Tầm soát ung thư phổi được thực hiện nhằm phát hiện sớm ung thư phổi ở những người khỏe mạnh có nguy cơ cao bị ung thư phổi.
Bác sĩ sẽ chỉ định chụp CT cắt lớp liều thấp ở phổi để tìm ung thư phổi. Nếu ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn đầu, bệnh ung thư phổi có nhiều khả năng được chữa khỏi bằng phương pháp điều trị.
Mục đích của tầm soát ung thư phổi là giúp phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn rất sớm – khi bệnh có nhiều khả năng được chữa khỏi. Nếu ung thư phổi đã phát triển ở giai đoạn biểu hiện nhiều dấu hiệu, triệu chứng bệnh thì việc điều trị ung thư sẽ gặp nhiều khó khăn. Các nghiên cứu cho thấy tầm soát ung thư phổi định kỳ giúp giảm nguy cơ tử vong do ung thư phổi.
AI NÊN TẦM SOÁT UNG THƯ PHỔI?
Tầm soát ung thư phổi thường được khuyến cáo cho những người có nguy cơ cao, bao gồm:
• Người hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc từ 55 tuổi trở lên.
• Những người hút nhiều thuốc lá trong thời gian dài.
• Những người từng hút nhiều thuốc lá nhưng đã bỏ. Nếu bạn hút rất nhiều thuốc lá trong một thời gian dài và bạn đã bỏ thuốc lá, bạn cũng nên cân nhắc việc tầm soát ung thư phổi.
• Những người hút thuốc thụ động (thường xuyên tiếp xúc hoặc sống cùng người hút thuốc lá);
• Người có tiền sử ung thư phổi. Nếu bạn đã được điều trị ung thư phổi cách đây hơn 5 năm, bạn nên cân nhắc việc tầm soát ung thư phổi.
• Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi;
• Những người tiếp xúc với các chất độc hại từ môi trường, bao gồm khói thuốc lá, phóng xạ, bụi và hơi từ các kim loại khác nhau.
** Đối với những người có nguy cơ cao hoặc mắc một số bệnh phổi mãn tính hoặc bị ho dai dẳng, nên tư vấn với chuyên gia hô hấp để được kiểm tra chuyên sâu hơn.
ĐẾN TUỔI NÀO CÓ THỂ NGƯNG TẦM SOÁT UNG THƯ PHỔI?
Hiện nay không có thông tin nghiên cứu khuyến cáo về độ tuổi ngừng tầm soát ung thư phổi. Nói chung, bạn nên tiếp tục tầm soát ung thư phổi hàng năm cho đến khi bạn 80 tuổi hoặc cho đến khi bác sĩ của bạn xác định rằng việc tầm soát này không còn có lợi cho bạn nữa do bạn phải điều trị bệnh lý nghiêm trọng khác.
CHỤP CT LIỀU THẤP CÓ RỦI RO PHƠI NHIỄM BỨC XẠ KHÔNG?
Lượng bức xạ CT bạn tiếp xúc trong quá trình chụp CT liều thấp ít hơn nhiều so với lượng bức xạ chụp CT tiêu chuẩn. Nó bằng khoảng một nửa lượng bức xạ bạn tiếp xúc tự nhiên từ môi trường trong một năm.
Tuy nhiên, kết quả CT của bạn cho thấy có bất thường ở một trong hai phổi, bạn có thể cần phải tiến hành chụp CT bổ sung, điều này có thể khiến bạn tiếp xúc với nhiều lượng bức xạ hơn, hoặc bạn có thể được chỉ định các xét nghiệm xâm lấn khác, chẳng hạn như sinh thiết…