Chia sẻ
CÓ NÊN CHO TRẺ ĐÓI ĐỂ CHỜ SỮA VỀ?
By Victoria Healthcare 05 Tháng 4 2021
Đối với trẻ sinh ra đời mà đủ tháng thì luôn có một phần nguồn năng lượng cho trẻ trong một vài ngày đầu tiên. Trong trường hợp đặc biệt nào đó mà trẻ không có sữa để bú, thì uống nước cũng giúp trẻ duy trì được sự sống trong vài ngày. Nhưng nếu kéo dài quá lâu (đến một tuần) thì trẻ sẽ bị hạ đường huyết, thiếu đường sẽ gây ra tổn thương ở não bộ, nguy hiểm đến tính mạng.
NHỎ SỮA MẸ GIÚP GIẢM ĐAU MẮT, VIÊM MŨI, VIÊM TAI GIỮA (VTG)?
Việc dùng sữa mẹ nhỏ mắt cho trẻ trong trường hợp trẻ bị đau mắt đỏ đã được mang ra nghiên cứu. Và người ta nhận thấy nhỏ sữa mẹ vào mắt không giúp ngăn ngừa được bệnh, cũng như không giúp làm giảm thời gian bị bệnh. Nghĩa là nhỏ sữa mẹ không giúp gì được trong việc trị đau mắt đỏ của trẻ. Bệnh đau mắt đỏ là do siêu vi, nên chỉ cần chờ đủ ngày là trẻ sẽ tự khỏi.
Dù nghiên cứu về nhỏ sữa mẹ có giúp giảm viêm mũi không chưa có ai thực hiện, nhưng có thể suy luận rằng dùng sữa nhỏ mũi thì cũng giống như dùng nước muối sinh lý hay nước biển sau để làm loãng nước mũi của trẻ. Còn dùng sữa mẹ nhỏ vào tai để giúp giảm viêm tai giữa là không đúng, bởi VTG xảy ra là do tắc ống thông từ tài giữa xuống họng mà nhỏ sữa mẹ không giúp ích gì được cho việc tắc ống thông này (để hiểu rõ hơn về bệnh VTG, các nguyên nhân và cách xử lý, bạn nên đọc lại bài về”Viêm tai giữa”).
TRẺ VẪN CÓ THỂ DỊ ỨNG ĐẠM TRONG SỮA MẸ
Có một số trường hợp trẻ bú mẹ hoàn toàn nhưng nếu mẹ uống hoặc ăn các chế phẩm từ sữa bò, đạm trong sữa bò sẽ đi qua sữa mẹ một phần khiến trẻ có thể bị dị ứng với đạm sữa bò. Người ta còn gọi là tình trạng dị ứng gián tiếp.
Một số trường hợp nữa, dù mẹ tránh hoàn toàn các sản phẩm từ sữa khi đang cho trẻ bú mẹ, thì trẻ vẫn có biểu hiện dị ứng với một thành phần đạm nào đó mà bà mẹ ăn uống, hoặc có khi bị dị ứng với chính đạm có trong sữa mẹ. Những trường hợp này khá hiếm và biểu hiện cũng nhẹ, chỉ trong khoảng chừng vài tháng trẻ sẽ tự hết.
NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG NÊN CHO CON BÚ
Đa số trường hợp bà mẹ đều có thể cho trẻ bú mẹ, trừ một số trường hợp rất ít sau đây:
• Mẹ bị nhiễm HIV: người ta nhận thấy virus HIV có thể đi qua sữa mẹ hoặc có thể xâm nhập qua những tổn thương của trẻ, do đó, mẹ nên hạn chế cho trẻ bú. Tuy nhiên, đối với những nước ở vùng châu Phi là nơi tình trạng dinh dưỡng kém do nghèo, không có nguồn sữa khác và có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất thế giới, WHO khuyến cóa sữa mẹ vẫn có thể cho trẻ bú được.
• Mẹ bị một số bệnh cần điều trị bởi một số thuốc có độc tính cao có thể gây ảnh hưởng đến trẻ thì không nên cho trẻ bú. Ví dụ: mẹ bị các bệnh lý về máu như ung thư máu chẳng hạn.
Bs. Nguyễn Trí Đoàn - Trích "Để con được ốm"
(Bài viết của sử dụng hình ảnh từ Shutterstock)