Chia sẻ

HIỂU VỀ VIÊM TAI GIỮA VÀ PHƯƠNG PHÁP “CHỜ” TRONG CHỮA TRỊ VIÊM TAI GIỮA Ở TRẺ

By Victoria Healthcare 22 Tháng 3 2021

HIỂU VỀ VIÊM TAI GIỮA VÀ PHƯƠNG PHÁP “CHỜ” TRONG CHỮA TRỊ VIÊM TAI GIỮA Ở TRẺ
Bệnh viêm tai giữa (VTG) thường gặp nhất ở lứa tuổi nhỏ, đặc biệt là những bé đi nhà trẻ sớm. Bệnh này thường gặp ở trẻ em đến độ ở nước ngoài các bác sĩ Nhi là người có nhiều kinh nghiệm điều trị VTG hơn bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng. Các trường hợp VTG ở trẻ em đều được bác sĩ Nhi chẩn đoán bởi vì họ khám tai tất cả các bé. Tuy vậy, có một thực tế là hiếm có bác sĩ Nhi nào ở nước ta có thói quen khám tai cho bé, đặc biệt là những bé có triệu chứng nhiễm cảm siêu vi hay bị sốt, và do đó VTG chỉ được chẩn đoán khi bé có triệu chứng đau tai hay chảy mủ tai. Kết cục là thay vì trấn an các bậc cha mẹ, các bác sĩ thông thường sẽ đưa ra những chẩn đoán gây lo lắng với những biến chứng rất dễ làm nhụt lòng bất cứ ai. Và điều này hẳn không phải là cách thức tốt để điều trị VTG cho trẻ, cũng như cho cha mẹ trẻ.
HIỂU VỀ BỆNH VIÊM TAI GIỮA
Để hiểu rõ về bệnh VTG, ta cần biết cấu tạo cơ bản của tai giữa. Tai giữa là một khoang KHÔNG thông với tai ngoài, mà CHỈ thông xuống sau mũi họng qua một ống nhỏ gọi là vòi nhĩ hay vòi Eustache. Trong khoang tai giữa có ba chuỗi xương con. Âm thanh nghe được bên ngoài đập vào màng nhĩ, màng nhĩ rung truyền chấn động đi qua ba chuỗi xương con với đúng tần số đó để truyền rung động vào tai trong, để người có thể nghe được âm thanh.
Bình thường, tai giữa sẽ tiết dịch để chuỗi xương con hoạt động mềm mại. Dịch tiết ra đi theo ống thông xuống họng. Nếu gặp nguyên do nào đó làm cho ống thông bị tắc, dịch sẽ không còn đường thoát và ứ lại trong tai giữa. Trong cơ thể con người, bất cứ chỗ nào thông mà bị tắc lại thì dễ bị nhiễm trùng (giống như cống thoát nước, nếu thông thì không sao, nhưng nếu ứ lại thì sẽ có vấn đề, vi khuẩn sẽ sinh sôi nảy nở). Do đó, VTG xảy ra do tắc vòi nhĩ, gây ứ dịch trong tai giữa, dẫn đến nhiễm trùng tai giữa.
BIỂU HIỆN CỦA VIÊM TAI GIỮA
Nhiều cha mẹ thấy trẻ dùng tay nghịch ngợm chọc vào tai thì thường cho rằng trẻ bị VTG và vội vàng mang con đi khám. Điều này không thực sự chính xác. Nếu trẻ bị VTG, dịch ứ lại trong tai ép vào màng nhĩ, khiến màng nhĩ bị sưng phồng lên (giống như việc lên xuống một độ cao nào đó như cất cánh lên xuống máy bay chẳng hạn) gây ra đau tai. Do đó, để chẩn đoán VTG, cha mẹ nên căn cứ vào triệu chứng đau tai ở trẻ.
Nếu trẻ nhỏ bị VTG mà chưa nói được thì bé quấy khóc một cách vô cớ, càng nằm càng bị đau nhiều hơn nên bé khóc rất dữ, ngủ không yên. Còn trẻ đủ lớn để biểu đạt thì có thể cho ngón tay ngoáy tai và khóc. Trẻ đã biết nói thì sẽ nói bị đau tai. Vì những triệu chứng gợi ý đau tai trên không đặc hiệu và không đáng tin cậy nên bác sĩ phải khám tai trong mọi lần khám.
Ngoài triệu chứng đau tai, trẻ còn có thể có một số triệu chứng không đặc hiệu khác như sốt, ói, ù tai hay lùng bùng tai.
PHƯƠNG PHÁP "CHỜ" TRONG ĐIỀU TRỊ VTG Ở TRẺ
Hiện tại, ở Việt Nam, khi trẻ bị VTG, các bác sĩ hầu như vẫn còn sử dụng phương thức chữa trị của thế giới cách đây mười mấy năm, đó là cho trẻ uống kháng sinh. Tuy nhiên, cách chữa trị này đã không còn phù hợp với khuyến cáo hiện nay.
