Chia sẻ

CẦN LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG BỆNH KHI TRỜI TRỞ LẠNH?

By Victoria Healthcare 30 Tháng 12 2022

CẦN LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG BỆNH KHI TRỜI TRỞ LẠNH?

PHÒNG BỆNH CHO CẢ GIA ĐÌNH MÙA LẠNH

Thời tiết thay đổi thất thường, sức đề kháng cơ thể có thể giảm và chúng ta dễ gặp các vấn đề sức khỏe. Vì vậy, hãy chủ động chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh khi trời trở lạnh với những biện pháp đơn giản dưới đây.

--------------------------------------------------------

 Rửa tay thường xuyên 

 Để phòng chống lây nhiễm bệnh, các chuyên gia y học thường khuyến cáo nên thường xuyên giữ đôi bàn tay sạch sẽ. Chỉ một động tác rửa tay sạch cũng làm giảm đến 35% khả năng lây truyền vi khuẩn, virus vốn là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh. 

 Vì vậy, hãy rửa tay thường xuyên để bảo vệ bản thân mình. Nếu không thể rửa tay trực tiếp tại bồn rửa, hãy rửa bằng nước rửa tay có cồn. Tốt nhất, bạn nên giữ một chai nước rửa tay nhỏ bên mình để khi cần là sử dụng ngay.

 Đừng chạm tay vào mặt

Virus cảm lạnh và cúm thường xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua mắt, mũi và miệng. Đôi khi tay chúng ta lỡ chạm vào nơi có virus mà chưa kịp hoặc quên rửa, sau đó chạm vào mặt, dụi vào mắt thì nguy cơ bị virus xâm nhập. Vì vậy, hạn chế chạm tay lên mặt ở mức tối đa.

Tập thể dục thường xuyên 

Trong tất cả các lời khuyên giữ gìn sức khỏe và phòng bệnh thì việc tập thể dục luôn được nhắc đến. Việc hoạt động thể chất mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, góp phần tăng cường sức đề kháng để chống lại bệnh tật. 

Bổ sung chất xơ

Các thực phẩm nhiều chất xơ như rau, củ, quả chứa nhiều dinh dưỡng, giúp chúng ta bổ sung đầy đủ vitamin cho cơ thể. Nên tăng cường các loại rau và trái cây có màu xanh đậm, đỏ và vàng. 

 Không hút thuốc

Thông thường, những ai hay hút thuốc lá nhiều thì dễ bị cảm lạnh nặng hơn và thường xuyên hơn. Những ai hít phải khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Khói thuốc làm tổn thương hệ thống miễn dịch khiến cơ thể chúng ta không thể chống lại virus, vi khuẩn. Khói thuốc làm khô các đường dẫn trong khoang mũi của bạn. Khói thuốc ảnh hưởng đến lông mao - những sợi lông mỏng lót mũi và phổi, vốn dĩ giúp “quét sạch” virus cảm lạnh và cúm. Các chuyên gia cho biết chỉ một điếu thuốc có thể khiến chúng ngừng hoạt động trong vòng 30 - 40 phút. Vì vậy, tránh xa khói thuốc lá là cách phòng bệnh tốt cho mọi người.

 Hạn chế rượu bia 

Uống nhiều rượu bia cũng làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Rượu khiến cơ thể chúng ta dễ bị nhiễm trùng cũng như dễ bị biến chứng, nó cũng làm mất nước. Vì vậy, trong trường hợp bắt buộc phải uống rượu thì nên uống thật nhiều nước.

Thư giãn

 Đừng để bản thân của bạn bị stress, hãy thư giãn và thả lỏng cơ thể. Có một câu nói vui rằng: Hệ thống phòng thủ virus của chúng ta đánh giá rất cao sự thư giãn, có bằng chứng cho thấy hệ thống miễn dịch của chúng ta tăng tốc khi chúng ta giảm căng thẳng. 

Một cách thư giãn đơn giản mà chúng ta có thể thực hiện: bạn có thể tự tưởng tượng ra một hình ảnh bạn thấy dễ chịu và êm dịu để tâm hồn có thể thoải mái, nhẹ nhàng. Làm điều này thường xuyên rất tốt cho sức khỏe tinh thần chúng ta.

Đối với người lớn tuổi

Người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ gặp vấn đề sức khỏe trong mùa lạnh. Để đề phòng đột quỵ, người lớn tuổi cần lưu ý kiểm soát huyết áp của mình, không nên uống rượu bia, ăn ít mỡ và cần kiểm tra mỡ trong máu định kỳ. Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc áo ấm, đội mũ, mang tất khi ngủ…

Không thay đổi tư thế đột ngột có thể gây tai biến do thiếu não máu. Khi tỉnh giấc không nên vội bước xuống giường ngay mà nằm trên giường một lúc cho tỉnh hẳn, sau đó ngồi dậy và chờ một lúc sau hãy đặt hai chân xuống giường. Sau khi đặt chân xuống nền nhà, chờ một lúc sau hãy bắt đầu đứng dậy bước đi. 

Nên tránh ra ngoài trời lạnh vào ban đêm hoặc sáng sớm bởi nhiệt độ quá thấp có thể khiến cơ thể bị nhiễm lạnh dẫn đến suy nhược chức năng hoạt động của dây thần kinh quanh vùng mặt, dễ bị co giật mạnh khiến cho tổ chức thần kinh bị thiếu máu, sưng, ứ nước… gây méo miệng, lệch mặt. Việc vận động, nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý cần được thực hiện nghiêm túc trong sinh hoạt hàng ngày.

Người lớn tuổi cần ăn đủ chất, tăng cường ăn cá, ngũ cốc thô và rau quả, hạn chế các loại thịt đỏ, thức ăn nhanh, đồ ngọt, thuốc lá. Người lớn tuổi nên ăn nhiều bữa trong ngày để cung cấp đủ năng lượng, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa; ăn nhiều rau quả tươi, uống các vitamin tổng hợp, nhất là vitamin C và uống đủ nước.

Và đừng quên tiêm ngừa vaccin cúm hằng năm và nên tiêm ngừa vaccine viêm phổi cho người  già, trẻ em và người có bệnh nền theo khuyến cáo tiêm ngừa của bác sĩ. 

(Ths. Bs. Trần Thị Hồng An - Chuyên khoa Nội tổng quát Hệ thống Victoria Healthcare)