Chia sẻ
HIỂU VỀ CÁI MÁY LẠNH - PHẦN CUỐI
By Victoria Healthcare 17 Tháng 5 2021
Chuyện về cái máy lạnh – Phần cuối
CÁC BIỂU HIỆN BÌNH THƯỜNG CỦA CƠ THỂ KHI Ở TRONG MÔI TRƯỜNG NHIỆT ĐỘ LẠNH
Biểu hiện của cơ thể chúng ta từ môi trường nóng qua môi trường lạnh như rùng mình hay hắt xì hơi là một phản ứng sinh lý của cơ thể, gọi là viêm mũi vận mạch. Đó là hiện tượng mạch máu co lại khiến trong mũi tiết ra một số chất gây nên tình trạng hắt xì hơi. Khi cơ thể quen dần với nhiệt độ môi trường thì sẽ tự hết . Nguyên nhân không phải do siêu vi, nhưng nhiều người hiểu lầm , thấy triệu chứng hắc xì hơi thì gọi là cảm. Thế nên, nếu trẻ đi vào phòng lạnh và hắn xì hơi thì đó là biểu hiện bình thường của cơ thể.
Một vấn đề khác cũng thường làm cha mẹ lo lắng là trẻ nằm máy lạnh và sờ tay chân trẻ thấy lạnh. Thực ra, đây là chuyện hoàn toàn bình thường và không làm trẻ bị bệnh.Nếu quá lo lắng mà muốn kiểm tra chính xác trẻ có bị lạnh hay không , cha me nên kiểm tra ở phần thân của trẻ như bụng chẳng hạn. Nếu bạn chạm tay vào bụng trẻ và cảm thấy nhiệt độ bình thường thì trẻ hoàn toàn bình thường. Nếu trẻ bị lạnh, theo bản năng, trẻ sẽ tự tìm đến chỗ ấm (tương tự như khi trẻ bị nóng sẽ tìm đến chỗ mát).
Có một điều cha mẹ nên lưu ý, nằm máy lạnh lâu khiến mạch máu mũi bị khô giòn, dễ vỡ do không khí quá khô, có thể làm trẻ bị chảy máu cam. Do đó, cha mẹ nên giữ cho không khí đủ độ ẩm, có thể dùng một số máy tạo ẩm trong nhà, hoặc dùng một số loại gel để bôi vào niêm mạc mũi giúp giữ ẩm.
NHỮNG THẮC MẮC KHÁC VỀ CÁC VẤN ĐỀ CỦA CÁI MÁY LẠNH
Cha mẹ thắc mắc rằng, có một nhiệt độ phòng cố định nào cho trẻ hay không?
Câu trả lời của tôi là mỗi trẻ mỗi khác, nên không có nhiệt độ cụ thể cho từng trẻ, mà chỉ có một khoảng nhiệt độ thích hợp khiến trẻ cảm thấy dễ chịu mà thôi. Khoảng nhiệt độ đó tôi đã nói ngay ở đầu câu chuyện này.
Một thắc mắc khác tôi cũng thường gặp là có thể dùng nhiệt độ biểu thị trên điều khiển máy lạnh để tính nhiệt độ phòng được không?
Câu trả lời là không, bởi nhiệt độ biểu thị trên điều khiển không thể hiện được chính xác tình trạng nhiệt độ trong phòng . Ví dụ : ngoài trời đang mưa , bạn cài đặt 22°C thì thấy lạnh . Nhưng nếu trời đang nắng , cài đặt 22°C thì phòng vẫn rất nóng . Do đó, nhiệt độ phòng phải được đo bởi nhiệt kế để trong phòng..
Tuy nhiên, có nhiều cha mẹ vẫn cảm thấy không an tâm khi giảm nhiệt độ phòng một cách đột ngột. Với trường hợp này, cha mẹ có thể giảm nhiệt độ từ từ trong phòng cho đến khi đạt được nhiệt độ mà trẻ cảm thấy dễ chịu nhất. Ví dụ : bạn có thể giảm nhiệt độ từ 27 xuống 25°C, nếu con vẫn thấy nóng thì giảm tiếp xuống 23°C, rồi 21°C, cho đến khi con ngủ ngon là được. Đây là biện pháp nhằm để trấn an tâm lý cho cha mẹ . Còn bạn có giảm từ 27°C xuống 21°C cũng không gây ra vấn đề gì cho sức khỏe của trẻ, thậm chí, trẻ còn cảm thấy thích nữa là đằng khác (chỉ là trẻ chưa biết nói ra đó thôi!)
Bs. Nguyễn Trí Đoàn – Trích “ Để con được ốm”