Chia sẻ

CHỈ SỐ VÒNG ĐẦU RẤT QUAN TRỌNG ĐỂ ĐÁNH GIÁ SỰ TĂNG TRƯỞNG CỦA TRẺ TRONG HAI NĂM ĐẦU ĐỜI

By Victoria Healthcare 07 Tháng 4 2021

CHỈ SỐ VÒNG ĐẦU RẤT QUAN TRỌNG ĐỂ ĐÁNH GIÁ SỰ TĂNG TRƯỞNG CỦA TRẺ TRONG HAI NĂM ĐẦU ĐỜI
Ở chủ đề lịch khám định kỳ cho trẻ sau sinh với tôi là một chủ đề thú vị. Tôi không cảm thấy bất ngờ khi nhiều bà mẹ không hiểu rõ về lịch khám bệnh cho con. Bởi bản thân tôi ngay cả khi rời khỏi ghế nhà trường cho đến khi đã đi hành nghề tại bệnh viện, tôi mới nhận ra là mình không được trang bị kiến thức về vấn đề khám bệnh định kỳ cho trẻ. Vậy là, tôi phải tự mình đọc lại toàn bộ tài liệu, tìm kiếm thông tin để tự đúc kết cho bản thân một lịch trình khám định kỳ cho trẻ sau sinh và những điều cần quan tâm lưu ý trong quá trình phát triển của trẻ trong những năm đầu đời.
Có một điều cần phải nhìn nhận rằng, lịch khám định kỳ của trẻ sơ sinh không giống như khám định kỳ của người lớn. Người lớn chúng ta có thể từ nửa năm đến một năm đi khám tổng quát một lần, lấy một lượng máu đủ nhiều để làm mọi xét nghiệm cần thiết. Nhưng trẻ thì không thể lấy quá nhiều máu để làm tất cả xét nghiệm như vậy được.
Trẻ cần được xét nghiệm tầm soát ngay sau khi sinh, kiểm tra những bệnh bẩm sinh để bác sĩ kịp can thiệp sớm để tránh những tổn thương không phục hồi (ví dụ tầm soát bệnh suy giáp bẩm sinh). Nếu không can thiệp điều trị bệnh suy giáp bẩm sinh sớm, trẻ sẽ bị đần độn và để lại hậu quả nặng nề suốt đời.
Lịch khám định kỳ dành cho trẻ sơ sinh
HAI TUẦN LỄ SAU SINH: đây là thời gian thích hợp để mẹ đưa ra những thắc mắc trong quá trình nuôi con như: chăm sóc trẻ như thế nào, điều gì thì nên và không nên làm, điều gì thì tốt và bàn luận về nhiều vấn đề khác mà trẻ sơ sinh thường biểu hiện ra. Có nhiều biểu hiện của trẻ làm cho mẹ lo lắng nhưng thực sự trẻ không có bị bệnh gì cả. hầu như những bà mẹ sinh con lần đầu đều lo lắng về những biểu hiện của trẻ như thường vặn mình hay trằn trọc, khó ngủ. Đây là một trong những biểu hiện bình thường nhưng dễ bị chấn đoán nhầm là thiếu canxi. Do đó, thời điểm này là cơ hội để mẹ trao đởi với bác sĩ mọi lo lắng băn khoăn của mình. Bên cạnh đó, bác sĩ nên kiểm tra những vấn đề từ lúc trẻ sinh ra chưa hoàn thiện như kiểm tra tim.
Sau đó thì lịch tái khám ở mốc 2-4-6 tháng tuổi.
Từ sau 6 tháng là mỗi 3 tháng một lần: 9-12-15-18 tháng
Rồi tái khám lúc 2 tuổi. Sau 2 tuổi thì tái khám theo từng năm.
