Chia sẻ
Tiêm Chủng Đầy Đủ Là Lá Chắn Sức Khỏe Cho Tất Cả Mọi Người
By Victoria Healthcare 25 Tháng 4 2022
Hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới 24 - 30/04, Hệ thống phòng khám đa khoa Victoria Healthcare truyền tải thông điệp “Tiêm chủng đầy đủ - Sống khỏe dài lâu” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng và thúc đẩy việc tiêm chủng đầy đủ vắc xin để bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi.
—------
Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn - Trưởng khoa Nhi Hệ thống Phòng Khám Đa Khoa Victoria Healthcare từng chia sẻ trong quyển sách “Để con được ốm”:
“Chủng ngừa được xem là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của khoa học nói chung và y học nói riêng bởi nó đã giúp phòng ngừa hay loại trừ một số bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng hay bệnh lý để lại di chứng nghiêm trọng cho trẻ. Chủng ngừa được xem là biện pháp hiệu quả kinh tế nhất hiện nay để chúng ta sống khỏe”.
Tầm quan trọng của vắc xin tiêm chủng - phát minh quan trọng của nhân loại
Kể từ năm 1798, vắc xin đậu mùa đầu tiên được phát triển, cuộc chiến chống lại bệnh tật bắt đầu. Lần đầu tiên, tiêm chủng đã cho mọi người một cơ hội sống và hàng trăm loại vắc xin sau đó được phát triển.
Trong hơn 200 năm qua, vắc xin đã bảo vệ chúng ta chống lại những căn bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Nhờ những lợi ích từ vắc xin, chúng ta phòng ngừa hiệu quả từ sớm những căn bệnh như: đậu mùa, bại liệt... là các bệnh từng khiến nhân loại mất đi hàng trăm triệu sinh mạng.
Trong suốt hơn hai năm qua, chúng ta phải đối mặt với đại dịch toàn cầu Covid-19, những mất mát đau thương khi chưa có vắc xin, chúng ta cũng đã phần nào cảm nhận được tầm quan trọng của việc chủng ngừa. Sau khi các chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 được thực hiện rộng rãi ở các quốc gia, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong có xu hướng giảm đáng kể.
Tổ chức Y tế thế giới WHO cùng một số tổ chức sức khỏe khác phát động chiến dịch “Tuần lễ Tiêm chủng thế giới 2022”. Vắc xin mang lại cơ hội và hy vọng cho tất cả chúng ta tận hưởng một cuộc sống trọn vẹn hơn. Do đó, tất cả chúng ta nên cùng đồng lòng có nhận thức chung về việc tiêm chủng các loại vắc xin cần thiết khi đến độ tuổi. Vì vắc xin là chìa khóa để theo đuổi một cuộc sống lâu dài cho tất cả mọi người.
Hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng thế giới - Long Life For All”
Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới được tổ chức hàng năm vào tuần cuối cùng của tháng 4, với mục đích thúc đẩy việc sử dụng vắc xin để bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi chống lại bệnh tật. Tiêm chủng giúp cứu sống hàng triệu người mỗi năm và được công nhận là một trong những can thiệp y tế thành công nhất trên thế giới. Mục tiêu cuối cùng của Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới nhằm truyền thông việc tiêm chủng đến toàn dân để bảo vệ người dân phòng ngừa dịch bệnh bằng vắc xin.
Chủ đề Tuần lễ tiêm chủng Thế giới năm 2022 là “Long Life For All - Theo đuổi một cuộc sống lâu dài cho tất cả mọi người”. Chủ đề năm nay nhằm nhấn mạnh việc tiêm chủng trong chăm sóc sức khỏe chủ động cho người dân. Đầu tư cho tiêm chủng là một trong những khoản đầu tư tốt nhất cho sức khỏe.
Để hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới, trong một video được truyền thông, đại sứ thiện chí của UNICEF - ông Liam Neeson Liam Neeson chia sẻ về những nỗ lực của các nhà khoa học đã phát triển loại vắc xin đầu tiên chống lại bệnh bại liệt. Họ chính là những người đã giúp cứu sống khoảng 2-3 triệu trẻ em mỗi năm.
Đại sứ chia sẻ: “Vắc xin là một trong những thành công vang dội của con người. Trong 75 năm qua, nhờ có các nhà khoa học, các nhân viên y tế và các tình nguyện viên, hàng tỷ trẻ em đã được tiêm vắc xin. Chúng ta được sống mà không phải lo lắng về bệnh đậu mùa. Bệnh bại liệt, loại bệnh từng được coi là nan y, nay đã không còn là mối đe dọa ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Chúng ta không thể kể hết được những lợi ích mà vắc-xin đã mang lại cho mỗi chúng ta trong những năm gần đây. Đây có thể là một trong những thành tựu lớn nhất trong lịch sử có sự chung tay góp sức của toàn nhân loại”.
