Chia sẻ
7 VẤN ĐỀ VỀ BỆNH ĐƯỜNG TIÊU HÓA BẠN NÊN QUAN TÂM
By Victoria Healthcare 07 Tháng 9 2020
Có đến 40% người trong chúng ta đang gặp phải những vấn đề tiêu hóa phổ biến hàng ngày. Nếu không chú ý đến chế độ ăn uống và duy trì thói quen sống lành mạnh, bạn sẽ có nguy cơ mắc phải những căn bệnh tiêu hóa sau đây:
1. TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một bệnh tiêu hóa mãn tính thường gặp nhất gây ra chứng ợ nóng hay khó tiêu. Nguyên nhân chính của bệnh là do axit dạ dày hoặc dịch mật trào ngược từ dạ dày vào thực quản, bởi vì van giữa chúng bị suy yếu.
Triệu chứng: nóng rát ở ngực, khó thở, ho khan, buồn nôn, khó nuốt thức ăn, trào ngược axit lên miệng...
Phòng ngừa: bỏ hút thuốc lá, không nên ăn quá no, tránh thực phẩm gây ợ nóng (đồ chiên, thức ăn cay, hành tây...). Không nên ăn thực phẩm nhiều gia vị hoặc dầu mỡ trước khi ngủ. Hãy duy trì cân nặng hợp lý để tránh bị thừa cân, béo phì nhé.
2. SỎI TÚI MẬT
Phụ nữ tuổi trung niên, thừa cân hoặc có nồng độ cholesterol trong máu cao là những đối tượng dễ bị sỏi túi mật. Nếu sỏi túi mật gây đau, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
Triệu chứng: đau dưới sườn bên phải, hoặc đôi khi ở lưng hoặc bả vai. Đau sau khi ăn thức ăn có dầu mỡ, buồn nôn và đôi khi ói mửa. Trong trường hợp nặng, ống dẫn mật chính bị tắc, xuất hiện các triệu chứng vàng da, phân màu đất sét, sốt, buồn nôn... Đây là những dấu hiệu nghiêm trọng và là trường hợp khẩn cấp cần tìm đến bác sĩ ngay.
Phòng ngừa: vận động nhiều, bổ sung chất xơ (trái cây và các loại rau củ quả), cắt giảm thức ăn nhiều dầu mỡ. Hãy cẩn thận với các loại thuốc điều chỉnh hormone cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
3. BỆNH CELIAC
Bệnh Celiac hay còn gọi là bệnh nhạy cảm với gluten hoặc bệnh không dung nạp gluten có trong nhiều loại bột, ngũ cốc, như lúa mạch, lúa mì, yến mạch... Bệnh dị ứng này ảnh hưởng chủ yếu ở ruột non.
Triệu chứng: tiêu chảy, sụt cân, đầy hơi, phình bụng hoặc đau bụng, loét miệng, mệt mỏi, yếu người, xanh xao, phát ban hay chuột rút ở cơ.
Phòng ngừa: thay thế gluten bằng gạo lứt, quinoa, đậu lăng, bột đậu nành, bột ngô và rau dền.
4. BỆNH CROHN
Bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng) là tình trạng viêm mãn tính ở đường ruột. Bệnh Crohn thường ảnh hưởng ở cả ruột non, ruột già, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến ruột kết. Bệnh này còn có thể gây ra hậu quả viêm khớp.
Triệu chứng: sốt, mệt mỏi, tiêu chảy, đau bụng dưới, có máu trong phân, chán ăn, sụt cân...
Phòng ngừa: Bệnh Crohn rất khó để phòng ngừa. Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách hạn chế thực phẩm sữa, giảm ăn chất béo, chia nhỏ nhiều bữa ăn, kiểm soát stress, thư giãn và vận động.
5. VIÊM LOÉT ĐẠI TRÀNG
Viêm loét đại tràng là một bệnh gây loét ở lớp niêm mạc ruột già. Sự kích ứng từ những chất dịch giúp phân giải thức ăn có thể dẫn đến những vết loét lan rộng.
Triệu chứng: đau bụng, tiêu chảy, phân nhầy và có máu, mệt mỏi, sút cân, chán ăn và sốt.
Phòng ngừa: Bạn cần tránh căng thẳng kéo dài, uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên.
6. HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn chức năng của đường tiêu hóa. Người bị hội chứng ruột kích thích thường bị rối loạn tiêu hóa khi bị kích thích hoặc căng thẳng, lo âu hay khi ăn một loại thực phẩm nào đó.
Triệu chứng: đầy hơi, đau bụng, táo bón, tiêu chảy hoặc cả hai.
Phòng ngừa: tránh các loại thực phẩm khiến bạn bị rối loạn tiêu hóa, thư giãn để tránh bị stress, tăng cường hoạt động thể chất (đặc biệt là yoga).
IBS là một trong những hội chứng rối loạn ruột có thể liên quan đến các vi sinh vật sống chủ yếu ở đại tràng. Chúng điều chỉnh mọi hoạt động từ hệ tiêu hóa đến hệ miễn dịch. Nếu vi khuẩn có hại phát triển ở ruột non, bạn có thể bị hội chứng SIBO (hội chứng vi khuẩn đường ruột) với sự phát triển quá mức của vi khuẩn ở ruột non. Điều này có thể gây ra nhiều triệu chứng tương tự như IBS.
Bạn có thể điều trị chứng IBS bằng probiotic (các loại vi khuẩn “có lợi”), và đôi khi là một loại kháng sinh đặc hiệu.
IBS có thể dẫn đến tình trạng nặng hơn là hội chứng rò rỉ ruột. Chứng bệnh này có thể gây ra triệu chứng tương tự với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều như mệt mỏi, đau bụng mãn tính, viêm khớp và dị ứng nhiều loại thực phẩm.
Hội chứng rò rỉ ruột có thể được điều trị giống như SIBO, nhưng với chế độ ăn đặc biệt: FODMAP. Đây là chế độ ăn cắt giảm khắt khe carbohydrate, ngay cả trong trái cây. Bạn cần bổ sung nhiều đạm, chất xơ, rau củ quả, và tránh chất béo có hại (trong bánh ngọt và thực phẩm chế biến sẵn).
Nhìn chung, các hội chứng SIBO, IBS và rò rỉ ruột sẽ được cải thiện với chế độ ăn ít carbohydrate và nhiều chất xơ với các loại rau củ quả, probiotic.
Nếu nhận ra mình đang có dấu hiệu của một trong những chứng rối loạn này, bạn nên tìm đến một bác sĩ chuyên khoa dạ dày hoặc bác sĩ chăm sóc sức khỏe được đào tạo tốt.
7. BỆNH TRĨ
Bệnh trĩ là hậu quả của việc áp lực trong các tĩnh mạch hậu môn tăng lên. Áp lực tăng lên này khiến cho các tĩnh mạch bị ứ đọng máu, làm cho người bệnh khó chịu và đau, đặc biệt là khi ngồi hay đi đại tiện.
Triệu chứng: đau hay ngứa ở hậu môn, chảy máu khi đi đại tiện. Có thể có một khối rất mềm ở rìa hậu môn.
Phòng ngừa: ăn nhiều rau củ quả để bổ sung chất xơ, tránh ngồi quá lâu và tăng cường các hoạt động thể chất. Uống nhiều nước.
(Bài viết của sử dụng hình ảnh từ Shutterstock)