiểu máu; tiểu không kiểm soát kéo dài
  • Xoang niệu dục (tồn tại ổ nhớp), rối loạn biệt hóa giới tính
  • Theo dõi sau khi tạo hình bàng quang, chuyển lưu nước tiểu.

Một số trường hợp có thể sẽ điều trị bằng nội soi như: Ngược dòng bàng quang – niệu quản, Bàng quang hỗn loạn thần kinh, Nang niệu quản, Van niệu đạo sau, Hẹp niệu đạo.

(Nguồn: Campbell-Walsh Urology)

Bác sĩ NGUYỄN TRÍ QUANG

Chuyên gia Tiết niệu & Nam khoa phòng khám quốc tế Victoria Healthcare