Chia sẻ
[Nhật ký bác sĩ] KHI SỨC KHỎE LÀ MÓN QUÀ QUÝ GIÁ DÀNH TẶNG NGƯỜI THÂN
By Victoria Healthcare 06 Tháng 12 2024
Bs. Nguyễn Hoàng Anh.
Chuyên khoa Nội tổng quát, Hệ thống phòng khám đa khoa Victoria Healthcare.
---------
Giữa lúc đang tất bật với công tác khám bệnh, tiếng chuông điện thoại vang lên. Giọng người tiếp nhận có chút gấp gáp: “Bác ơi, có bệnh nhân vừa vào phòng cấp cứu, mời bác xuống khám gấp.”
Tôi vội hỏi nhanh lý do để nắm tình hình thì được thông báo rằng bệnh nhân đã nôn ói không ngừng từ tối qua đến giờ.
Chỉ mới hơn 10 giờ sáng, tôi bước vào phòng cấp cứu và thấy một người đàn ông khoảng 50 tuổi, sắc mặt nhợt nhạt, mồ hôi thấm đẫm trên trán, hơi thở dồn dập. Đây là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy chú cần được hỗ trợ y tế khẩn cấp.
Bên cạnh chú là một bé gái chừng 8-9 tuổi, đeo một chiếc balô nhỏ trên vai. Khuôn mặt ngây thơ của cô bé lộ rõ sự ngơ ngác và lo lắng. Tôi nhanh chóng hỏi thăm và bắt đầu đánh giá tình trạng bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân chưa kịp trả lời hết câu hỏi thì lại nôn ra một lượng lớn dịch lỏng màu đen, có mùi tanh. Kết hợp với những biểu hiện khác như vàng mắt, bụng chướng nhẹ, tôi nhận định chú bị chảy máu tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản – một biến chứng của bệnh xơ gan giai đoạn tiến triển.
Khi hỏi thêm về bệnh sử và hoàn cảnh gia đình, tôi được biết chú là giáo viên, trước đây chưa từng mắc viêm gan B hoặc C, và gia đình cũng không có tiền sử bệnh gan. Tuy nhiên, chú thường xuyên sử dụng bia rượu trong các buổi gặp gỡ bạn bè. Mấy ngày trước, trong chuyến đi ra Bắc, chú có tham gia nhậu nhẹt với bạn bè. Hiện tại, chú nôn ói nhiều đến mức các điều dưỡng phải dùng xô để đựng dịch nôn. Điều này cho thấy tình trạng chảy máu tiêu hóa đã xảy ra từ tối qua nhưng chú hoàn toàn không biết, chỉ nghĩ đơn giản mình bị đau dạ dày. Đến sáng nay, quá mệt, chú mới đến khám.
Tầm 15 phút sau, dịch nôn của chú xuất hiện máu tươi – dấu hiệu cho thấy chảy máu tiêu hóa đang diễn tiến nhanh. Do tình trạng vượt quá khả năng chuyên môn của phòng khám, ekip chúng tôi lập tức phân công, mỗi người một việc, xử lý các thủ tục thật nhanh để đưa chú đến bệnh viện cầm máu kịp thời. Bác sĩ giải thích tình trạng bệnh, hoàn tất hồ sơ chuyển viện, điều dưỡng thực hiện y lệnh thuốc, và bộ phận chăm sóc khách hàng liên hệ xe cấp cứu. Chưa đầy 20 phút, chú cùng một điều dưỡng đã sẵn sàng lên xe đến bệnh viện.
Nhìn theo chiếc xe cấp cứu rời đi, hình ảnh khuôn mặt nhợt nhạt của bệnh nhân và ánh mắt lo lắng của cô bé khiến lòng tôi chùng xuống.
Ba ngày sau, tôi gọi điện hỏi thăm thì được biết chú đã qua cơn nguy kịch, không còn nôn ói và bắt đầu ăn uống lại. Tuy nhiên, sức khỏe đã giảm sút nhiều. Bác sĩ dặn chú phải ngưng hoàn toàn rượu bia và tái khám định kỳ để phòng ngừa tái phát. Tôi cũng dặn dò chú thêm đôi điều rồi chào tạm biệt.
Tôi mừng vì chí ít đã giúp chú vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Nhưng trong lòng tôi vẫn đầy những nỗi băn khoăn, bởi căn bệnh này sẽ đòi hỏi chú phải điều trị lâu dài – một gánh nặng không nhỏ cho gia đình. Nếu mọi người ý thức hơn về việc chăm sóc sức khỏe bản thân, tầm soát định kỳ, và tránh xa các yếu tố có hại như bia rượu, thuốc lá, thì có lẽ sẽ không rơi vào tình cảnh đáng tiếc như vậy.
Quan tâm sức khỏe không chỉ là trách nhiệm của riêng mỗi người, mà còn là cách thể hiện tình yêu với những người thân yêu bên cạnh. Hãy yêu thương bản thân mình, vì sức khỏe của bạn cũng là niềm hạnh phúc của họ.