KHÁM ĐỊNH KỲ KHÔNG CHỈ “CÂN- ĐO VÀ CHÍCH NGỪA”
Hiện nay, hầu như việc khám định kỳ cho trẻ ở Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở việc cân-đo và chích ngừa. Điều này là cần thiết nhưng không đủ. Để kiểm tra sự phát triển của trẻ có bình thường không, bác sĩ còn cần kiểm tra thêm về những vấn đề sau: phát triển trí não; về tinh thần; giao tiếp về mặt xã hội, ngôn ngữ. Ở mỗi độ tuổi, trẻ sẽ có các giao tiếp khác nhau như: giao tiếp bằng mắt, bằng cười, âm thanh ê a đầu tiên. Do đó, ở những lần khám theo từng độ tuổi, bác sĩ kiểm tra thêm về những vấn đề đã nêu cho trẻ.
Từ đó, bác sĩ có thể xem xét trẻ đã đạt đến những mốc phát triển thông thường chưa. Nếu trẻ chưa đạt đến những mốc đó, ở lần khám kế tiếp bác sĩ sẽ tiếp tục xem xét trẻ có phát triển lên hay không, có vấn đề gì hay không. Đồng thời, bác sĩ cũng cần xem xét trẻ tăng trưởng (về cân nặng, chiều cao, vòng đầu) như thế nào, có đúng theo kênh tăng trưởng riêng của trẻ hay không.
Bên cạnh đó, những vấn đề khác cũng cần được bác sĩ đưa vào xem xét như mẹ cho trẻ bú có gì khó khăn hay không, rồi đến vấn đề về chích ngừa vaccine cho trẻ. Hơn nữa, bác sĩ còn nên bàn đến những nguy cơ gây hại cho sức khỏe của trẻ như gia đình có người hút thuốc lá không, nếu có thì phải chấm dứt như thế nào, chia sẻ những thông tin tác hại của thuốc lá gây hại cho trẻ ra sao, những hệ lụy của việc hút thuốc thụ động hay thảo luận về những hội chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi và cách thức phòng ngừa hội chứng này.
Thêm nữa, vào tháng thứ 6-7, trẻ thường sẽ bắt đầu mọc răng. Lúc này, bác sĩ cần tư vấn về việc chăm sóc và vệ sinh răng miệng như thế nào. Và tất cả những vấn đề này đều cần phải được xem xét hết trong mỗi lần khám. Trẻ nên được chăm sóc một cách toàn diện chứ không phải đi khám mỗi tháng chỉ để cân đo và chích ngừa. Sau một quãng thời gian dài khám và theo dõi, bác sĩ mới có thể đưa ra kết luận chính xác, chứ không thể chỉ dựa vào một hoặc hai lần khám mà “phán quyết” sự phát triển của trẻ được.
Có một thực tế tôi không thể phủ nhận rằng, nhiều bác sĩ đồng nghiệp của tôi chỉ cho trẻ cân “cái rụp”, nhì vào chỉ số so sánh với “con số trung bình” của bảng tăng trưởng của WHO, thấy đứa bé không tăng cân đủ là sẽ quay qua trách mẹ. Và đó cũng là khởi nguồn cho những nỗi lo lắng thường trực của các mẹ: “con gầy” và bắt đầu luẩn quẩn trong cái vòng suy dinh dưỡng-nhẹ cân.
Tôi thường khuyên các bà mẹ đừng có đưa trẻ đi khám mỗi tháng. Hãy cứ giãn ra, hai tháng, rồi mỗi ba tháng… sau đó đưa trẻ đi khám thưa hơn. Điều này không chỉ giúp mẹ cảm thấy đỡ căng thẳng hơn về vấn đề cân nặng của con (một điều thường gặp ở Việt Nam mình), mà còn có nhiều thời gian để vui chơi cùng con hơn.
KHÁM ĐỊNH KỲ CHO TRẺ CẦN ĐO VÒNG ĐẦU
Có một chỉ số khác rất quan trọng và cần được theo dõi sát sao để đánh giá sự tăng trưởng ở trẻ đó chính là “vòng đầu”. Tuy nhiên, hầu như chỉ số này thưởng bị bỏ qua ở những lần khám định kỳ của trẻ trong hai năm đầu đời.
