Chia sẻ

TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN - NHỮNG TRIỆU CHỨNG DỄ NHẬN THẤY NHƯNG CŨNG DỄ BỊ BỎ QUA

By Victoria Healthcare 05 Tháng 9 2023

TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN - NHỮNG TRIỆU CHỨNG DỄ NHẬN THẤY NHƯNG CŨNG DỄ BỊ BỎ QUA

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh tiêu hóa phổ biến hàng đầu nước ta. Tại Việt Nam, theo ước tính có hơn 7 triệu người đang mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản và con số này còn có xu hướng tăng. 

Có rất nhiều triệu chứng của trào ngược dạ dày thường bị xem nhẹ và hiểu nhầm sang các bệnh lý khác về hô hấp, tim mạch,...từ đó dẫn đến biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe

Hiểu đúng về bệnh trào ngược dạ dày thực quản 

Trào ngược dạ dày thực quản hay còn gọi là trào ngược axit dạ dày, là hiện tượng dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản hoặc lên tới khoang miệng. Cơn trào ngược do axit của bệnh gây ra cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh.

Nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản

  • Do cơ vòng thực quản dưới hoạt động kém
  • Thói quen nằm ngay sau khi ăn
  • Hút thuốc lá
  • Béo phì

Những triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày thực quản có rất nhiều triệu chứng thường bị mọi người xem nhẹ và nhầm lẫn qua các bệnh lý khác. Dưới đây là các triệu chứng nổi bật của căn bệnh này. Nếu gặp một trong những dấu hiệu dưới đây người bệnh nên đến gặp bác sĩ để có kết luận chính xác nhất:

  • Ợ chua, ợ hơi, ợ nóng
  • Cảm thấy nóng rát ở vùng thượng vị lan lên trên, phía sau xương ức
  • Cảm giác đắng miệng
  • Nôn hoặc có cảm giác buồn nôn khi ăn no 
  • Cảm thấy vướng nghẹn ở cổ, khó nuốt thức ăn, mức độ tăng dần từ thức ăn dạng lỏng đến thức ăn dạng đặc
  • Đau ngực: người bệnh cảm thấy như bị bóp nghẹn, đau thắt ở giữa ngực lan ra sau lưng. Triệu chứng này hay bị nhầm lẫn với bệnh lý về tim mạch.

Biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản ảnh hưởng tới cuộc sống ra sao? 

  • Gây viêm loét, xuất huyết thực quản: đây là biến chứng phổ biến nhất, do tình trạng trào ngược dịch vị lên trên lâu ngày làm tổn thương niêm mạc và gây viêm, loét.
  • Hẹp thực quản: Tình trạng này xuất hiện khi những chỗ viêm do trào ngược kéo dài tạo mô sẹo trong thực quản, gây tắc đường vận chuyển của thức ăn và gây triệu chứng nuốt khó, nuốt nghẹn.
  • Barrett’s thực quản (tiền ung thư thực quản): Tình trạng viêm nếu kéo dài sẽ hình thành nên 1 biến chứng được gọi là thực quản Barrett. Biến chứng này chỉ xảy ra ở 8 - 15% bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản nhưng lại cực kỳ nguy hiểm bởi sau một thời gian chúng có thể dẫn đến ung thư thực quản. 

Do dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, người bệnh thường có xu hướng tự ý dùng thuốc để điều trị. Dùng thuốc dạ dày trong thời gian dài gây hiện tượng kháng thuốc. Thêm đó, trào ngược dạ dày không tự hết khi các triệu chứng biến mất mà âm thầm kéo dài gây ảnh hưởng về sau. Dịch axit trào lên đường hô hấp có thể gây viêm họng, ho và khiến bệnh hen suyễn nặng hơn. Một số trường hợp người bệnh còn mắc một số bệnh liên quan tới các cơ quan ở vùng hầu họng như viêm xoang, viêm tai giữa,.. 

Đối tượng nào dễ mắc bệnh hơn cả?

Tất cả mọi độ tuổi từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên dưới đây là một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc trào ngược dạ dày thực quản cao hơn:

  • Thừa cân béo phì 
  • Phụ nữ trong thai kỳ: khi tử cung mở rộng có thể gây chèn ép lên các bộ phận tiêu hóa
  • Những người có thói quen hút thuốc hoặc hút thuốc thụ động: khi khói thuốc vào cơ thể xuống dạ dày sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày 
  • Người có lối sống không lành mạnh: ăn nhiều đồ dầu mỡ, cay, nóng, thức khuya, lười vận động. Bên cạnh đó, căng thẳng mệt mỏi trong công việc cũng là yếu tố gây nên các bệnh lý về dạ dày.
  • Ở trẻ sơ sinh có thể gặp một số yếu tố bẩm sinh gây khò khè, nôn, khó nuốt. Những vấn đề này thường sẽ giảm hoặc biến mất khi bé lớn. Nhưng nếu tình trạng trên kéo dài thì gia đình nên đưa bé đến gặp bác sĩ để có kết luận chính xác nhất.

Phòng tránh trào ngược dạ dày thực quản - nên làm gì và tránh những gì?

Để hạn chế mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh nên hạn chế:

  • Sử dụng đồ ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ
  • Nhóm các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá, cà phê,...
  • Nhóm các loại thức ăn hoặc nước uống có độ acid cao như: nước ngọt có gas, thức ăn chua, cay, nóng...
  • Các thói quen xấu như thức khuya, ăn quá no, nằm ngay sau khi ăn,...

Để phòng ngừa tối đa nguy cơ mắc bệnh, mọi người nên:

  • Bổ sung thêm chất xơ và protein cho bữa ăn
  • Không ăn quá no, có thể chia thành 4-5 bữa ăn nhỏ
  • Chỉ nằm xuống sau khi ăn 2 - 3 tiếng
  • Có chế độ tập luyện thể dục thể thao và nghỉ ngơi hợp lý

Ngoài những yếu tố trên, chúng ta nên quan sát và theo dõi các biểu hiện của cơ thể mỗi ngày.

Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nên chủ động đến gặp bác sĩ và thực hiện nội soi dạ dày theo chỉ định nếu có. Đây được xem là phương pháp an toàn, có tính chính xác cao và phổ biến nhất hiện nay, để tìm ra nguyên nhân, xác định chính xác mức độ bệnh lý và có sự can thiệp điều trị kịp thời.