Chia sẻ

Mẹ hỏi bác Đoàn - số 14 "KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN BA"

By Victoria Healthcare 24 Tháng 2 2021

Mẹ hỏi bác Đoàn - số 14
Không chỉ là số phát sóng đầu tiên khởi đầu Xuân Tân Sửu, mà chủ đề có ý nghĩa đặc biệt dành tặng cho quý phụ huynh đang nuôi dạy con ở tuổi lên 3, cũng như các bố mẹ đang có con sắp đến tuổi lên 3. Đây còn là một talk show mà BS Trí Đoàn kết hợp cùng livestream với CV Tâm Lý Nhi Khoa Lý Tường Lợi, một chuyên viên Tâm Lý Nhi khoa trẻ tràn đầy tâm huyết với nghề, vô cùng yêu quý trẻ thơ và luôn mong muốn đồng hành cùng quý phụ huynh của Victoria Healthcare trên cuộc hành trình nuôi dạy con phát triển một cách toàn diện nhất.
Khủng hoảng tuổi lên ba là một trong những thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời của một đứa trẻ. Nó dựa trên sự đổ vỡ của mối quan hệ thân thiết đã tồn tại giữa đứa trẻ và người lớn (cha mẹ) cho đến khi ba tuổi.
Trẻ không chỉ tỏ ra bướng với người lớn mà còn làm những việc người lớn ngăn cấm hoặc bảo một đằng làm một nẻo. Chẳng hạn bảo chào khách thì quay mặt đi, hoặc bảo không được dụi mắt thì lại dụi mạnh hơn làm mắt đỏ mọng lên.
Trẻ thường tỏ ra bướng bỉnh đối với người lớn nào quá chăm sóc và làm thay cho chúng. Nếu tôn trọng tính độc lập của trẻ và biết cách hướng dẫn để trẻ tự làm lấy một số việc như tự xúc cơm ăn, tự mặc lấy quần áo hoặc làm một số việc đơn giản để giúp đỡ cha mẹ, cô giáo thì trẻ vẫn biết vâng lời mà tính độc lập vẫn được phát triển.
Hiện tượng “con có thể tự làm được” không chỉ có nghĩa là thể hiện sự tự chủ bề ngoài, mà đồng thời là sự tách biệt của đứa trẻ với người lớn, điều mà các bậc cha mẹ thường không thích nhất.
Tính độc lập xuất hiện ở trẻ, nhu cầu muốn hành động độc lập là rất lớn, để khẳng định mình. Nhu cầu tự khẳng định là một động lực mạnh mẽ, thúc đẩy trẻ bước sang một giai đoạn phát triển mới. Nhu cầu này nhiều khi còn lấn át các nhu cầu khác cũng đang phát triển mạnh ở trẻ. Đây là dấu hiệu của sự trưởng thành rất đáng mừng. Nhưng cùng với nó, ở trẻ lên 3 lại xuất hiện tính bướng bỉnh do muốn làm theo ý mình, tự mình làm tất cả.
Trẻ thường không lượng được sức mình, muốn làm mọi việc như người lớn như đi mua hàng, nấu nướng, lái xe, xây nhà... Tất nhiên không người lớn nào lại có thể thoả mãn được ý muốn đó của trẻ. Vì thế xảy ra cái gọi là "cuộc khủng hoảng của tuổi lên ba". Biểu hiện tập trung của cuộc khủng hoảng này là ở một số đặc điểm trong tính nết của trẻ: bướng bỉnh, ích kỷ, hỗn láo... đặc biệt đối với người lớn.
Đối với những đứa trẻ đang ở vào tình trạng khủng hoảng, người lớn thường gặp khó khăn trong quan hệ với trẻ mà trở ngại lớn nhất là tính bướng bỉnh và ngang ngạnh của nó. Nếu được giáo dục đúng đắn, nếu người lớn kịp thời nhận thấy những khả năng mới của trẻ và thoả mãn nhu cầu muốn độc lập tự chủ của nó và tạo ra những hình thức hoạt động mới, những quan hệ mới với người lớn thì sự khủng hoảng sẽ được rút ngắn và vượt qua một cách nhẹ nhàng. Nếu người lớn còn quá coi thường cuộc khủng hoảng này mà không thay đổi các biện pháp giáo dục cho phù hợp thì sự khủng hoảng của tuổi lên 3 sẽ kẻo suốt thời thơ ấu, để lại những dấu vết nặng nề về sau này. Nhưng mặt khác lại cần thấy rằng cuộc khủng hoảng của tuổi lên 3 là một hiện tượng tạm thời mang tính chất chuyển tiếp.