Chia sẻ

ĐO MẬT ĐỘ XƯƠNG VÀ 4 ĐIỀU CẦN NẮM RÕ TRƯỚC KHI THỰC HIỆN

By Victoria Healthcare 18 Tháng 8 2023

ĐO MẬT ĐỘ XƯƠNG VÀ 4 ĐIỀU CẦN NẮM RÕ TRƯỚC KHI THỰC HIỆN

Loãng xương là một căn bệnh phổ biến thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng, nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời sẽ mang đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Một trong những phương pháp nhanh chóng, hiệu quả giúp kiểm tra tình trạng xương và phòng tránh loãng xương là đo mật độ xương.

Hiểu đúng về đo mật độ xương

Đo mật độ xương hay còn gọi đo loãng xương, là phương pháp kiểm tra tình trạng xương không gây đau, giúp xác định hàm lượng canxi và các khoáng chất có trong xương.

Xương càng có nhiều khoáng chất thì càng tốt. Điều đó có nghĩa là xương của bạn chắc khỏe, không bị loãng và ít có nguy cơ bị gãy hơn. Hàm lượng khoáng chất trong xương càng thấp thì khả năng bạn bị gãy xương càng cao. Trong một số trường hợp loãng xương nặng, gãy xương có thể xuất hiện ngay cả khi bạn không bị chấn thương hay té ngã.

Tại sao nên đo mật độ xương?

Ai cũng có thể bị loãng xương. Bệnh lý này phổ biến hơn ở phụ nữ sau mãn kinh, nhưng nam giới vẫn có thể mắc bệnh này. Nguy cơ bị loãng xương tăng lên khi chúng ta già đi.

Biến chứng nặng nề nhất của loãng xương đó là gãy xương dẫn đến tàn phế. Gãy xương do loãng xương có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như loét da, nhiễm trùng hoặc tạo huyết khối do bắt động kéo dài. Thậm chí nghiên cứu chỉ ra rằng gãy xương ở người trên 50 tuổi làm tăng 20% nguy cơ tử vong trong năm sau đó. Mặc dù để lại hậu quả nặng nề, loãng xương thường không có triệu chứng cho đến khi biến chứng gãy xương xuất hiện. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào phát hiện loãng xương thông qua các biểu hiện bên ngoài sẽ làm chậm trễ quá trình chẩn đoán và điều trị.

Vì vậy, mục đích chính của việc đo mật độ xương là kiểm tra tình trạng xương hiện tại và hỗ trợ phát hiện sớm nguy cơ gãy xương trong tương lai. Dựa trên kết quả của đo mật độ xương, bác sĩ có thể đánh giá đúng hơn về nguy cơ gãy xương và có hướng phòng ngừa hoặc điều trị kịp thời.

Đối với những bệnh nhân đang trong quá trình điều trị loãng xương, việc đo mật độ xương còn giúp theo dõi - đánh giá được hiệu quả của việc điều trị.

Các chỉ số cần lưu ý khi đo mật độ xương

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, kết quả đo mật độ xương sẽ đưa ra 2 chỉ số quan trọng để chẩn đoán loãng xương: Điểm T (T-score) & Điểm Z (Z-Score).

Điểm T là chỉ số gì?

Kết quả mật độ xương của bạn sẽ được so sánh với mật độ xương của người khỏe mạnh trong độ tuổi 25 - 35 có cùng giới tính và dân tộc. Điểm T (SD - standard deviation) là độ lệch chuẩn giữa mật độ xương của bạn và người được so sánh này.

Tình trạng loãng xương được xác định dựa trên các mức mật độ xương sau:

  • Nếu T trong khoảng -1 SD đến >1 SD: Mật độ xương ở mức bình thường, xương khỏe mạnh
  • Nếu T trên-2,5 SD đến -1 SD: Mật độ xương thấp, tuy chưa mắc bệnh loãng xương nhưng cần  có các biện pháp dự phòng.
  • Nếu T từ -2,5 SD trở xuống: Mật độ xương rất thấp, bạn đã mắc bệnh loãng xương, nguy cơ gãy xương cao cần được điều trị

Chỉ số T càng thấp thì mức độ loãng xương càng nặng.

Điểm Z là chỉ số thể hiện gì?

Điểm Z thể hiện mật độ xương của bạn cao hay thấp hơn so với người khỏe mạnh ở cùng độ tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng và chủng tộc với bạn.

  • Điểm Z > -2.0: mật độ xương của bạn bình thường
  • Điểm Z = +0.5, -0.5 hay -1.5: thường gặp mức này ở phụ nữ tiền mãn kinh
  • Điểm Z ≤ -2,0: mật độ xương của bạn thấp hơn tiêu chuẩn của người cùng độ tuổi

Có phải tất cả mọi người đều cần đo mật độ xương?