Tiêm phòng là một trong những biện pháp bảo vệ sức khỏe hữu hiệu nhất.Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, do đó rất dễ bị nhiễm bệnh. Hưởng ứng tuần lễ Tiêm chủng thế giới, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm chủng định kỳ và đúng lịch. Đó là cách tốt nhất để cơ thể trẻ chủ động phòng bệnh hiệu quả.
Trong 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua, cả thế giới tập trung vào các loại vắc xin phòng chống Covid-19. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần đảm bảo không bỏ sót việc tiêm chủng định kỳ các vắc xin phòng ngừa bệnh khác khi đến tuổi cần tiêm. Nhiều trẻ em đã không được tiêm ngừa vắc xin khác trong đại dịch Covid-19. Điều này dẫn đến nguy cơ những trẻ này có thể mắc các bệnh nghiêm trọng như sởi, bại liệt... Không những vậy, những thông tin sai lệch vẫn đang lan truyền nhanh chóng xung quanh chủ đề tiêm chủng càng làm tăng thêm mối đe dọa này.
Trong quyển sách “Để con được ốm”, Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn - Trưởng khoa Nhi Hệ thống Phòng Khám Đa Khoa Victoria Healthcare cho biết vắc xin cũng là “nạn nhân truyền thông” ở các nước tiên tiến. Vấn đề về thông tin trên báo chí truyền thông đôi khi không chính xác đã làm cho các bậc cha mẹ lo sợ, không cho con chích ngừa kịp thời và đầy đủ, khiến một số bệnh quay trở lại như sởi và thủy đậu. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới.
Nỗ lực của các Tổ chức Y tế trong việc tuyên truyền và thực hiện tăng cường tiêm chủng cho trẻ em
Theo thống kê của WHO, 23 triệu trẻ em vẫn chưa được tiêm vắc xin vào năm 2020 - một con số đáng báo động. Con số này chỉ có thể được giảm bớt thông qua việc tăng cường cam kết và đầu tư vào các dịch vụ tiêm chủng. Bà Martha Rebour, Giám đốc điều hành của chiến dịch Shot@Life thuộc Quỹ Liên hợp quốc cho biết UNICEF đảm bảo rằng khoảng một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới sẽ được “bảo vệ bằng tình yêu thương” qua những liều vắc xin giúp cho các em có cuộc sống khỏe mạnh.
Bà Catherine Russell, Giám đốc Điều hành UNICEF cho biết: “Hai năm qua đã khiến cho chúng tôi hiểu rằng một hệ thống chăm sóc sức khỏe khiến một vài trẻ em mắc bệnh rồi sẽ khiến tất cả trẻ em mắc bệnh. Cách tốt nhất để thế giới phục hồi sau đại dịch này và chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp về y tế trong tương lai là đầu tư vào tăng cường hệ thống y tế, cũng như đảm bảo công tác tiêm chủng và các dịch vụ y tế thiết yếu cho mọi trẻ em”.
Bà Gargee Ghosh, Chủ tịch Vận động và Chính sách Toàn cầu của Quỹ Bill & Melinda Gates cho biết: “Chúng tôi đang chạy đua với thời gian để khôi phục các dịch vụ tiêm chủng bị gián đoạn do đại dịch COVID-19 và đẩy nhanh công tác tiêm chủng cho tất cả các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Đó là lý do chúng tôi rất vui khi được hợp tác cùng UNICEF và các đối tác khác trên toàn thế giới nhằm đảm bảo trẻ em, đặc biệt là trẻ em tại những nước nghèo nhất trên thế giới, được tiếp cận với tất cả các loại vắc xin cần thiết để có được một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh hơn”.
Mặc dù vắc xin không phải là giải pháp cho mọi vấn đề, nhưng sự phát triển của vắc xin sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với một thế giới không còn bệnh lao, ung thư cổ tử cung…đồng thời chấm dứt các bệnh thường gặp ở trẻ như uốn ván, sởi.
Tiêm phòng cho trẻ là biện pháp phòng tránh các bệnh nguy hiểm, làm giảm tỉ lệ tử vong do bệnh ở trẻ. Việc tiêm phòng cho trẻ cần được thực hiện càng sớm càng tốt, trong hai năm đầu đời. Vì thế, cha mẹ cần đưa con đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.
Việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch không chỉ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, trẻ em phát triển khỏe mạnh thể chất và trí não, mà còn còn giúp giảm số ngày trẻ bệnh và nhập viện, giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật gây nên. Đặc biệt giảm thời gian và công sức của phụ nữ do không phải chăm sóc trẻ bị bệnh, cũng góp phần nâng cao sức khỏe của phụ nữ.
---------------------
Nguồn thông tin tham khảo:
- Tổ chức Y tế thế giới WHO
- Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF