Chia sẻ
CÁCH XỬ TRÍ KHI TRẺ ĐÒI BÚ NHIỀU LẦN TRONG ĐÊM
By Victoria Healthcare 17 Tháng 8 2022
Một trẻ đòi bú nhiều lần trong đêm là trẻ:
• Trên 4 tháng tuổi , hay thức giấc và khóc đòi bú sữa một hoặc nhiều lần mỗi đêm .
• Chỉ có thể ngủ lại được nếu được ôm ấp và cho bú.
• Được cho bú mẹ hay bú bình cho đến khi ngủ thiếp đi trong giấc ngủ ngày hay giấc ban đêm.
THÔNG THƯỜNG THÌ KHI NÀO NÊN CHO BÉ BÚ ĐÊM?
Từ lúc mới sanh đến 2 tháng tuổi, hầu hết các em bé thức dậy hai lần mỗi đêm để đòi bú. Từ 2 tháng đến 3 tháng, trẻ cần bú thêm 1 lần vào giữa đêm. Khoảng 4 tháng tuổi, phần lớn trẻ bú bình sẽ ngủ hơn 7 tiếng đồng hồ mà không cần bú gì cả. Còn trẻ bú mẹ thì có thể ngủ suốt đêm khi được 5 tháng tuổi. Bình thường trẻ lứa tuổi này không cần năng lượng vào ban đêm và có thể ngủ cả đêm mà vẫn khỏe.
TẠI SAO CÓ TRẺ LẠI THỨC GIẤC BAN ĐÊM ĐỂ ĐÒI BÚ?
Có vài lý do lí giải tại sao trẻ trên 4 tháng tuổi thức giấc đòi bú ban đêm , đó là:
• Cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình cho đến khi trẻ ngủ say. Nếu ký ức cuối cùng của trẻ trước khi ngủ là được bú mẹ hay bú bình , thì cái bình hay cái vú của mẹ sẽ trở thành một vật an toàn cho trẻ. Do đó trẻ sẽ không thể ngủ được nếu thiếu vật an toàn này. Nên khi thức giấc ban đêm, trẻ sẽ có thói quen ngủ lại nếu đã được cho bú.
• Vẫn còn ôm bình khi nằm trong giường. Nếu trẻ quen được bú 1 bình trong đêm, thì khi bình hết, trẻ sẽ thức tỉnh hẳn và khóc đòi cái bình đầy mới.
• Cho ăn quá nhiều lần vào ban ngày: vài bà mẹ có suy nghĩ sai lầm là “ cho ăn theo nhu cầu” nghiã là cho trẻ bú bất cứ lúc nào trẻ khóc và có bà dùng cách cho bú mẹ để làm hài lòng trẻ. Điều này dẫn đến trẻ có thể được nuôi ăn mỗi 30 đến 60 phút. Và trẻ trở nên quen với cách cho ăn số lượng ít với khoảng cách giữa 2 lần bú ngắn lại thay vì ít nhất là 2 giờ lúc còn là sơ sinh hoặc 4 giờ lúc trẻ được 4 tháng tuổi. Chính điều này đã tạo nên thói quen đòi bú nhiều lần vào ban đêm của trẻ.
TÌNH TRẠNG NÀY KÉO DÀI BAO LÂU?
Nếu bạn tập cho trẻ theo những hướng dẫn sau một cách hiệu quả, thì hành vi của trẻ chắc chắn sẽ cải thiện trong vòng 2 tuần. Đối với trẻ lớn thì có thể sẽ lâu hơn vì rất khó thay đổi thói quen của trẻ. Trẻ sẽ phản kháng rất dữ dội và khóc hàng giờ. Tuy nhiên nếu bạn không kiên nhẫn tập cho trẻ thì trẻ sẽ không ngủ được suốt đêm đến 3-4 tuổi và những hoạt động ban ngày sẽ làm cho trẻ kiệt sức.
BẠN CÓ THỂ GIÚP GÌ CHO CON?
