Chia sẻ
KHÔNG NÊN LO LẮNG KHI KẾT QUẢ SIÊU ÂM LÀ GAN NHIỄM MỠ
By Victoria Healthcare 24 Tháng 7 2019
Gan nhiễm mỡ là tình trạng tế bào gan tích tụ một lượng mỡ nhiều hơn từ 5 đến 10% cân nặng của gan. Để xác định gan có nhiễm mỡ hay không thì phải được tính toán dựa trên các chỉ số đo được của gan. Tuy nhiên, hơn 95% trường hợp có kết quả "gan nhiễm mỡ" chỉ được chẩn đoán qua phương pháp siêu âm, điều này khiến không ít người hoang mang.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả gan nhiễm mỡ (GNM). Đó có thể do các bệnh lý về chuyển hóa, thói quen uống nhiều rượu bia, do sự rối loạn dinh dưỡng và cả việc dùng thuốc. Bệnh GNM có dấu hiệu ngày càng tăng do môi trường và thói quen ăn uống của chúng ta đã thay đổi. Chúng ta không còn phải ăn uống kiêng khem, dè chừng mà bắt đầu nhận thức được ăn ngon, ăn no... Bên cạnh đó, việc các quán nhậu mọc lên ngày càng nhiều và thói quen của không ít doanh nhân là bàn việc trên bàn nhậu. Tuy nhiên tất cả các nguyên nhân nói trên cũng không thể khiến cho GNM trở thành một "đại dịch" như con số thống kê cho thấy rằng hiện có hơn 90% các trường hợp khám sức khỏe có kết quả siêu âm là GNM.
Thực tế thì để xác định gan chúng ta có thực sự nhiễm mỡ hay không thì phải thông qua các xét nghiệm máu để kiểm tra men gan có cao hay không (dựa trên các chỉ số về SGOT, SGPT, GGT) và chính xác nhất là bằng cách sinh thiết gan để soi trên kính hiển vi nhằm tính phần trăm (%) số tế bào chứa các hạt mỡ. Chúng ta cũng cần hiểu thêm rằng, GNM cũng được chia thành: GNM cấp độ I, độ II, độ III, độ IV. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, bác sĩ có thể cho bạn làm thêm các xét nghiệm như: chụp CT, MRI, thử viêm gan siêu vi B - C...
Điều này cho thấy, chúng ta không thể chỉ nhìn qua hình ảnh gan đơn thuần khi siêu âm mà có thể biết gan nhiễm mỡ hay không. Thực sự, các kết quả siêu âm ghi "gan nhiễm mỡ" chỉ là một cách mô tả của các bác sĩ siêu âm về độ phản âm của chủ mô gan và so sánh với các cơ quan khác như thận chẳng hạn. Do đó, đây cũng không hẳn là do trình độ của bác sĩ siêu âm yếu kém, mà chỉ là một hiểu lầm về cách diễn giải giữa bác sĩ và bệnh nhân.
Phần lớn các trường hợp GNM không có triệu chứng và hầu hết bệnh nhân bị GNM đều ở độ tuổi trung niên và bị dư cân. Bệnh nhân thường được phát hiện tình trạng gan to hoặc men gan cao thông qua việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ hoặc một số trường hợp được phát hiện khi chỉ định chụp cắt lớp điện toán để tầm soát một bệnh khác. Tuy nhiên, một số gợi ý để bạn nghĩ đến khả năng mình bị viêm gan khi có những dấu hiệu sau: mệt mỏi và cảm giác khó chịu ở vung thượng vị phải, nếu tình trạng nặng có thể sẽ bị vàng da, đau bụng, buồn nôn, ói mửa và gan hơi to. Tùy theo nguyên nhân khác nhau, mỗi trường hợp sẽ có những triệu chứng toàn thân hoặc dấu hiệu đặc trưng của nguyên nhân đó.
GNM quá mức có thể dẫn đến viêm gan, tình trạng này gọi là viêm gan do nhiễm mỡ và đây cũng chính là nguyên nhân gây tổn thương gan. Nếu viêm gan do nhiễm mỡ có liên quan đến chứng nghiện rượu , bia thì được gọi là viêm gan mỡ do rượu. Mặt khác cũng có tình trạng viêm gan do nhiễm mỡ nhưng lại không liên quan đến bia rượu thì được gọi là viêm gan mỡ không do rượu (NASH).
Việc điều trị GNM không thể chỉ điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật, đặc biệt là nếu GNM không do rượu. Những điều mà bệnh nhân cần thực hiện là:
- Giảm cân.
- Thay đổi chế độ ăn theo hướng dẫn bác sĩ, chẳng hạn như: giảm mỡ trong ăn uống, dùng thuốc giảm mỡ hay cả hai phương pháp hoặc thực hiện chế độ ăn cân đối và đầy đủ về chất dinh dưỡng.
- Bắt buộc kiêng rượu bia, thuốc lá.
- Tăng cường các hoạt động nâng cao thể lực, tích cực chơi thể thao.
- Theo dõi tái khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa gan.
Những lời khuyên trên đây tuy đơn giản nhưng không dễ thực hiện, cần một sự quyết tâm nhất là trong việc thay đổi nếp ăn uống, thói quen sinh hoạt hằng ngày. Thực tế điều trị cho thấy rất nhiều bệnh nhân không thể thay đổi thói quen của mình nên tiến trình điều trị không đạt hiệu quả, gây tốn kém về chi phí, thời gian và cả tinh thần của bệnh nhân.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bài viết của bác sĩ Nguyễn Vĩnh Tường, khoa tiêu hóa gan mật phòng khám Victoria Healthcare