Chia sẻ

KHÁM TẦM SOÁT DẬY THÌ SỚM Ở TRẺ - THỜI ĐIỂM NÀO PHÙ HỢP?

By Victoria Healthcare 28 Tháng 7 2022

KHÁM TẦM SOÁT DẬY THÌ SỚM Ở TRẺ - THỜI ĐIỂM NÀO PHÙ HỢP?

KHÁM TẦM SOÁT DẬY THÌ SỚM Ở TRẺ - THỜI ĐIỂM NÀO PHÙ HỢP?

BS Lê Thúy Anh, chuyên Nhi khoa - Hệ thống phòng khám đa khoa Victoria Healthcare 

Hiện nay, vấn đề dậy thì sớm ở trẻ nhận được rất nhiều sự quan tâm của phụ huynh. Hầu hết khi đi khám dinh dưỡng, phụ huynh đều chia sẻ mong muốn con phát triển tốt, tăng trưởng chiều cao đều. 

Do đó, ba mẹ rất sợ trẻ gặp phải vấn đề dậy thì sớm, ảnh hưởng đến sự phát triển khung xương, chiều cao cuối cùng của trẻ. Ở các bé gái, phụ huynh lo ngại trẻ có kinh nguyệt sớm, khó khăn hơn trong việc chăm sóc và hướng dẫn đúng và đủ cho trẻ hoặc có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Thời điểm nào cần tầm soát dậy thì sớm ở trẻ? 

Việc khám tầm soát phụ thuộc vào việc khi nào trẻ bắt đầu có biểu hiện của dậy thì sớm, thường là trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất mà ba mẹ cần đưa bé đến phòng khám tầm soát:

  • Ở bé gái: Những thay đổi dễ nhận thấy nhất và thường gặp nhất là phát triển ngực (Khi tuyến vú phát triển, hiện tượng đầu tiên là núm vú nổi lên ở 1 hoặc 2 bên, sau đó núm vú to lên rõ, quầng vú rộng và thẫm màu dần), sự tăng trưởng chiều cao vượt trội, xuất hiện những đặc tính sinh dục thứ phát như trẻ mọc lông mu, lông nách, có kinh nguyệt …
  • Ở bé trai: Tăng kích thước tinh hoàn (đây là dấu hiệu sớm nhất: đường kính lớn nhất lớn hơn 2,5 cm, thể tích tinh hoàn trên 4 ml), dương vật và bìu phát triển, xuất hiện lông mu (các hiện tượng này thường đến sau sự phát triển tinh hoàn khoảng một năm) tăng trưởng chiều cao vượt trội, gia tăng chiều rộng vai, thay đổi giọng nói, có sự xuất hiện của tinh trùng trong mẫu nước tiểu vào sáng sớm xuất hiện trứng cá, mọc râu.

Thứ tự xuất hiện các triệu chứng dậy thì có thể bình thường như trong tiến triển dậy thì sinh lý:

  • Nữ: tuyến vú → lông sinh dục→ kinh nguyệt
  • Nam: tinh hoàn → dương vật→ lông sinh dục 

Tuy nhiên, trong DTS ngoại biên: kinh nguyệt là dấu hiệu đầu tiên. Nếu thấy những dấu hiệu trên thì ba mẹ nên đưa trẻ đi tầm soát dậy thì sớm.

Khám tầm soát dậy thì sớm ở trẻ là khám những mục nào?

Khai thác về các biểu hiện triệu chứng của trẻ và thăm khám tình trạng hiện tại của trẻ: 

  • Xác định thời điểm bắt đầu khởi phát dậy thì để xem trẻ thực sự có dậy thì sớm hay không
  • Khai thác về chiều cao hiện tại và tốc độ tăng chiều cao của trẻ
  • Chụp x quang xương bàn tay đánh giá tuổi xương của trẻ
  • Siêu âm buồng trứng và tử cung (ở nữ), siêu âm tinh hoàn( ở nam)
  • Xét nghiệm nội tiết tố: Nồng độ FSH, LH nền, Nồng độ estradiol (nữ) và testosterone (nam) 
  • Hoặc/ và một số xét nghiệm chuyên sâu hơn nhắm đưa ra chẩn đoán xác định hoặc xác định đúng nguyên nhân gây ra dậy thì sớm.

Để đánh giá một trẻ “Dậy thì sớm” (DTS) cần phải trả lời các câu hỏi sau:

  1. Trẻ nào cần được đánh giá? Cần phải đánh giá cẩn thận tất cả các trẻ phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát trước 8 tuổi ở trẻ nữ và trước 9 tuổi ở trẻ nam.
  2. Phân loại DTS là gì? Bước đầu tiên của việc đánh giá là phải phân biệt những trường hợp những biến thể của dậy thì bình thường hay còn gọi là DTS 1 phần (như tăng sinh tuyến vú đơn độc, trưởng thành sớm tuyến thượng thận) với DTS bệnh lý Kế tiếp cần xác định đây là DTS trung ương hay DTS ngoại biên.
  3. DTS này tiến triển có nhanh hay không? Tốc độ phát triển dậy thì phản ánh mức độ và thời gian tiếp xúc với các hormone sinh dục. 

Quyết định điều trị Dậy thì sớm

Không phải tất cả các bé có chẩn đoán dậy thì sớm đều cần được điều trị . Mục tiêu của điều trị DTS trung ương là cho phép trẻ đạt được chiều cao bình thường sau khi trưởng thành. 

