Chia sẻ

Thực hư chạy bộ có thể gây suy thận

By Victoria Healthcare 10 Tháng 7 2025

Thực hư chạy bộ có thể gây suy thận

Chạy bộ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính đến 18%, miễn là runner không vận động quá sức.

Gần đây, nhiều trường hợp suy thận cấp khi chạy giải vào mùa hè nắng nóng làm dấy lên lo ngại sức khỏe trong cộng đồng. Một số bác sĩ có kinh nghiệm chạy bộ lâu năm đã đăng bài cảnh báo, hướng dẫn cách phòng tránh hiện tượng này. Tuy nhiên, thực tế là nếu được thực hiện đúng cách và ở cường độ vừa phải, chạy bộ lại giúp cải thiện chức năng thận chứ không gây tổn thương cơ quan này.

Báo cáo công bố trên American Journal of Kidney Diseases (2021) cho thấy, những người vận động thể chất mức độ vừa phải, như đi bộ nhanh hoặc chạy nhẹ nhàng từ 30 đến 60 phút mỗi ngày, có thể giảm 18% nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính.

Bác sĩ Nguyễn Đức Lộc trên đường chạy tại giải VnExpress Marathon Ho Chi Minh City Midnight 2025. Ảnh: VnExpress Marathon

Bác sĩ CK1 Nguyễn Đức Lộc, Phòng khám Đa khoa Victoria Healthcare, khuyến nghị nên chạy với cường độ vừa phải để không gây áp lực lên thận, nhất là với những người chưa có nền tảng thể lực tốt.

"Một số runner có dấu hiệu xem nhẹ việc tiếp nước và bù điện giải kịp thời cho cơ thể. Vào mùa hè, khi nhiệt độ tăng cao, cơ thể tăng tiết mồ hôi để hạ thân nhiệt, mất điện như natri, kali, magiê. khiến thể tích tuần hoàn giảm, làm thận không được cung cấp đủ máu. Nếu tiếp tục gắng sức, runner có thể rơi vào trạng thái sốc, hạ natri máu hoặc tiêu cơ vân dẫn đến suy thận cấp. Vì thế, nếu có hiện tượng kiệt sức, choáng váng, runner nên ngừng chạy. Bù lại, nếu chạy đúng cách, với cường độ vừa phải, chạy bộ lại tốt cho chức năng thận", bác sĩ nói.

Giải thích rõ hơn, bác sĩ Lộc cho biết khi chạy bộ đúng cách, máu được lưu thông mạnh mẽ đến các cơ quan, trong đó có thận. Điều này giúp tăng hiệu quả lọc máu, duy trì cân bằng điện giải và loại bỏ độc tố nhanh chóng hơn.

Bên cạnh việc tập luyện đúng cách, duy trì chế độ ăn uống khoa học - giàu chất xơ, đồng thời hạn chế thực phẩm nhiều muối và chất béo bão hòa - sẽ góp phần giảm áp lực chuyển hóa cho thận, đặc biệt ở những người có thói quen chạy bộ thường xuyên.

Ngoài ra, bổ sung nước và điện giải đúng cách cũng rất quan trọng. Thiếu nước khiến máu đặc, tăng gánh nặng cho thận. "Runner chú ý uống nước trước, trong và sau khi chạy, đặc biệt khi tập dưới nắng hoặc bài tập kéo dài trên 60 phút", bác sĩ Lộc nói.

Đây cũng là lý do tại các giải chạy quy mô lớn, khâu tiếp nước và hỗ trợ y tế cần được tổ chức bài bản. Đơn cử, giải VnExpress Marathon Đà Nẵng 2025 vào ngày 20/7 tới sẽ bố trí 22 trạm nước và 18 trạm y tế dọc đường chạy, giúp runner duy trì thể lực, tránh mất nước và được xử lý kịp thời nếu có sự cố về sức khỏe.

Bác sĩ cũng khuyến cáo người có tiền sử bệnh thận, cao huyết áp, tiểu đường... nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập chạy. Cá nhân hóa các giáo án tập luyện sẽ đảm bảo an toàn và hiệu quả tối ưu.

Hiện nay, dư luận đang xôn xao về mối liên hệ giữa thói quen thức khuya, tiêu thụ nước ngọt và nguy cơ suy thận, đặc biệt ở người trẻ tuổi. Các nghiên cứu và chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng những thói quen này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng thận nếu duy trì trong thời gian dài. Vì thế, từ bỏ các thói quen xấu cũng là 1 yêu cầu quan trọng với người tập chạy bộ nghiêm túc.

Phóng viên Hải Long - Báo VnExpress 

(Nguồn: https://vnexpress.net/thuc-hu-chay-bo-co-the-gay-suy-than-4911960.html)