Đây là những hướng dẫn cho bố mẹ có con trên 4 tháng tuổi thường khóc đòi bú nhiều lần ban đêm:
1. Dãn dần khoảng cách giữa các lần cho bú vào ban ngày. Nếu con bạn quen cho bú mỗi một giờ thì bạn dãn dần ra một tiếng rưỡi mới cho bú, nếu trẻ chấp nhận thì tiếp tục dãn ra thành mỗi 2 giờ mới cho bú . Nếu trẻ khóc đòi bú thì có thể cho trẻ núm vú giả. Đối vớ trẻ bú bình , bạn có thể cho trẻ 4 bình mỗi ngày lúc 4 tháng tuổi, còn đối với trẻ bú mẹ thì cần 5 lần bú mẹ cho đến khi trẻ 6 tháng tuổi. Lúc này trẻ đã ăn thêm bột và bạn có thể tập cho trẻ uống sữa bằng ly. Đánh thức trẻ để cho cữ bú sữa cuối cùng nên vào lúc 9 đến 10 giờ ,nếu bạn muốn trẻ ngủ ngon đến 6 giờ sáng.
2. Vào giờ đi ngủ ban đêm hoặc ban ngày, nên đặt trẻ vào nôi lúc trẻ lơ mơ ngủ chứ không phải là ngủ say hoàn toàn. Điều này sẽ từ từ giúp trẻ học được cách tự làm cho mình ngủ và nhận ra là ngủ là phải nằm trên giường chứ không phải là ở trên vai hay ở lòng mẹ . Đừng cho trẻ ôm bình bú trong giường ngủ của trẻ mà nên cho trẻ bú ở phòng khác và nên cho trẻ bú sữa 1 giờ trước giờ đi ngủ, nếu trẻ có ngủ sau khi mới bú xong thì nên đánh thức trẻ dậy. Vì nếu không, trẻ sẽ có thói quen là phải bú mới ngủ được và không thể tự mình đi vào giấc ngủ nếu chưa được bú. Và điều này sẽ làm trẻ cứ đòi bú mỗi lần thức giấc ban đêm.
3. Nếu bạn cho trẻ ngủ phòng riêng: hãy ghé vào thăm trẻ mỗi 5-15 phút nếu trẻ còn khóc vào giờ ngủ. Nếu trẻ sợ điều gì đó hãy ôm trẻ và vỗ về để trẻ bình tĩnh lại. Đừng bật đèn lên, cố gắng động viên trẻ và cho trẻ vài thứ khiến trẻ có cảm giác an toàn như: búp bê, thú nhồi bông, cái chăn. Đừng ở lại trong phòng trẻ quá 1 phút. Cố gắng rời phòng trước khi trẻ ngủ say.
4. Sau cữ ăn cuối lúc 9-10 giờ, bạn có thể cho trẻ bú chỉ thêm một lần nữa trong đêm, nhưng phải sau cữ cuối 4 giờ hoặc hơn
5. Giảm dần lượng sữa bú trong đêm mỗi 30ml trong mỗi 2-3 đêm cho đến khi trẻ không cần bú nữa mà vẫn ngủ được.
Ngoài ra còn có thêm các cách khác như:
6. Đưa nôi trẻ sang phòng khác. Nếu không thể làm điều đó, thì phủ một cái chăn che một phía nôi để trẻ không thấy bạn khi trẻ thức dậy.
7. Đừng để trẻ ngủ nhiều ban ngày, chỉ cần 2 giấc ngủ ngày, 2 giờ mỗi giấc là đủ .
8. Đừng thay tã ban đêm.
9. Hãy ghi nhật ký khi nào trẻ thức và ngủ , bạn có thể đem cho bác sĩ xem để được tư vấn thêm.
KHI NÀO BÉ CẦN KHÁM BÁC SĨ?
- Khi trẻ không lên cân tốt.
- Bạn nghĩ trẻ khóc là do bệnh thật sự.
- Trẻ tỏ vẻ rất sợ hãi.
- Trẻ không cải thiện sau 2 tuần áp dụng các hướng dẫn trên.
Bs. Nguyễn Trí Đoàn, Trưởng khoa Nhi & Trưởng bộ phận Y học chứng cứ, Hệ thống Phòng Khám Đa khoa VICTORIA HEALTHCARE.
---------
Chăm sóc sức khỏe trẻ em, đặc biệt là việc Khám sức khỏe định kỳ ở trẻ không giống như khám sức khỏe định kỳ của người lớn. VICTORIA HEALTHCARE cam kết mang đến những thông tin Y khoa chính thống và hữu ích giúp các bậc cha mẹ nuôi con khỏe mạnh.
Các bác sĩ Nhi khoa tại VICTORIA HEALTHCARE sẽ đưa ra những tư vấn, các phương pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả và phù hợp nhất cho từng đứa trẻ.
Tham khảo các gói khám chăm sóc sức khỏe trẻ em TẠI ĐÂY