Chia sẻ
HIỂU VỀ CÁC NGUYÊN TẮC CHỦNG NGỪA CHO TRẺ
By Victoria Healthcare 31 Tháng 8 2020
KHOẢNG CÁCH TỐI THIỂU GIỮA CÁC MŨI VACCINE
Thực tế, đa số các lịch chích ngừa đều tương tự nhau và chỉ có một số khác biệt nho nhỏ. Vấn đề là cha mẹ chỉ cần nắm được một số nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất là biết THỜI ĐIỂM SỚM NHẤT có thể chích hoặc uống một loại vaccine nào đó và KHOẢNG CÁCH TỐI THIỂU GIỮA HAI LIỀU CÙNG LOẠI VACCINE.
Ví dụ: Vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 thì chích liều đầu sớm nhất là lúc trẻ được 6 tuần tuổi, liều thứ hai cách liều đầu tối thiểu 4 tuần. Do vậy, các cha mẹ không nhất thiết phải đợi đến 2 tháng mới chích cho bé như trong lịch chủng ngừa. Mặt khác, khoảng cách thời gian TỐI THIỂU giữa 2 liều của vaccine này là 4 tuần (chứ không phải tối đa) nên lịch chủng ngừa 3 tháng liên tiếp nhau hay lịch chích lúc 2-4-6 tháng tuổi đều bảo đảm hai liều cách nhau TỐI THIỂU là 4 tuần lễ)
Cũng dựa trên nguyên tắc khoảng cách thời gian tối thiểu giữa hai liều vaccine cùng loại, nên cho dù trẻ đi chích ngừa có trễ hơn so với lịch hẹn thì trẻ cũng chỉ cần CHÍCH TIẾP NHỮNG LIỀU CÒN LẠI, không cần phải chích nhắc lại từ mũi đầu tiên.
Ví dụ: Nếu bé đã chích ngừa Viêm gan B liều 1 và liều 2 xong, cho dù bố mẹ quên lịch chủng ngừa liều 3 của bé cả năm trời thì lúc nhớ ra vẫn có thể cho trẻ chích nốt liều 3 mà không cần phải chích lại từ đầu.
Khoảng cách thời gian tối thiểu 4 tuần này chỉ áp dụng đối với:
- Cùng một loại vaccine: ví dụ cùng là vaccine bạch hầu thì mũi 2 cách mũi đầu 4 tuần
- Hai loại vaccine sống giảm độc lực dạng chích khác nhau MÀ ĐƯỢC CHÍCH KHÁC NGÀY. Hiện nay chỉ có các loại vaccine sống dạng chích là: MMR (Sởi-Quai bị-Rubella) và trái rạ (Thủy đậu)
NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG ÁP DỤNG KHOẢNG CÁCH THỜI GIAN TỐI THIỂU GIỮA HAI MŨI:
- Chích trong cùng một ngày đối với hai hay nhiều loại vaccine sống dạng chích
- Giữa hai loại vaccine bất hoạt khác nhau hoặc giữa một vaccine sống dạng chích và một vaccine bất hoạt thì không tính khoảng cách tối thiểu 4 tuần.
- Ví dụ: Trẻ được chích Viêm gan B thứ Hai, thứ Ba có thể chích Viêm gan A, thứ Tư chích có thể chích bạch hầu hay ho gà… Hoặc thứ Hai chích ngừa Viêm gan A, thứ Ba có thể chích Sởi-Quai bị-Rubella mà không vấn đề gì.
TRẺ CÓ THỂ CHÍCH ĐƯỢC NHIỀU VACCINE CÙNG LÚC
Hệ miễn dịch của trẻ có thể tiếp nhận đến 10.000 kháng nguyên cùng một lúc. Thế nhưng tổng số vaccine trong thực tế hiện nay chỉ chiểm một phần vô cùng nhỏ so với khả năng đáp ứng hệ miễn dịch của trẻ, vì thế có thể chích bao nhiêu vaccine cùng lúc cho bé đều được, miễn thỏa mãn điều kiện TUỔI TỐI THIỂU ĐƯỢC CHÍCH VÀ KHOẢNG CÁCH THỜI GIAN TỐI THIỂU.
Chích nhiều vaccine cùng lúc sẽ giúp cho trẻ được bảo vệ kịp thời đối với nhiều loại bệnh truyền nhiễm có thể ngừa được bằng vaccine.
MỘT SỐ CHỐNG CHỈ ĐỊNH KHÔNG THỎA ĐÁNG TRONG CHÍCH NGỪA
Trong thực tế, chỉ có một số rất ít những chống chỉ định để không chích ngừa một loại vaccine nào đó như:
- Trẻ dị ứng năng với vaccine (sốc phản vệ) thì không được chích vaccine đó lần sau
- Trẻ bị co giật hay khóc thét liên tục trên ba giờ sau khi chích vaccine ho gà thì cũng không nên chích tiếp ho gà
TRẺ VẪN CÓ THỂ CHÍCH NGỪA ĐƯỢC, NẾU NHƯ:
- Trẻ bị đau, đỏ, sưng sau khi chích bạch hầu-ho gà-uốn ván lần trước
- Trẻ bị sốt không quá 40,5 độ C sau khi chích bạch hầu-ho gà-uốn ván lần trước
- Trẻ bị bệnh nhẹ như: ho, cảm, tiêu chảy… mà không bị sốt
- Trẻ đang hồi phục từ những bệnh nhẹ như ho, cảm hay tiêu chảy (tức là trẻ bớt sốt mặc dù vẫn còn ho hay tiêu chảy)
- Trẻ mới tiếp xúc với một bệnh nhiễm trùng gần đây
- Trẻ đang uống kháng sinh
- Trẻ đang bú mẹ
- Trẻ sinh non
- Trẻ bị những bệnh dị ứng như: chàm, mề day, suyễn, viêm mũi dị ứng…
- Trẻ bị dị ứng nặng với trứng gà (sốc phản vệ) thì VỀ MẶT LÝ THUYẾT không nên chích vaccine cúm, vì vaccine cúm được sản xuất trong lòng đỏ trứng gà. Tuy nhiên, dựa trên rất nhiều bằng chứng nghiên cứu về chích ngừa cúm ở những người bị dị ứng trứng gà, Ủy ban tư vấn thực hành tiêm chủng của Mỹ (ACIP) và Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo vẫn chích ngừa cúm hàng năm cho TẤT CẢ TRẺ EM TỪ 6 THÁNG TUỔI TRỞ LÊN, ngay cả đối với người có dị ứng với trứng gà hay tiền sử sốc phản vệ với trứng gà.
(Bài viết của sử dụng hình ảnh từ Shutterstock)
BS. Nguyễn Trí Đoàn