Chia sẻ

[NHẬT KÝ BÁC SĨ] CẤP CỨU TRÊN CHUYẾN BAY

By Victoria Healthcare 08 Tháng 7 2025

 [NHẬT KÝ BÁC SĨ] CẤP CỨU TRÊN CHUYẾN BAY
Câu chuyện từ bác sĩ Trần Thị Hồng An - Chuyên khoa Nội Tổng quát tại Victoria Healthcare
Máy bay cất cánh, đến độ cao ổn định và đến giờ phục vụ bữa ăn. Tôi chọn cơm chiên Thái và suất ăn này ngon, hợp khẩu vị với tôi. Như lời con mình nói, ăn xong tôi buồn ngủ và thầm nghĩ: “Ăn uống no nê rồi, giờ là nửa đêm, mình sẽ ngủ một giấc dài. Đến 6 giờ sáng hạ cánh là ngon lành cành đào nè.”
Đang ngủ ngon, tôi nghe tiếng phát thanh: “Xin thông báo, hành khách nào là bác sĩ xin vui lòng liên hệ với phi hành đoàn, chúng tôi cần giúp đỡ.” Tôi mở ngay mắt, nhìn khắp khoang máy bay xem có ai đứng lên không. Không ai cả. Tiếng phát thanh lại vang lên: “Chúng tôi xin nhắc lại, hành khách nào là bác sĩ xin vui lòng liên hệ ngay với phi hành đoàn, chúng tôi cần giúp đỡ.”
Tôi tháo dây an toàn và đứng lên. Ngay lập tức, cậu tiếp viên hàng không nói: “Cô là bác sĩ?” Tôi gật đầu. Cậu ấy nói: “Cô đi theo con.” Tôi hỏi nhanh: “Bệnh nhân bị sao con?” Cậu ấy đáp: “Cô ấy đi toilet, vừa ra ngoài thì ngất, ngã đập đầu xuống sàn máy bay.” Tôi theo chân cậu ấy, vừa đi vừa thầm vái: “Lạy trời, đừng để con phải làm CPR trên chuyến bay này.”*
Đến nơi, trước mắt tôi là một phụ nữ khoảng trên dưới 60 tuổi, đang nằm sóng soài trên sàn máy bay ngay khoảng trống gần toilet. Tôi quỳ sát xuống và quan sát: lồng ngực thở nhẹ nhàng, không co giật, không sùi bọt mép → OK, đường thở thông. Không thể bắt mạch quay ở cổ tay do độ rung rì rì của máy bay, tôi bắt mạch cảnh, cố gắng xác nhận nhịp đập: “Lạy trời là có mạch. OK, tốt, có tuần hoàn.” Vậy là không cần làm CPR.
Khi đang chuẩn bị khám tiếp và đánh giá các dấu thần kinh định vị để xác định đột quỵ do tim mạch, thì bỗng dưng một anh chàng trung niên chạy đến, ngồi thụp xuống, vừa lay bệnh nhân vừa hỏi to bằng tiếng Việt: “Tôi là bác sĩ ở Pháp. Cô ơi, cô tên gì? Cô biết mình đang ở đâu không? Hôm nay là thứ mấy vậy cô?”. Chẳng thấy bệnh nhân trả lời, anh ấy hỏi tiếp: “Cô có nghe tôi nói không?” Bệnh nhân chớp mắt và gật nhẹ đầu.
Tôi mừng rỡ nghĩ: “Ô, anh bác sĩ này thật chuyên nghiệp. Vậy là mình yên tâm rồi.” Phải xưng danh như vậy để cả bệnh nhân và mọi người yên tâm, mọi người sẽ làm theo y lệnh của anh ấy. Ai như mình cứ im thin thít mà khám thế kia!
Rồi đột ngột, một người khác sà xuống kế bên tôi, nắm lấy tay bệnh nhân mà lắc. Tôi nghe tiếp viên nói nhỏ: “Chồng cô ấy mới tới.” Anh bác sĩ ở Pháp quay sang hỏi anh chồng: “Cô ấy có bệnh cao huyết áp không? Tiểu đường không? Có đang uống thuốc gì không?” Anh chồng bảo: "Chẳng bệnh gì trước đây, chỉ thỉnh thoảng uống thuốc đau xương khớp.”
Trong không gian chật hẹp trên máy bay và nghe các câu hỏi của anh bác sĩ, tôi nghĩ: “Mình đã có một đồng nghiệp chuyên nghiệp trong cấp cứu rồi.” Thế là tôi đứng lên, nhường không gian cho anh ấy. Cô tiếp viên đứng kế bên liền bảo tôi: “Cô có thể về chỗ ngồi được rồi ạ.”
