Chia sẻ

SỰ THẬT VỀ ĂN CHUA LÀM TĂNG A-XÍT DẠ DÀY

By Victoria Healthcare 07 Tháng 9 2020

SỰ THẬT VỀ ĂN CHUA LÀM TĂNG A-XÍT DẠ DÀY
[Hỏi đáp với Bác Sĩ]
---
*Em bị loét bao tử, đã được điều trị và vẫn trong giai đoạn hồi phục. Em cũng hạn chế ăn đồ chua nhưng vừa rồi có đọc một thông tin là những món đồ ăn có vị chua đôi khi lại không gây tăng dịch axít dạ dày mà chính là các món đồ ngọt (như trái cây). Không biết điều này có đúng không? Làm sao xác định món ăn, đồ uống đó sẽ tạo axít nhiều hơn các món khác? (Huỳnh Phương, Tân Phú)
Bác sĩ trả lời:
Chúng ta vẫn thường nghĩ những thực phẩm nhiều dầu mỡ, có vị chua, cay, rượu bia, cà phê và một số chất khác có thể gây khó chịu cho dạ dày vì cho rằng môi trường pH của dạ dày (bao tử) sẽ thay đổi khi tiếp xúc với từng thành phần trong thực phẩm chúng ta dung nạp. Do đó, việc quy chụp một thực phẩm gây nguy hiểm đến dạ dày thường thông qua vị giác (cảm giác chua, cay…) và tự suy luận.
Điều này có phần hơi “bất công” vì trên thực tế, nhiều nghiên cứu chỉ khẳng định việc ăn uống, tập thể dục điều độ và giảm căng thẳng có ý nghĩa hỗ trợ tốt cho dạ dày, ngoài ra vẫn chưa có bằng chứng xác đáng rằng người bị bệnh này nên dùng hoặc cần tránh những loại thực phẩm gì.
Tuy nhiên, đối với bệnh nhân bị loét dạ dày như bạn, việc tăng khẩu phần ăn nhiều trái cây, rau xanh chứa nhiều chất xơ và Vitamin A, đã được chứng minh là giảm nguy cơ của bệnh lý này.
Như bạn có đề cập, không hẳn trái cây có vị chua, mà các loại trái cây có vị ngọt cũng chứa một lượng axít nhất định; vấn đề là sự điều độ cũng như đa dạng hóa các thành phần thức ăn một cách phù hợp sẽ có tác dụng tích cực hay tiêu cực lên hệ tiêu hóa.
Nếu bạn vẫn còn những lo lắng xung quanh chế độ ăn, các thực phẩm cần/tránh dung nạp hoặc muốn biết chi tiết hơn về việc bổ sung các thành phần hoặc số lượng thực phẩm trong một ngày, bạn nên tham vấn trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng hoặc chuyên khoa tiêu hóa.
BS Trần Hiền Trung - CK Nội soi Tiêu Hóa