Chúng ta biết rằng dinh dưỡng được nạp vào dùng để nuôi bộ não, do đó, trẻ lớn lên thì vòng đầu của trẻ sẽ lớn theo. Trong hai năm đầu tiên, não của trẻ tăng trưởng một cách rõ ràng nhất, đường tăng trưởng tăng rất nhanh (nếu được theo dõi), sau đó sẽ tăng trưởng chậm lại, chỉ số tăng vòng đầu gần như là đường phát triển “đi ngang”. Trong các chỉ số tăng trường, chỉ số cân nặng của trẻ là ít trung thực nhất để đánh giá dinh dưỡng bởi chỉ số này trồi sụt rất thất thường. Nếu trẻ được cân vào buổi sáng-chiều-tối, hay sau khi mới ăn xong, thì mỗi lần cân chỉ số sẽ khác nhau. VÌ thế, bác sĩ không thể chỉ căn cứ vào chỉ số cân nặng mà chẩn đoán tình trạng dinh dưỡng của bé được. Do đó, bên cạnh chỉ số chiều cao, vòng đầu của trẻ là chỉ số quan trọng để đánh giá sự tăng trưởng của trẻ trong hai năm đầu tiên.
Trong hai năm đầu tiên, não trẻ sẽ phát triển nhanh và đạt kích thước 80% não khi trưởng thành. Các nhà khoa học còn chụp được những sự thay đổi của não và họ nhận thấy, trong vài năm đầu đời, não trẻ tạo ra vô số mối liên kết giữa các tế bào thần kinh để phát triển đủ các kỹ năng của trẻ. Do đó, giai đoạn này, trẻ học được rất nhiều điều mới, não tiếp thu rất nhiều thông tin để xử lý nên trẻ thường mơ thấy nhiều thứ (để củng cố những thông tin được tiếp nạp vào đó). Chính vì thế, trẻ rất hay thức giấc và khóc vào lúc nửa đêm và đây là điều hoàn toàn bình thường. Do đó, cha mẹ không cần phải lo sợ trẻ ngủ không yên giấc (hay thiếu canxi).
NHỮNG LƯU Ý VỀ CHỈ SỐ VÒNG ĐẦU
Chính vì chỉ số vòng đầu rất quan trọng trong việc đánh giá sự tăng trưởng của trẻ, nên mẹ cần lưu ý khi vòng đầu của trẻ không tăng lên. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên theo dõi những triệu chứng đi kèm khác nữa về phát triển các chức năng của não, nếu trẻ quá chậm về các mốc vận động thô, vận động tinh, về giao tiếp xã hội… thì mẹ có thể đưa trẻ đi khám để bác sĩ xem xét. Nếu có nghi ngờ não trẻ kém phát triển, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hay chụp phim não bộ, để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác và can thiệp kịp thời.
Ở trường hợp ngược lại, nếu vòng đầu của trẻ tăng nhanh quá mức (đầu bé sẽ to quá mức), cộng thêm với những triệu chứng khác về thần kinh thì cũng có thể có vấn đề gì đó khiến cho thể tích của não tăng lên. Một trong những vấn đề hay gặp là não úng thủy, nghĩa là não bị ứ dịch bên trong, làm cho đầu bị to quá. Những trường hợp này bác sĩ sẽ can thiệp để điều trị. Nếu không, nước tích nhiều quá sẽ ép lên não, khiến não không phát triển được.
Do đó, cha mẹ rất nên theo dõi những bệnh lý có thể xảy ra của não, bên cạnh những vấn đề về dinh dưỡng của trẻ.
Bs. Nguyễn Trí Đoàn – Trích “Để con được ốm”
Tham khảo gói dịch vụ khám định kỳ cho trẻ tại Victoria Healthcare:https://victoriavn.com/khamtongquat/danh-muc-san-pham/goi-kham-dich-vu-cham-soc-tre-em/
(Bài viết của sử dụng hình ảnh từ Shutterstock)