Chia sẻ

CHUYỆN TIÊU CHẢY – XẢ NƯỚC CỨU THÂN (Phần 1)

By Victoria Healthcare 19 Tháng 4 2021

CHUYỆN TIÊU CHẢY – XẢ NƯỚC CỨU THÂN (Phần 1)
Khi mới sinh ra đời, hầu hết các bé đều tỏ ra rất “ngoan ngoãn”, tức là ít bao giờ bị bệnh này nọ. Sau vài tháng yên ổn, bắt đầu bé sẽ bị hết bệnh này đến bệnh khác, biểu hiện bằng các triệu chứng thường gặp như ói, tiêu chảy, ho, sổ mũi, v.v. Đó là lúc kháng thể mẹ cho bé trước lúc sinh đã được “xài” gần hết và bé phải tự chiến đấu chống lại những tác nhân xâm nhập vào cơ thể bé.
CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY TIÊU CHẢY
Hầu như trẻ nào cũng bị ít nhất vài lần tiêu chảy hay ói mửa ở tuổi ấu thơ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tiêu chảy. Nguyên nhân thường gặp nhất là do bé bị lây nhiễm các loại siêu vi hay vi khuẩn, hay còn gọi là nhiễm trùng tiêu hóa. Các nguyên nhân khác có thể gặp là bé bị dị ứng một số loại thức ăn nào đó, bị ngộ độc do hóa chất trong thực phẩm hay bị tác dụng phụ của thuốc như kháng sinh chẳng hạn. Từ “ngộ độc thực phẩm” bao hàm ý nghĩa rộng hơn “nhiễm trùng đường tiêu hóa”, nó bao gồm cả các nguyên nhân ngộ độc những chất (hay dư chất) độc hại trong thực phẩm (ví dụ như lượng thuốc trừ sâu còn trong thực phẩm). Cha mẹ khi dẫn bé đi khám với triệu chứng ói hay tiêu chảy thường hay nhận được chẩn đoán “rối loạn tiêu hóa”. Tuy nhiên chẩn đoán “rối loạn tiêu hóa” đó nghĩa là… không chẩn đoán gì cả, bởi vì bất kỳ triệu chứng bất thường nào về tiêu hóa cũng đều được gọi là “rối loạn tiêu hóa”.
NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIÊU HOÁ
Nhiễm trùng đường tiêu hóa là tình trạng hệ tiêu hóa bị nhiễm siêu vi hoặc vi khuẩn, nhiều nhất vẫn là do siêu vi. Nguyên nhân là do ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn, uống nước bị nhiễm khuẩn hoặc bị lây trực tiếp từ tay bị nhiễm khuẩn. Khi bé được khoảng 5-6 tháng tuổi, nó sẽ bỏ hầu như tất cả mọi thứ vào miệng để khám phá thế giới xung quanh và nó rất thích ngậm mút tay. Tay của trẻ rất dễ bị nhiễm những siêu vị hay vi khuẩn, nên nó rất dễ bị nhiễm trùng tiêu hóa. Những bé đi học ở nhà trẻ hay mẫu giáo cũng rất hay bị lây những siêu vi nếu như tay bé không được rửa sạch sẽ. Mặt khác, tay của người chế biến thức ăn không sạch sẽ cũng dễ lây những siêu vi, vi khuẩn vào thức ăn cho trẻ.
BIỂU HIỆN
Thông thường, hầu hết trẻ bị NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIÊU HOÁ sẽ có biểu hiện là nôn ói và tiêu chảy. Đây là hai phản ứng bình thường của cơ thể để đào thải chất độc ra bên ngoài, nhưng vẫn thường khiến cha mẹ trẻ vô cùng lo lắng. Nôn ói là do cơ thể không chịu được bất cứ thứ gì lạ nên tống ra qua đường miệng. Còn tiêu chảy là khi siêu vi, vi khuẩn đi sâu xuống đường ruột bên dưới thì hệ tiêu hóa phản ứng để đào thải ra qua đường hậu môn. Ói và tiêu chảy đều giúp cho cơ thể đào thải những tác nhân gây bệnh và giúp trẻ mau hồi phục.
Thông thường, trẻ sẽ bị ói trong chừng nửa ngày đến một ngày, còn bị tiêu chảy kéo dài trong khoảng từ 5-7 ngày. Có những bé khỏi nhanh thì 3 ngày sẽ hết bị tiêu chảy, còn những bé bị lâu hơn có thể tiêu chảy lên đến 10 ngày, hoặc 2 tuần. Bên cạnh đó, trẻ còn có nhiều biểu hiện sốt, phản ứng sốt cũng là để cơ thể chống lại nhiễm trùng. Trẻ thường sốt khoảng chừng một ngày sẽ hết.
CÁCH CHĂM SÓC
Khi trẻ bị NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIÊU HOÁ, trẻ có thể bị mất nước và các chất điện giải như natri, kali,… qua đường tiêu hóa. Do đó, điều quan trọng nhất mà cha mẹ bé cần nhớ là phải bù nước cho bé bằng đường uống để tránh bị mất nước. Có một loại dung dịch bù nước có thể dùng cho trẻ như oresol, hydrite, pedialyte,… Tuy nhiên, dễ nhất vẫn là cho trẻ uống nước dừa tươi, vì trong nước dừa tươi cũng có những chất điện giải bị mất đi qua ói và tiêu chảy. Nếu trẻ bớt ói thì có thể cho trẻ ăn lại như mọi ngày cho dù vẫn còn tiêu chảy.
Một số bác sĩ khuyên rằng trẻ bị NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIÊU HOÁ nên hạn chế ăn các loại đồ tanh, hoặc “nặng” như đạm thịt vì khiến trẻ dễ bị đi ngoài nặng hơn. Điều này không đúng. Trẻ chỉ nên kiêng ăn đồ dơ và đồ dở thôi. Bên cạnh đó, người lớn hay ép trẻ ăn mỗi khi bệnh vì sợ bỏ ăn sẽ gây ảnh hưởng đến việc cung cấp năng lượng giúp trẻ chiến đấu chống lại bệnh là cũng không nên. Bởi bệnh khiến trẻ cảm thấy không muốn ăn, ăn không ngon miệng, và không ăn cũng không gây ảnh hưởng gì đến quá trình chống lại bệnh. Sau khi khỏi bệnh, trẻ sẽ ăn lại bình thường thôi.
Đa số trẻ bị NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIÊU HOÁ chỉ cần chăm sóc tại nhà và cho uống bù các dung dịch trên. Chỉ khi nào trẻ bị mất nước nặng mà không thể bù nước bằng đường uống thì mới phải nhập viện truyền dịch. Biểu hiện của mất nước là trẻ sẽ lừ đừ, không có nước mắt, đi tiểu rất ít và nước tiểu sậm màu (không thấy đi tiểu trong 6 giờ). Cha mẹ cần theo dõi những biểu hiện của mất nước để đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, nếu trẻ đi tiêu chảy có máu thì cha mẹ cũng nên đưa đi khám (không cần khám gấp).
**Nên nhớ không cho trẻ uống thuốc cầm ói hay cầm tiêu chảy khi trẻ bị NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIÊU HOÁ bởi vì những thuốc đó sẽ làm chậm sự tống xuất siêu vi, vi khuẩn hay những chất độc mà cơ thể trẻ không chấp nhận, từ đó có thể gây bệnh nặng hơn, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Bs. Nguyễn Trí Đoàn – Trích “Để con được ốm”
(Bài viết của sử dụng hình ảnh từ Shutterstock)