Chia sẻ

TĂNG HUYẾT ÁP THAI KỲ - NGUY HIỂM HƠN BẠN NGHĨ

By Victoria Healthcare 18 Tháng 9 2023

TĂNG HUYẾT ÁP THAI KỲ - NGUY HIỂM HƠN BẠN NGHĨ

Tăng huyết áp thai kỳ (THATK) là tình trạng huyết áp tăng cao khi mang thai.  Xảy ra ở 5% tới 10% trường hợp mang thai nhưng đây lại là 1 trong 3 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho sản phụ trên toàn cầu. 

Như các bệnh lý khác trong quá trình mang thai, THATK nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả bất lợi cho cả mẹ và bé. 

Tăng huyết áp thai kỳ là gì?

Tăng huyết áp thai kỳ là hiện tượng huyết áp tăng cao, cụ thể: huyết áp tâm thu (HATT) ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) ≥ 90 mmHg. 

Dựa vào đó để phân loại mức độ tăng nhẹ 140-159/90-109 mmHg hoặc nặng ≥ 160/110 mmHg. 

Những nguy cơ dẫn đến THATK

  • Thừa cân, béo phì trước khi mang thai
  • Ít vận động 
  • Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi
  • Mắc bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh lý liên quan dẫn đến biến chứng cao huyết áp.
  • Đa thai

Các triệu chứng phổ biến thai phụ thường gặp khi bị THATK

Thực tế không phải thai phụ nào khi bị tăng huyết áp cũng có triệu chứng. Tùy theo cơ địa của mỗi người sẽ có những biểu hiện khác nhau, có nhiều trường hợp thai phụ không có bất kỳ biểu hiện nào mà chỉ phát hiện tăng huyết áp tình cờ  khi đi khám thai. 

Tuy nhiên thông thường các triệu chứng ở THATK sẽ có các biểu hiện như:

  • Sưng, phù tay chân mặt
  • Tăng cân nhanh đột ngột
  • Rối loạn thị lực: nhìn mờ, mất thị lực thoáng qua,..
  • Đau đầu dữ dội
  • Đau ngực sau xương ức và khó thở

Những biến chứng của THATK ảnh hưởng thế nào đến mẹ và con?

  1. Đối với thai nhi: 
  • Chậm phát triển hoặc chết lưu: huyết áp cao là một trong những nguyên nhân làm lưu lượng máu chảy đến thai bị giảm, khiến thai nhi không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng từ mẹ để phát triển. Trường hợp xấu nhất có thể khiến thai chết lưu trong bụng mẹ.
  • Sinh non: thai phụ bị tăng huyết áp rất dễ sinh non, dù được điều trị nhưng một số trường hợp cần sinh sớm để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con. Những em bé sinh non sẽ đối diện với các bệnh lý của sơ sinh non tháng dẫn đến có nguy cơ tử vong.

       2. Đối với mẹ:

  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, thận,..
  • Làm giảm khả năng phục hồi sau sinh.
  • Dễ gặp tình trạng cao huyết áp ở lần mang thai tiếp theo
  • Bị tiền sản giật - đây là biến chứng có tỷ lệ mắc phải lên đến 25% và có 5% đến 8% trường hợp tử vong.
  • Tiền sản giật: là một tai biến sản khoa nguy hiểm, gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan của thai phụ, bao gồm não và thận. Tiền sản giật với cơn co giật trở thành sản giật, nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ gây tử vong cao.

Ngoài những nguyên nhân làm tăng huyết áp, thai phụ nên lưu ý những yếu tố dưới đây dễ dẫn đến tình trạng tiền sản giật:

  • Tiền sử đã từng bị tiền sản giật - sản giật ở lần mang thai trước.
  • Tiền sử gia đình (bà, mẹ hoặc chị em gái ruột) từng bị tiền sản giật.
  • Đa thai.
  • Khoảng cách hai lần mang thai trên 10 năm.
  • Tăng cân quá mức trong lúc mang thai .
  • Hút thuốc lá trong thai kỳ.
  • Thai phụ mắc các bệnh như bệnh tăng đông máu, tiểu đường tuýp 1 tuýp 2, lupus ban đỏ hệ thống,..

Phòng ngừa tăng huyết áp khi mang thai thế nào cho hiệu quả?

Để hạn chế các biến chứng nguy hiểm trên, dưới đây là những lưu ý các mẹ bầu nên ghi chú lại khi có kế hoạch mang thai:

  • Hạn chế  mang thai, sinh nở khi cao tuổi.
  • Phụ nữ  đang trong tình trạng thừa cân nên giảm cân trước khi mang thai 
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh: nhiều chất xơ, vitamin, ít ăn các thực phẩm chứa chất béo bão hòa,..để hạn chế nguy cơ mắc đái tháo đường.
  • Trường hợp đã mắc đái tháo đường, cần kiểm soát tốt lượng đường huyết trước và trong suốt thai kỳ.
  • Tập luyện thể dục thể thao điều độ theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Đi khám thai định kỳ và theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên.

(Hiệu đính nội dung: Bác sĩ Teng Quang Tín)