Do đó, quyết định điều trị dựa vào tiên đoán lợi ích về chiều cao mà điều trị đem lại. Quyết định điều trị DTS trung ương với aGnRH phụ thuộc vào tuổi của trẻ, tốc độ tiến triển của dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao và ước lượng chiều cao của trẻ sau khi trưởng thành, mức độ ảnh hưởng  của việc dậy thì lên vấn đề tâm sinh lý của trẻ.

  • Tuổi: trẻ khởi phát dậy thì càng sớm thì tiến trình trưởng thành càng nhanh kéo theo cốt hóa sớm sụn đầu xương làm giảm mạnh chiều cao của trẻ sau khi trưởng thành nếu trẻ không được điều trị.
  • Tốc độ tiến triển: nếu DTS tiến triển chậm sẽ không ảnh hưởng đến tiềm năng chiều cao của trẻ sau khi trưởng thành. Tiến triển của dậy thì được gọi là chậm nếu không có thay đổi phân độ phát triển của vú, hệ thống lông mu và cơ quan sinh dục ngoài trong ít nhất sáu tháng quan sát. Tốc độ phát triển chiều cao được xem như tăng nhanh nếu tăng nhiều hơn 6cm/năm.
  • Tiên đoán chiều cao: dựa vào chiều cao hiện tại của trẻ, tốc độ phát triển chiều cao và tuổi của xương

Nếu các bác sĩ chuyên khoa nhận thấy trẻ được lợi ích từ việc điều trị, các bác si sẽ trao đổi với gia đình về mục tiêu có thể đạt được, những lựa chọn điều trị và giải thích về nguy cơ.

Lợi ích của việc khám tầm soát dậy thì sớm? 

Thực hiện khám sàng lọc và chẩn đoán, tầm soát dậy thì sớm ở trẻ mang lại những lợi ích:

- Giúp cải thiện chiều cao của trẻ. Thông thường trẻ dậy thì quá sớm sẽ xuất hiện giai đoạn dậy thì ngắn. Ban đầu, trẻ sẽ cao lớn hơn so với các bạn đồng trang lứa, tuy nhiên giai đoạn này không kéo dài, và khi nó kết thúc, trẻ chậm phát triển lại. 

- Giúp trẻ ngừng trưởng thành sinh dục, giảm nguy cơ quan hệ tình dục sớm, đồng thời giúp trẻ phòng tránh tình trạng lạm dụng tình dục. 

- Dự phòng những rối loạn tâm lý có thể xảy ra ở trẻ. Nhất là với những thay đổi sớm trên cơ thể khiến trẻ có tâm lý ngại ngùng, xấu hổ vì cảm thấy khác biệt so với bạn bè. Điều này dễ dẫn đến tâm lý tự ti, dễ mặc cảm, lo lắng, ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ. Nghiêm trọng hơn có thể khiến trẻ bị trầm cảm, đôi khi để lại di chứng tâm lý đến lúc trưởng thành. 

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ dậy thì sớm?

Đây là giai đoạn mà cha mẹ cần theo dõi và đồng hành cùng con để kịp thời nhận ra những thay đổi về thể chất lẫn tinh thần. Cha mẹ hãy nhớ đừng chủ quan cho rằng việc dậy thì sớm chỉ là phát triển sinh lý bình thường. Đôi khi vì xấu hổ trước những thay đổi của cơ thể lẫn tâm sinh lý, trẻ không dám nói với người thân trong gia đình. Trẻ tự khép mình, tự “đối mặt”, từ đó dễ dẫn đến tâm lý tiêu cực. 

- Phụ huynh nên kiên nhẫn giải thích, giúp trẻ hiểu và không lo lắng trước những thay đổi của cơ thể mình. Cha mẹ cũng cần phải học, tìm kiếm các thông tin chính thống, trang bị đầy đủ kiến thức để đưa ra lời giải thích đơn giản nhất cho trẻ. 

Trong quá trình này, cha mẹ hãy luôn tạo năng lượng tích cực giúp tâm lý trẻ thoải mái như khen ngợi những thành tích trẻ đạt được, bao dung đúng cách cho những sai lầm của trẻ, tránh nhận xét không hay về ngoại hình của trẻ khi có dấu hiệu dậy thì sớm.

- Đồng thời, cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám và tầm soát, điều trị dậy thì sớm kịp thời. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân khác nhau mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, tư vấn thói quen ăn uống, tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm vóc và tâm lý của trẻ.

Dù bé có gặp vấn đề dậy thì sớm, cha mẹ hãy luôn là bạn của con, mỗi quá trình phát triển của trẻ đều cần sự đồng hành của cha mẹ.

-----

💞 Chăm sóc sức khỏe trẻ em, đặc biệt là việc Khám sức khỏe định kỳ ở trẻ không giống như khám sức khỏe định kỳ của người lớn. VICTORIA HEALTHCARE cam kết mang đến những thông tin Y khoa chính thống và hữu ích giúp các bậc cha mẹ nuôi con khỏe mạnh.
Các bác sĩ Nhi khoa tại VICTORIA HEALTHCARE sẽ đưa ra những tư vấn, các phương pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả và phù hợp nhất cho từng đứa trẻ.
📲 Quý phụ huynh có thể đặt lịch thăm khám và tầm soát Dậy thì sớm cho trẻ qua Hotline 028 3910 4545
🎁 Tham khảo các gói khám chăm sóc sức khỏe trẻ em TẠI ĐÂY