Chia sẻ

BỘI NHIỄM NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO?

By Victoria Healthcare 22 Tháng 3 2021

BỘI NHIỄM NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO?
Bội nhiễm là tình trạng cơ thể bị nhiễm thêm vi khuẩn khi đang bị bệnh do siêu vi. Nghĩa là, trước đó, trẻ bị bệnh do siêu vi khiến cho hệ thống miễn dịch bị suy yếu, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công và sinh sôi nảy nở, gây ra thêm bệnh do vi khuẩn.
Ví dụ: trẻ đang bị cảm do siêu vi, có triệu chứng ho sổ mũi. Vài hôm sau, trẻ đã biểu hiện giảm ho, sổ mũi. Rồi hôm sau nữa, trẻ bị biến chứng viêm phổi do vi khuẩn (sau khi đã được bác sĩ cho làm các xét nghiệm cần thiết đầy đủ để đưa ra chẩn đoán). Lúc này, trẻ đã bị bội nhiễm.
Tuy nhiên, vì biểu hiện ban đầu của bệnh do siêu vi và bệnh do vi khuẩn khá giống nhau, nên bác sĩ sẽ rất khó để phân biệt được lúc này trẻ bị bội nhiễm hay là nhiễm vi khuẩn ngay từ đầu. Nhưng dù ở trường hợp nào thì cách xử lý là như nhau: Nghĩa là chỉ cho trẻ uống kháng sinh để trị bệnh khi đã xác định được tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn.
UỐNG KHÁNG SINH SỚM CÓ PHÒNG ĐƯỢC BỘI NHIỄM KHÔNG?
Nhiều ba mẹ cho rằng uống kháng sinh ngay từ đầu đợt cảm có thể giúp phòng cho trẻ không bị bội nhiễm. Điều này hoàn toàn không đúng. Vì kháng sinh chỉ diệt vi khuẩn chứ không diệt được siêu vi, nên dù trẻ có uống kháng sinh ngay từ đầu thì diễn tiến bệnh do siêu vi vẫn không giảm. Hệ miễn dịch của trẻ vẫn bị ảnh hưởng và suy yếu do siêu vi, lúc này, vi khuẩn vẫn có cơ hội để xâm nhập, sinh sôi nảy nở và gây ra bội nhiễm. Nên việc cho trẻ uống kháng sinh sớm sẽ làm rắc rối thêm việc điều trị về sau. Do đó, người ta chờ khi nào có biến chứng nhiễm vi khuẩn thì mới điều trị kháng sinh.
Trẻ thường bị bội nhiễm nhiều nhất là bệnh về đường hô hấp như: viêm phổi do các ống thông không còn đường thông; viêm xoang vì hệ thống xoang dễ bị tắc lại…cái gì đang thông mà bị tắc thì đều gây ra viêm và dễ dẫn đến bội nhiễm. Bội nhiễm thì bệnh sẽ kéo dài, dịch có mùi hôi, trẻ bị sốt kéo dài hơn, bị đau nhiều hơn. Một trong những bệnh thường bị bội nhiễm khác là bệnh ngoài da (như bệnh chàm) do tổn thương về da khiến cơ thể mất hàng rào bảo vệ, vi khuẩn dễ dàng thâm nhập vào bên trong gây bệnh.
Tuy nhiên, theo thống kê, tỷ lệ trẻ bị bội nhiễm không cao. Trong trường hợp trẻ bị cảm do siêu vi, tỷ lệ bội nhiễm thường vào khoảng từ 5% đến dưới 10%. Đó là lý do vì sao bác sĩ không nên cho những đứa trẻ bị cảm, sổ mũi uống kháng sinh ngay từ đầu.
CÁC “TRUYỀN THUYẾT” VỀ BỘI NHIỄM
Có một số triệu chứng khiến người ta dễ lầm tưởng rằng trẻ đã bị bội nhiễm vi trùng, dẫn đến việc kê toa kháng sinh không cần thiết.
• Chảy mũi xanh hay vàng (thay đổi màu của dịch mũi): đây là triệu chứng rất thường gặp và là một phần của cảm do siêu vi, nó chỉ nói lên hoạt động của men (enzyme) của bạch cầu để tiêu diệt siêu vi, và thường báo hiệu đến giai đoạn sắp hết chảy mũi.
• Ho khạc đờm xanh vàng: cũng tương tư như chảy mũi, đây là triệu chứng báo hiệu sang giai đoạn lành bệnh (của viêm phế quản hay khí quản chẳng hạn).
• Sốt cao: triệu chứng sốt cao đều có thể gặp ở bệnh do siêu vi và vi khuẩn. Rất nhiều bệnh do siêu vi gây ra sốt cao như sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng hay sốt phát ban do siêu vi HHV6 (human herpes virus 6).
VIÊM PHỔI BỘI NHIỄM CÓ NGHIÊM TRỌNG KHÔNG?
Rất nhiều ba mẹ lo sợ nhất con bị bội nhiễm lên viêm phổi bởi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Tuy nhiên, trong thực tế, dù viêm phổi có thể nghiêm trọng nhưng đa số trẻ bị viêm phổi đều có thể được điều trị ngoại trú (uống kháng sinh).
Còn nếu trẻ quá nhỏ, hoặc không uống được thuốc, hoặc cần phải hỗ trợ cho thở oxy hay cần truyền dịch thì bác sĩ sẽ cho nhập viện. Một trường hợp khác là trẻ đã bị đề kháng kháng sinh thì cũng phải nhập viện để bác sĩ đánh giá tình hình và theo dõi diễn tiến bệnh.
Bs. Nguyễn Trí Đoàn - Trích "Để con được ốm"
(Bài viết của sử dụng hình ảnh từ Shutterstock)