Chia sẻ
ÁP-XE, RÒ HẬU MÔN
By Victoria Healthcare 06 Tháng 8 2019
Áp-xe hậu môn và rò hậu môn là bệnh lý do biến chứng của nhiễm trùng vùng hậu môn. Vùng quanh hậu môn có nhiều mô mỡ và tuyến nhờn, khi bị nhiễm trùng thường tạo nên áp-xe và nếu không điều trị dứt điểm sẽ tạo nên rò hậu môn, bác sĩ (BS) Nguyễn Vĩnh Tường, Phòng khám Victoria Healthcare, cho biết.
BỆNH DO VỆ SINH KÉM
Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh áp-xe, rò hậu môn nhưng thường gặp hơn ở nam giới, từ 20-60 tuổi. Đa số các trường hợp bệnh xảy ra ở những người béo phì, vệ sinh cá nhân kém. Vùng hậu môn thường ẩm ướt, cộng thêm mồ hôi tiết ra khi hoạt động, nếu không năng tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ, khô ráo thì vi trùng có sẵn trên da sẽ hoạt động mạnh. Khi đó, người bệnh sẽ thấy ngứa rồi gãi khiến cho vùng da này bị nhiễm trùng và gây nên áp-xe. Người béo phì có nguy cơ cao vì đổ mồ hôi nhiều hơn, là môi trường thuận lợi cho vi trùng hoạt động. Trĩ cũng là một yếu tố thúc đẩy, vì khi bị trĩ nếu không vệ sinh tốt hoặc bị thuyên tắc có thể gây áp-xe.
Triệu chứng sớm nhất của áp-xe là đau vùng gần hậu môn, có thể kèm thêm sốt nhẹ. Khi sờ vào vùng đau sẽ thấy nóng và có một mảng viêm cứng. Triệu chứng của rò hậu môn là một nhọt nhỏ đóng mày vùng gần hậu môn và thường xuyên tiết dịch máu, mủ khi dùng tay nặn. Rò hậu môn thường không đau nhưng gây ngứa, khó chịu, mất vệ sinh.
ÁP-XE HẬU MÔN
Ở giai đoạn sớm, áp-xe còn nhẹ, ổ mủ nhỏ thì chỉ cần uống kháng sinh đúng liều, đúng thời gian là có thể điều trị dứt điểm. Trường hợp muộn, khi áp-xe tạo khối mủ lớn cần phải làm thủ thuật rạch ổ áp-xe (thông thường khoảng 2-3cm, có những ổ mủ lớn cần rạch sâu đế 4-5cm). Ổ mủ sẽ được dẫn lưu (thoát ra ngoài) thông qua một miếng mèche (là những miếng vải gạc nhỏ và dài với các kích cỡ khác nhau) để mủ thoát ra ngoài không tạo đường rò. Thời gian dẫn lưu để làm sạch ổ mủ kéo dài khoảng 5-7 ngày. Người bệnh cần đến bệnh viện mỗi ngày để được thay và đặt mèche mới. Sau khi hết mủ, vết mổ có thể tự lành.
BS Nguyễn Vĩnh Tường lưu ý, áp-xe hậu môn nếu không điều trị kịp thời sẽ gây nhiễm trùng da, nặng có thể gây nhiễm trùng tầng sinh môn, phải cấp cứu. Đa số các áp-xe sẽ tự vỡ và nếu không dẫn lưu hết mủ sẽ tạo nên rò hậu môn. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân còn tự ý mua thuốc Nam đắp lên vùng áp-xe. Bệnh không hết mà phần mủ còn lại trong khối áp-xe còn tạo nên đường rò hậu môn.
RÒ HẬU MÔN
Bệnh lý rò hậu môn là một nhiễm trùng mãn tính, do áp-xe không dẫn lưu kết mủ, điều trị không dứt điểm, vùng xung quanh hậu môn sẽ có một lỗ tiết dịch mủ kéo dài, đường rò có thể kéo dài bên dưới và có thể mở thông vào ruột già.
Theo BS Nguyễn Vĩnh Tường, rò hậu môn nếu để lâu sẽ gây khó khăn trong điều trị vì đường rò có thể trở nên phức tạp. Khi đã bị rò hậu môn, cần phải điều trị bằng phẫu thuật.
Nguy hiểm hơn, với một số trường hợp, rò hậu môn có khả năng bị biến chứng vào các cơ quan quan trọng như bàng quang, gây nhiễm trùng niệu; sang trực tràng sẽ gây viêm trực tràng. Trường hợp xấu nhất, nếu đường rò ở quá gần hậu môn, cơ vòng của hậu môn có thể bị cắt mất khi phẫu thuật cắt đường rò (xảy ra khi BS thiếu kinh nghiệm, chủ quan), khiến người bệnh mất tự chủ trong việc đi tiêu.
Điều quan trọng nhất cần lưu ý để tránh hai bệnh lý này là luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, giữ cho vùng hậu môn được khô thoáng. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc Nam đắp lên các áp-xe. Khi có dấu hiện áp-xe phải khám ở các bệnh viện chuyên khoa và tuân thủ đúng hướng dẫn của BS.