Chia sẻ
[THÔNG ĐIỆP BÁC SĨ] - LÀM PHIỀN CON CHÁU
By Victoria Healthcare 07 Tháng 6 2022
Làm phiền con cháu
Chiều nay như thường lệ, tôi đến hồ bơi nhà văn hóa để bắt đầu suất bơi của mình. Khi tôi đang dáo dác tìm ngăn tủ đựng đồ của chìa khóa số 51 trong một dãy các ngăn tủ được dán chi chít các con số để cất túi xách thì một cậu thanh niên còn trẻ với thân hình lực lưỡng cất tiếng hỏi: “Cô tìm ngăn tủ số mấy ạ? số 51 hả cô, ngăn ấy ở góc phải đấy cô”. Vừa nhìn theo hướng cậu ấy chỉ, thấy được ngăn tủ số 51, chưa kịp cất lời cảm ơn cậu ấy, thì lại nghe tiếp cậu ấy nói: “Cô đi bơi thế này là tốt lắm đấy, sau này về già khỏi phải làm phiền con cháu”. Bất giác tôi sững sờ và cảm giác như tim mình chậm đi vài nhịp, có cái gì đó đang đè lên lồng ngực tôi, tôi nhìn cậu ấy trân trân- trước mặt tôi là một chàng trai trẻ, khỏe mạnh với một gương mặt rất sáng. Phải mất một khoảng lặng vài giây tôi mới có thể cất giọng: Cô cảm ơn.
Cái ý nghĩ làm phiền con cháu, tôi đã đọc được từ trong mắt, trong ánh nhìn của những người lớn tuổi đến khám bệnh với mình ở phòng khám. Đó là sự e dè, nỗi lo lắng thắc thỏm khi nghe bác sĩ tư vấn bệnh lý cho mình. Đôi khi tôi cảm nhận được các cụ già không lo sợ về sự đau đớn hay bệnh tình của chính mình mà là sự hoang mang rằng cái bệnh tật ấy sẽ gây tốn kém, gây phiền phức cho con cháu.
Càng lo sợ người già càng giấu bệnh, càng cố gắng chịu đựng. Chỉ đến khi nào không thể chịu đựng được nữa, họ mới cầu cứu đến con cháu, đến người thân. Y học hiện đại dù có tối tân cách mấy, tiến bộ cách mấy cũng đành chịu thua, bất lực trước những căn bệnh đã âm thầm tàn phá cơ thể, đã đi đến giai đoạn cuối, mà không có cách gì hồi phục được.
Tôi đã vô cùng xúc động khi chứng kiến những người con đưa Ba Mẹ, Ông Bà mình đi khám tổng quát, các bạn trẻ này luôn tìm cách gặp tôi trước để nói rằng: “Bác sĩ đừng bao giờ cho Ba/ Mẹ/ Ông/ Bà em biết chi phí khám, xét nghiệm hay chụp chiếu gì hết bác sĩ nha”, hoặc luôn nhanh tay đón lấy tờ chỉ định rồi dẫn các cụ đến một nơi thật xa bàn đóng phí, tuyệt nhiên không để các cụ biết chi phí khám chữa bệnh. Đã không biết bao nhiêu lần tôi được yêu cầu: “Bác sĩ khám và tầm soát hết các bệnh lý giúp em, em đưa được Ba, Mẹ em đến đây là cả một kỳ công, năn nỉ trần ai đấy Bác ơi”
Nhưng cũng không biết bao nhiêu lần tôi khám những người lớn tuổi lặng lẽ đi khám bệnh một mình mà không cho con cái biết. Tôi hỏi thì các cụ bảo nào là các con tôi bận lắm, hay tôi sống một mình, các con thì ở xa...Nhưng tôi biết là các cụ sợ làm phiền con cháu, cái gì tự làm được, tự đi được thì cứ làm cứ đi. Khi khám cho các cụ tôi luôn cân nhắc phải làm những xét nhiệm gì, các khảo sát gì giúp phát hiện và chẩn đoán được bệnh tật, tránh bỏ sót bệnh lý cũng như không thực hiện những chỉ định không cần thiết gây tốn kém. Điều đó đòi hỏi cả một quá trình khám và hỏi bệnh một cách tỉ mỉ cặn kẽ và cũng chính những lần khám ấy tôi nhận được những giọt nước mắt, những tiếng khóc nghẹn ngào của nỗi sợ hãi ốm đau, mặc cảm với bệnh tật, khổ sở dằn dặt, và lo sợ trở thành gánh nặng cho con cháu và người thân cho dù họ là những người có điều kiện kinh tế, gia đình khá giả. Là những thổn thức khi được giải bày những cơn đau, những khó chịu trong cơ thể đã bị dồn nén lâu ngày mà không thổ lộ được với bất cứ ai nên chỉ cần lời hỏi thăm, ý khơi gợi từ Bác sĩ thì những dồn nén đó tuôn ra như thác đổ.
Làm phiền con cháu là ý nghĩ thường trực trong tâm trí của người lớn tuổi khi ốm đau bệnh hoạn. Tôi đã chứng kiến những người trẻ, những người con, đứa cháu đã yêu thương chăm sóc những người lớn tuổi ốm đau bằng tình thương yêu vô bờ bến, bằng sự lo lắng,chăm sóc bất kể ngày đêm, không hể để lộ ra trong hành động hay ý nghĩ người thân đau ốm của họ là một gánh nặng , tôi thấy ở họ nỗi đau khổ không kém khi không chia sẻ được những cơn đau mà người thân đang gánh chịu.
Nhưng nghe được câu nói ấy từ chính một người trẻ làm tôi chạnh lòng và nghĩ: Bạn trẻ này đã thốt ra câu ấy một cách rất tình cờ tự nhiên, nó bật thốt ra từ trong tâm thức bạn ấy rằng người già lớn tuổi ốm đau sẽ làm phiền con cháu rất nhiều. Tôi tự hỏi liệu người trẻ bây giờ có nhiều người nghĩ như thế không ?
Thế nên trong suốt buổi bơi hôm ấy trong đầu tôi chỉ duy nhất một ý nghĩ: Sải tay này, chân đạp nước kia, hay mỗi luồng hít thở là cho tay cánh tay này khỏe đôi chân kia dẻo dai và lồng ngực, trái tim này phải thật sự khỏe mạnh để khi về già sẽ phải không làm phiền đến bất cứ ai, cứ nghĩ thế mà tôi miệt mài bơi ….
-----
Ths. Bs. Trần Thị Hồng An
Chuyên khoa Nội tổng quát Hệ thống Victoria Healthcare