Bên cạnh việc đo mật độ xương khi khám sức khỏe định kỳ, thì những đối tượng dưới đây sẽ được bác sĩ chỉ định:

  • Nhóm cao tuổi: Phụ nữ trên 65 tuổi và nam giới trên 70 tuổi
  • Phụ nữ sau mãn kinh và nam giới trên 50 tuổi kèm với một trong các yếu tố sau
    • ít vận động, chế độ dinh dưỡng thiếu canxi và vitamin D, sử dụng những chất kích thích như thuốc lá, rượu bia
    • Tiền sử gia đình bị gãy xương do loãng xương
    • Chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp
    • Tiền sử bản thân bị gãy xương do chấn thương nhẹ
  • Người mắc một số bệnh liên quan đến mật độ xương bao gồm viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường tuýp 1, bệnh gan mạn, bệnh thận mạn, cường giáp hoặc cường cận giáp, rối loạn hấp thu kéo dài 
  • Đang dùng thuốc gây mất xương (ví dụ glucocorticoid)

Các phương pháp đo mật độ xương được khuyến nghị hiện nay

Một trong những phương pháp đo mật độ xương tiên tiến và phổ biến nhất hiện nay là phương pháp DEXA.

Đây là kỹ thuật sử dụng tia X và hấp thụ tia X để xác định lượng canxi và khoáng chất có trong xương. Kỹ thuật này thường được thực hiện đo mật độ xương ở vùng hông, cột sống,..

Phương pháp này được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới bởi ưu điểm thực hiện nhanh chóng, ít xâm lấn và có độ chính xác cao.

Dù chỉ dùng lượng phóng xạ rất thấp (bằng mức phóng xạ khi bạn đi máy bay từ Sài Gòn lên Đà Lạt) nhưng bệnh nhân chỉ nên thực hiện DEXA khi có chỉ định của bác sĩ cũng như chọn cơ sở y tế uy tín với đầy đủ trang thiết bị phù hợp, đảm bảo an toàn. Đặc biệt, bệnh nhân nên thực hiện đo ở cùng một cơ sở, trên cùng một máy, tránh tình trạng máy khác nhau sẽ cho ra những kết quả khác nhau.

 

Một phương pháp khác đang được giới chuyên gia y tế chú ý là phương pháp siêu âm hay còn gọi là phương pháp đo mật độ xương gót chân.

Phương pháp này khá mới nhưng rất được quan tâm do không sử dụng đến lượng phóng xạ mà dùng chùm tia siêu âm để tác động lên vùng xương cần đo, cụ thể là gót chân. Mật độ xương sẽ được đánh giá bằng sự hấp thụ sóng âm của xương.

Trên thực tế, phương pháp này không mang lại bất kỳ nguy hiểm nào cho người bệnh nhưng cũng không mang lại giá trị chẩn đoán cao như DEXA. Theo các chuyên gia y tế, sự thay đổi mật độ xương ở gót chân diễn ra chậm hơn nhiều so với các vùng khác trên cơ thể. Chỉ số ở gót chân có thể hoàn toàn bình thường trong khi mật độ xương ở các vùng như cột sống hay vùng hông đang có vấn đề bất thường. Vì vậy, kết quả thực hiện bằng phương pháp đo gót chân sẽ không chính xác bằng phương pháp DEXA.

Bên cạnh hai phương pháp trên còn một số phương pháp kiểm tra mật độ xương khác như xét nghiệm máu để đánh giá quá trình hình thành và phân hủy xương, sinh thiết xương mào chậu, sinh hóa lâm sàng,...

Kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm tầm soát toàn diện sức khỏe bao gồm mật độ xương

Bệnh loãng xương là căn bệnh có tốc độ phát triển nhanh và được dự báo đang dần trẻ hóa cao. Chính vì thế, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để đánh giá sức khỏe toàn diện bao gồm đo mật độ xương là vô cùng cần thiết với mọi người.

Đối với người cao tuổi, theo dõi mật độ xương thường xuyên sẽ phát hiện được sớm các vấn đề về loãng xương để có hướng điều trị sớm nhất, giúp ngăn ngừa gãy xương và các biến chứng nguy hiểm khác.

Đối với người trẻ tuổi có các yếu tố gây loãng xương, kiểm tra định kỳ giúp đánh giá được tình trạng xương khớp. Bên cạnh đó, việc hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả các căn bệnh liên quan đến xương khớp và xây dựng một nền tảng sức khỏe vững chắc.