Chia sẻ

ĐỘT QUỴ ĐANG “ĐIỂM MẶT GỌI TÊN” THẾ HỆ TRẺ

By Victoria Healthcare 11 Tháng 9 2023

ĐỘT QUỴ ĐANG “ĐIỂM MẶT GỌI TÊN” THẾ HỆ TRẺ

Đột quỵ luôn được biết đến là căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao và thường xảy ra với người cao tuổi. Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, bệnh lý đột quỵ đang trẻ hóa về độ tuổi với số lượng ca bệnh tăng cao. 

Không nắm rõ các yếu tố nguy cơ gây bệnh cũng như dấu hiệu của bệnh, không có tâm lý phòng ngừa là nguyên nhân khiến số ca bệnh ở người trẻ tăng nhanh.

Phân biệt các loại đột quỵ

Đột quỵ (hay còn gọi tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương não cấp tính, có nguy cơ gây thương tật và tử vong cao. Não có thể bị tổn thương theo 2 dạng:

  1. Đột quỵ xuất huyết (còn gọi là xuất huyết não)
  • Là hiện tượng khi mạch máu bị vỡ, khiến màu tràn ra ngoài, chèn ép lên các tế bào gây tổn thương cho não. 
  • Đây là dạng đột quỵ nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao với hơn 40% bệnh nhân tử vong và 10 - 15% trong số đó tử vong trước khi đến bệnh viện.

      2. Đột quỵ thiếu máu (còn gọi là thiếu máu não)

  • Là hiện tượng các mạch máu cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn, ngăn chặn lượng máu chảy lên não. 
  • Đây là dạng thường gặp nhất, chiếm từ 80 - 85% các trường hợp đột quỵ 

Dấu hiệu nhận biết cơn đột quỵ

Dấu hiệu cơn đột quỵ thường được nhận biết khi các chức năng của cơ thể đột nhiên mất đi. Có thể nắm bắt các triệu chứng qua 2 cách sau:

  1. Quy tắc BE FAST
  • B - BALANCE: tình trạng người bệnh đột nhiên mất thăng bằng, bị chóng mặt, đau đầu dữ dội 
  • E - EYESIGHT: diễn tả việc giảm hoặc mất thị lực đột ngột ở một hoặc cả hai mắt
  • F - FACE: chỉ những sự biến đổi ở mặt như méo miệng, lệch nhân trung, liệt nửa mặt, biểu hiện rõ nhất khi cười.
  • A - ARMS: đây là dấu hiệu khi tay hoặc chân yếu đi đột ngột, không cử động được. Dễ nhận biết nhất khi yêu cầu người bệnh giơ hai tay lên cùng lúc và giữ yên chúng.
  • S - SPEECH: chỉ trường hợp bệnh nhân khó nói, giọng có thể bị đớt, nói không rõ nội dung.
  • T - TIME:  Khi xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu trên đột ngột thì phải nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Có thể ghi nhớ nhanh các dấu hiệu và cách xử lý qua câu nói:

“ Méo cười, ngọng nói, xụi tay

Mau gọi cấp cứu, đi ngay, đừng chờ”

       2. Đột quỵ thoáng qua, còn gọi là thiếu máu não thoáng qua

  • Đột quỵ thoáng qua là tình trạng khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng của cơn đột quỵ thật sự nhưng chỉ trong thời gian ngắn, thoáng qua rồi tự hết.
  • Tuy nhiên, thiếu máu thoáng qua là một dấu hiệu cảnh báo cho một cơn đột quỵ thật sự trong tương lai 

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ bao gồm:

  • Tiền sử gia đình có người thân bị đột quỵ hoặc từng bị đột quỵ;
  • Mắc các bệnh lý như các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, hẹp động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại vi, chứng ngưng thở khi ngủ,
  • Cao huyết áp;
  • Bị thừa cân, béo phì, hàm lượng cholesterol cao;
  • Sử dụng viên uống tránh thai;
  • Sử dụng hormone sau mãn kinh;
  • Ít vận động, luyện tập thể dục thể thao;
  • Có lối sống kém lành mạnh, thường xuyên uống rượu bia hoặc các chất có cồn, hay hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.