Thế là tôi về chỗ ngồi, thắt dây an toàn. Nhưng chỉ vài phút sau, một cậu tiếp viên lại chạy đến bên tôi hỏi: “Cô ơi, cô có đúng là bác sĩ không?” Tôi đáp: “Đúng, cô là bác sĩ.” Cậu ấy lại hỏi tiếp: “Cô có chứng chỉ hành nghề hay bất cứ gì chứng minh là cô là bác sĩ đang hành nghề không?” Tôi nói: “Cô đi thăm con thì đem theo chứng chỉ hành nghề làm gì? Cô cũng không đem namecard, nhưng cô tên là Hồng An, đang làm việc tại phòng khám Victoria Healthcare, TP. Hồ Chí Minh. Mà tại sao con hỏi vậy?” Cậu ấy đáp: "Vì nếu cô là bác sĩ, cô hãy chỉ định thuốc cho bệnh nhân. Cô ấy bị tăng xông, mời cô theo con.”
Trên đường quay lại chỗ bệnh nhân, tôi nói: “Cô chỉ cho thuốc nếu xác định đúng là bệnh nhân có cao huyết áp. Đem hộp thuốc cấp cứu và máy đo huyết áp đến ngay cho cô.” Tôi nghĩ: “Vậy là mình phải quyết định mọi việc ở đây rồi.”
Bệnh nhân vẫn nằm ngay đơ trên sàn. Tôi liếc nhanh qua danh mục thuốc cấp cứu, thấy có thuốc hạ áp, Nitroglycerin xịt, dịch truyền, Ventolin spray… Tôi tháo nhanh áo khoác ngoài của bệnh nhân và với tay lấy máy đo huyết áp – là loại máy cơ. Trời ạ, với âm thanh rầm rì trên máy bay, đo huyết áp cho bệnh nhân bằng máy cơ là một thử thách. Tôi gắn chặt ống nghe vào tai, đặt vào đúng động mạch ở khuỷu tay, bóp bóng và xả hơi thật chậm để cảm nhận tiếng đập đầu tiên. Nhưng tiếng ồn của động cơ khiến tôi không xác định được chỉ số huyết áp ở lần đo đầu.
Tôi tự nhủ: “Bằng mọi giá phải đo được huyết áp ca này!” Lần đo thứ hai, tôi tập trung tuyệt đối và cuối cùng nghe được tiếng đập ở mốc 100 mmHg, rồi chậm dần và mất ở mức 60 mmHg. Tôi thông báo: “Huyết áp cô ấy là 100/60 mmHg, chưa cần truyền dịch hay dùng thuốc hạ áp gì.” Tôi nói tiếp: “Tôi cần máy đo đường huyết cá nhân và máy đo nồng độ oxy ngón tay.” Tiếp viên nhìn nhau: “Tụi con không có các máy đó.” Tôi nghĩ: “Quái lạ, sao hộp cấp cứu không có những thiết bị đơn giản này nhỉ?” Tôi bảo: “Thôi thì cho cô ấy uống chút nước đường. Nếu bị hạ đường huyết sẽ tỉnh nhanh.”
Tiếp viên đưa nước đường, nâng nhẹ đầu cô ấy lên. Cô nghiêng đầu uống được vài hớp. Tôi đo huyết áp lại, lần này nhanh chóng xác định: 110/70 mmHg. Tôi nói to cho bệnh nhân nghe: “Cô này, cô không sao cả nha. Tôi đã kiểm tra rồi, huyết áp ổn định, chưa cần dùng thuốc gì. Bây giờ cô co chân trái lên nha… tốt rồi nè… giờ co chân phải… nào, nắm chặt hai tay tôi nha.”
Khi cô ấy co cả hai chân và nắm chặt tay tôi, tôi yên tâm – không yếu liệt. Tôi quyết định kéo cô ấy ngồi dậy. Anh chồng đỡ lấy cô ấy dựa vào vai. Tôi báo với tiếp viên là cô ấy đã ổn, rồi quay lại chỗ ngồi, thắt dây an toàn và thầm nghĩ: “Hôm nay mình may mắn. Nếu là đột quỵ hay nhồi máu cơ tim thì liệu mình có cứu nổi không?”
Về lại chỗ ngồi, tôi xin tiếp viên tờ giấy và ghi đề nghị với hãng bay:
👉 Trang bị máy đo huyết áp điện tử.
👉 Trang bị máy đo đường huyết cá nhân.
👉 Trang bị máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2).
Dù đi đâu, ở đâu, dưới mặt đất hay trên bầu trời, những người bác sĩ như chúng tôi vẫn phải làm công việc của mình trong những tình huống cực kỳ khó khăn, thiếu thốn thiết bị và đôi khi đơn độc một mình. Nên khi chọn nghề này, bạn phải học – học liên tục, cập nhật không ngừng.
Giờ tôi mới hiểu: Khi chọn nghề Y, bạn chỉ thật sự nghỉ việc khi bạn rời khỏi cuộc sống này. Vì khi còn sống, nghề Y vẫn sẽ theo bạn, dù bạn đã nghỉ hưu hay không còn làm việc nữa.
*(CPR: hồi sức tim phổi khi bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở.