Chia sẻ
ĐANG ĐIỀU TRỊ NẤM ÂM ĐẠO CÓ NÊN MANG THAI
By Victoria Healthcare 09 Tháng 4 2019
* Em 27 tuổi, vợ chồng em dự định có em bé, em cần phải làm những xét nghiệm hay chích ngừa gì? Em đang điều trị nấm âm đạo, thì việc này liệu có ảnh hưởng đến em bé nếu sinh thường? Ngọc Hương (quận Bình Thạnh)
* Bác sĩ Ngô Hà Anh, Sản – Phụ Khoa, Phòng khám quốc tế Victoria Healthcare, trả lời:
Khám sức khỏe trước khi mang thai là một trong những việc làm cần thiết để có một thai kỳ khỏe mạnh. Trước khi mang thai bạn nên thực hiện:
- Khám sức khoẻ tổng quát: Nhằm chẩn đoán các bệnh như thiếu máu, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý tim mạch, bệnh tuyến giáp…
- Khám phụ khoa: Nhằm chẩn đoán một số bệnh phụ khoa như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, viêm nhiễm âm đạo; tầm soát ung thư cổ tử cung.
Ngoài ra bạn cũng nên thực hiện một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm công thức máu, nhóm máu, xác định yếu tố Rhesus và một số xét nghiệm sinh hóa máu cần thiết.
- Xét nghiệm nước tiểu.
- Các xét nghiệm để kiểm tra một số bệnh lý có thể gây ảnh hưởng xấu đến thai như Toxoplasmosis, Rubella, Cytomegalovirus, Herpes Simplex virus, HIV, viêm gan B, giang mai…
Bên cạnh đó, có thể bạn cần tiêm ngừa một số bệnh trước khi mang thai: Sởi - quai bị - Rubella, thuỷ đậu, viêm gan B, cúm. Bệnh viêm âm đạo do nấm có thể điều trị khỏi và không ảnh hưởng đến việc sinh em bé.
Bs. Ngô Hà Anh