“Còn trẻ mà, sao bị đột quỵ được?”

Đây chắc hẳn là câu nói quen thuộc của mọi người khi nhắc đến việc người trẻ tuổi bị đột quỵ. Nhưng thực tế:

  • Theo Hội đột quỵ thế giới WSO, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới. Trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Mỗi năm có tới 6,5 triệu ca tử vong do đột quỵ với hơn 6% trong số đó là người người trẻ. 
  • Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận thêm 200.000 ca mắc mới và 11.000 ca tử vong. Trung bình cứ 6 người thì một người có nguy cơ đột quỵ. Đáng lo ngại hơn trong những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10-15%.
  • Thống kê của Bộ y tế cho thấy tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
  • Tại bệnh viện Trung ương quân đội 108, từ năm 2020 đến nay đã tiếp nhận hơn 3000 ca đột quỵ, trong đó bệnh nhân dưới 40 tuổi chiếm 17%. Và trường hợp nhỏ tuổi nhất được ghi nhận là 12 tuổi.

Do đâu mà thế hệ trẻ - lực lượng lao động chính của xã hội lại có nguy cơ mắc đột quỵ ngày càng cao?

  1. Thói quen ăn uống không lành mạnh cộng với việc lười vận động khiến cơ thể dễ tăng cân không kiểm soát, kèm theo tình trạng xơ vữa động mạch, máu nhiễm mỡ,...đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ ở giới trẻ
  2. Sử dụng chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá,..: Thói quen này có thể dẫn đến hàng loạt các bệnh lý về tim, phổi và tăng nguy cơ bị đột quỵ. 
  3. Căng thẳng, mệt mỏi, làm việc quá sức: là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, suy nhược toàn thân và dẫn đến đột quỵ.  

Hãy hạn chế các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ ngay hôm nay!

Đừng nghĩ rằng đột quỵ là bệnh “trời kêu ai, người nấy dạ”. Các chuyên gia y tế đã khẳng định căn bệnh nguy hiểm này có thể được ngăn ngừa, dự phòng với giải pháp chính là thay đổi lối sống:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: gồm nhiều rau củ quả, trái cây. Hạn chế các thực phẩm dầu mỡ, nhiều đường, nhiều gia vị. Sử dụng ít các món ăn chứa chất béo bão hòa (mỡ động vật, nội tạng,...)
  • Ngưng hút thuốc lá, bao gồm thuốc lá điện tử
  • Hạn chế các loại đồ uống có cồn 
  • Duy trì lịch việc tập luyện thể thao và nghỉ ngơi phù hợp: Không cần những bài tập nâng cao, bạn có thể đi thang bộ thay vì thang máy, đi bộ quanh nhà mỗi sáng,...

Bên cạnh đó, mọi người nên có kế hoạch khám sức khỏe định kỳ 1 - 2 lần / năm và thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ. Đây là cách phòng ngừa đột quỵ hiệu quả hiện nay khi giúp chúng ta phát hiện, điều trị sớm các yếu tố nguy cơ.

Những ai nên thực hiện sàng lọc đột quỵ?

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ đột quỵ. Thậm chí, tai biến mạch máu não ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Do đó, tất cả mọi đối tượng đều nên chủ động sàng lọc hay tầm soát đột quỵ từ 1-2 lần mỗi năm.

Tuy nhiên, những người trên 55 tuổi có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ hoặc người trên 45 tuổi có 2 yếu tố nguy cơ là những người thuộc nhóm có thể có khả năng bị đột quỵ cao. Do đó, lời khuyên là nên chủ động tầm soát đột quỵ định kỳ để tránh trường hợp bị đột quỵ bất ngờ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.