Phương thức chữa trị VTG của thế giới đã thay đổi vào khoảng 10 năm khi số liệu cho thấy có một số trẻ bị VTG một cách rõ ràng, chỉ uống thuốc giảm triệu chứng (hạ sốt, giảm đau) chứ không dùng kháng sinh điều trị nhưng trẻ vẫn tự khỏi bệnh sau 2-3 ngày theo dõi. Do đó, vào thời điểm đó, khuyến cáo điều trị dành cho trẻ bị VTG là lựa chọn “chờ”. Nghĩa là, nếu trẻ bị VTG, bác sĩ cần thảo luận với cha mẹ để có thể đưa ra quyết định lựa chọn giữa hai phương thức điều trị: phương thức “chờ” hoặc cho trẻ uống thuốc khàng sinh liều cao. Nếu cha mẹ lựa chọn uống kháng sinh thì bác sĩ sẽ kê đơn , tuy nhiên, tác dụng phụ của kháng sinh không tốt cho trẻ. Còn nếu cha mẹ đồng ý không dùng kháng sinh thì cho trẻ chờ. Và khuyến cáo này lúc đó chỉ áp dụng cho trẻ trên 2 tuổi.
Quay về thời điểm 10 năm trước tại Việt Nam, tôi cũng có áp dụng phương pháp “chờ” cho những trẻ bị VTG sau khi trao đổi thảo luận với cha mẹ trẻ đến khám. Tất nhiên,tôi có theo dõi và thường kiểm tra qua điện thoại với bà mẹ để xem tình trạng của trẻ biểu hiện như thế nào để phòng hờ những biến chứng khác. Và đúng là 2-3 ngày sau trẻ hết bệnh.
Trở lại với “câu chuyện thế giới”. Một vài năm sau thời điểm đó, người ta hạ lứa tuổi “chờ” xuống vì có những trẻ dưới 2 tuổi bị VTG không uống kháng sinh vẫn tự khỏi. Trong khoảng thời gian này, tôi cũng đã áp dụng “chờ” cho trẻ bị VTG dưới 2 tuổi nhưng dặn dò rất kỹ bà mẹ cách thức theo dõi và vẫn như lần trước là trẻ tự khỏi thật. Sau đó một thời gian nữa, khi tiếp tục có những số liệu mới, người ta giảm độ tuổi “chờ” xuống 1 tuổi. Sau một số năm nữa, tuổi “chờ” giảm xuống 6 tháng tuổi.
Do đó, hiện nay, nếu trẻ bị VTG mà 6 tháng tuổi trở lên, bác sĩ có thể thảo luận với cha mẹ để chờ. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, do chưa kiểm soát được tình trạng diễn tiến sức khỏe của trẻ, nên người ta đều cho trẻ uống kháng sinh. Nhưng sau đó, nghiên cứ của một số nước châu Âu đưa ra khuyến cáo là tất cả trẻ bị VTG đều nên “chờ”, không nên sử dụng thuốc kháng sinh cho bất cứ bệnh nhi nào. Hiện nay, y khoa Mỹ vẫn sử dụng “chờ” ở trẻ 6 tháng tuổi, còn các nước bên châu Âu – theo khuyến cáo của Hà Lan thì hầu hết trẻ bị VTG cũng cho chờ hết.
Tuy nhiên, phương pháp này đến hiện nay vẫn còn “mới” đối với cha mẹ ở Việt Nam, nên cũng có những mẹ không muốn “chờ”. Bên cạnh đó, nhiều bác sĩ cho rằng nếu để VTG không chữa ngay thì sẽ gây ra hiện tượng áp xe tai, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con… gây ảnh hưởng đến thính giác (sức nghe) và gây nguy hiểm cho trẻ, khiến nhiều cha mẹ lo lắng cho con uống kháng sinh ngay, nhưng điều này không đúng. Dựa trên nghiên cứu thống kê, trong khoảng 200.000 bé bị VTG không điều trị kháng sinh, thì có khả năng 1 bé bị biến chứng viêm xương chũm phía sau, còn biến chứng viêm màng não cực kỳ hiếm, có thể lên đến tỷ lệ 1/1.000.000. Tuy nhiên, cân nhắc giữa lợi và hại thì các bác sĩ nên đưa ra phương thức điều trị mang lại lợi ích cho cộng đồng, không nên chỉ vì xác suất hiếm mà điều trị kháng sinh cho cả 200.000 trẻ chỉ để đảm bảo cho một trẻ không bị biến chứng. Về thực chất, vấn đề này cũng giống như tiêm vaccine vậy, với tỉ lệ sốc phản vệ 1/1.000.000 mà không cho trẻ tiêm phòng thì rất có hại cho cộng đồng. Quan điểm của tôi vẫn là không muốn cho trẻ uống nhiều kháng sinh. Thế nên, tôi chỉ kê toa kháng sinh cho trẻ theo ý muốn của cha mẹ và khuyên rằng: nếu có thể, cha mẹ hãy cố gắng chờ khoảng 2-3 hôm, nếu trẻ không khỏi thì lúc đó cho trẻ uống kháng sinh vẫn không muộn.
Trong thời gian “chờ và theo dõi” này, cha mẹ có thể cho bé thuốc giảm triệu chứng đau (tức thuốc hạ sốt như paracetamol hay ibuprofen) cho dù bé không sốt nhưng bị đau tai quá gây khó chịu.
(Bài viết của sử dụng hình ảnh từ Shutterstock)