Chia sẻ

Bỏ túi “tuyệt chiêu” giúp bạn xử lý “nhanh gọn lẹ” các loại mụn thông thường

By Victoria Healthcare 24 Tháng 8 2023

Bỏ túi “tuyệt chiêu” giúp bạn xử lý “nhanh gọn lẹ” các loại mụn thông thường

Mụn luôn được xem là mối lo ngại không của riêng ai ở mọi lứa tuổi. Không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng khi một, hai chiếc mụn nhỏ xuất hiện liền khiến chúng ta mất đi sự tự tin vốn có.

Mụn thường được chia làm 3 nhóm chính: nhóm mụn không viêm gồm mụn đầu đen và mụn đầu trắng; nhóm mụn viêm gồm mụn bọc, mụn đỏ và nhóm mụn nang cục

Khi có một vài nốt mụn xuất hiện trên da, chúng ta thường cuống cuồng tìm cách để nặn chúng ra. Hiện nay bạn có thể dễ dàng tìm được rất nhiều cách khác nhau trên mạng xã hội nhưng có thể còn băn khoăn phương pháp nào phù hợp với loại mụn nào.

Dưới đây là một vài bí kíp giúp bạn dễ dàng xử lý mụn tại nhà được khuyến cáo từ các bác sĩ chuyên khoa da liễu:

Đối với nhóm mụn không viêm: gồm mụn đầu đen và mụn đầu trắng

  1. Mụn đầu đen:
  • Loại mụn này không sưng, không gây đau nhức, có nhân mụn màu đen trồi lên bề mặt da. 
  • Đối với loại mụn này, bạn có thể dễ dàng nặn chúng ra bằng các dụng cụ nặn mụn.
  • Có thể thêm bước xông hơi da mặt giúp lỗ chân lông nở ra, khi nặn sẽ dễ dàng thao tác hơn.
  • Tuy nhiên, mụn có thể tái phát sau 1-2 tuần sau nặn

       2. Mụn đầu trắng: 

  • Loại mụn này khi mới xuất hiện trên da sẽ không có nhân mụn. 
  • Mụn đầu trắng hình thành là do sự bít tắt của lỗ chân lông. Cần thường xuyên làm giảm sự bít tắt bằng cách:

          + Tẩy tế bào chết da thường xuyên (1-2 lần/ tuần, tùy tình trạng da)

          + Hạn chế tăng tiết bã nhờn trên da bằng thuốc bôi tại chỗ (do bác sĩ kê toa) + thay đổi thói quen sinh hoạt

  • Một vài phương pháp tự nhiên giúp giảm tình trạng bít tắt da như: 

          + Có thể dùng hỗn hợp giấm táo pha loãng theo tỷ lệ 1 giấm:4 nước hoặc hỗn hợp nước cốt chanh với mật ong để thoa lên vùng da bị mụn. Thấm hỗn hợp vào bông tẩy trang rồi                  thoa lên da 2 - 3 lần một ngày. 

          + Chanh và giấm táo đều chứa axit lactic có tác dụng làm bong da nhẹ giúp gom và đẩy nhân mụn lên bề mặt da. 

Tuy nhiên, những phương pháp này cần tham khảo ý kiến Bác sĩ da liễu trước khi thực hiện vì có thể gây ra tình trạng kích ứng da sau liệu trình

Đối với nhóm mụn viêm: mụn bọc, mụn mủ

  • Nhóm mụn viêm thường có đặc điểm sưng tấy đỏ, gây đau nhức khi chạm vào, chúng không có nhân, chứa nhiều mủ và máu bên trong ổ mụn.
  • Theo các bác sĩ, đối với loại mụn này khi xử lý tại nhà, chỉ nên dùng các loại kháng sinh hoặc các hoạt chất điều trị mụn có tính giảm viêm giảm sưng để chấm lên nốt mụn.
  • Dùng tăm bông chấm lên các nốt mụn buổi tối trước khi ngủ và thực hiện trong khoảng 2 tuần.
  • Các hoạt chất này giúp kiểm soát tình trạng viêm, làm ổ viêm không lan rộng ra xung quanh, giúp gom cồi mụn nhanh hơn và giảm tình trạng đau nhức.

Lưu ý đối với nhóm mụn này: Không nên tự ý nặn tại nhà do nếu nặn không đúng kỹ thuật, không đảm bảo vệ sinh hoặc không lấy hết nhân mụn sẽ khiến ổ viêm bị vỡ, lan rộng và hình thành thêm nhiều nốt mụn viêm xung quanh.

Đối với nhóm mụn nang cục, mụn chai

  • Nhóm mụn này đặc biệt hơn cả vì chúng nằm ẩn dưới bề mặt da, có phần nhân mụn ăn sâu dưới bề mặt da, nếu không được xử lý sớm thì chúng sẽ là nguyên nhân chính hình thành nên sẹo rỗ.
  • Đối với nhóm mụn này việc tự xử lý ở nhà không được các bác sĩ khuyến khích bởi những phương pháp nêu trên sẽ không có tác dụng với loại mụn này, đặc biệt là các nốt mụn chai lâu ngày dưới da. Việc cố nặn hay tác động mạnh lên nốt mụn chỉ khiến tình trạng trở nên nặng và khó xử lý hơn.
  • Biện pháp điều trị tốt nhất dành cho các loại mụn nang cục, mụn chai là có sự tư vấn chuyên môn của bác sĩ để biết được nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp, hiệu quả nhất.

Ngoài những phương pháp trên, chúng ta có thể dễ dàng tìm được các cách dân gian để trị mụn như dùng baking soda, nước ép khổ qua hay hỗn hợp dầu dừa chanh tươi,...

Những phương pháp này không được khuyến khích bởi các bác sĩ. Tuy đều sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên và dễ tìm nhưng còn phụ thuộc vào cơ địa và khả năng thích ứng của mỗi người. Chúng có thể hiệu quả với người này nhưng không hiệu quả với người kia, cũng có thể gây ra tình trạng kích ứng da với một số người khác.

3++ cách ngăn ngừa mụn hiệu quả

Bên cạnh việc tập trung cho điều trị mụn thì việc hạn chế sự hình thành nhân mụn cũng cần được lưu ý. Dưới đây là những cách làm đơn giản nhưng hiệu quả và cần thiết để hỗ trợ ngăn ngừa mụn:

  • Làm sạch da: sử dụng sữa rửa mặt và tẩy da chết đều đặn để làm sạch da, giúp thông thoáng lỗ chân lông
  • Không sờ tay lên mặt hay chạm vào các nốt mụn nhiều lần: điều này giúp hạn chế vi khuẩn xâm nhập, là nguyên nhân khiến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn. 
  • Không tự nặn các nốt mụn viêm, chai cứng tại nhà 
  • Sử dụng kem chống nắng mỗi ngày để bảo vệ da khỏi các tác hại từ môi trường
  • Chú ý chế độ dinh dưỡng: hạn chế thức ăn nhiều đường và dầu mỡ, bổ sung chất xơ cho các bữa ăn và uống đủ nước mỗi ngày.

Đâu là phương pháp tối ưu nhất để xử lý mụn

Để xử lý và điều trị mụn đúng cách không đơn giản chỉ là nặn được nhân mụn ra mà còn bao gồm việc đảm bảo vệ sinh vùng da trước và sau khi nặn mụn; chăm sóc vết thương sau nặn, theo dõi quá trình chuyển biến da, hạn chế tái phát mụn về sau. 

Khi tự xử lý mụn tại nhà, đại đa số mọi người chỉ dừng lại ở việc lấy nhân mụn ra mà không chú ý đến những vấn đề kèm theo. Hệ quả dẫn đến có thể là nhân mụn còn sót gây viêm nhiễm trở lại, nặn không đúng kỹ thuật khiến để lại sẹo rỗ trên da,....

Vì vậy, việc đi đến gặp bác sĩ để có sự đánh giá tình trạng mụn, tư vấn chuyên môn cùng với một quy trình điều trị mụn chuẩn y khoa sẽ hạn chế được tốt nhất những hậu quả trên.